, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/05/2019, 11:50

Ngư cụ nhà nông

PHI TÂN

Không như ngư dân sống trên đò vốn chuyên nghề đánh bắt tôm cá trên sông, trên phá vốn có rất nhiều thứ ngư cụ từ đò, nò, sáo, lưới... Nông dân ở bên sông Ô Lâu quê ông vốn là dân làm ruộng; nhưng nhà mô cũng có vài thứ ngư cụ trong nhà để mỗi khi nước xuống, nước lên kiếm thêm con cá, mớ tôm cho bữa ăn hàng ngày thêm chất, thêm ngon. Đó còn là một thú tiêu khiển của người dân quê…

Làng ông là xứ cá đồng, trước mặt là sông và ruộng liền kề. Trong làng, hầu như xóm dân cư mô cũng có một cái hồ đào ở đầu xóm; rồi những ao, những đìa trải khắp cánh đồng làng. Ông nhớ những mùa hè năm cũ, khi các ao, hồ trong làng được hợp tác xã nông nghiệp đưa máy về đạp nước để cứu hạn cho lúa. Những chiếc máy đạp nước bằng gỗ, cứ hai người thay phiên nhau, ngồi lên xe dùng chân đạp liên tục mấy ngày, nước cứ chầm chậm chảy mà rồi hồ cũng cạn.

Có năm, hồ xóm Kế của ông nước cạn đúng vào một đêm trăng. Cả bầy con nít trong xóm chạy lên coi người lớn chơm cá dưới trăng. Vui nhất là cảnh cả mấy người vòng quanh dùng chơm vây đàn cá lại để chơm, những chú cá bay lên khỏi mặt nước hòng thoát thân làm nước bắn tung tóe, ai nấy ướt nhẻm cả người…

Hình minh họa. Nguồn: Internet
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Đó cũng là lần đầu ông cầm cái chơm. Đầu mùa mưa năm đó, nước sông Ô Lâu dâng cao, các thửa ruộng ven sông vừa gặt xong đều ngập tràn nước mát. Qua một đêm mưa dài, hàng chục người trong làng vác chơm ra ruộng để kiếm cá. Cá mùa nước mới rất nhiều, con mô con nấy béo mẩy. Lũ cá đồng lâu nay núp nắng ở đáy sông, thấy nước mát đua nhau chạy từng đàn. 

Nhất là loài cá gáy. Chú bé là ông lần đầu được chơm cá mùa lụt. Nước sâu ngang bụng, gần ngập cả cái chơm. Bỗng tiếng “đóng” nghe thật to. Ông phản xạ ngay lập tức bằng cách chồm cả người đè chơm xuống. “Cá gáy, cá gáy rồi, thằng cu con chơm giỏi quá!”- tiếng những bạn chơm lao xao. Đó là một con cá gáy to, không thể lôi ra khỏi miệng chơm. Ông phải nhờ người bạn chơm trở ngược cái chơm lại mới bắt được cá lên bờ… Cũng từ đó, ông được coi là đứa có tay “sát ngư”. Mà đúng thiệt. Có những đêm, mưa rất to ông đốt đèn đi soi cá, đi cỡ hơn tiếng đồng hồ cá đã đầy oi…

…Giờ tuổi đã cao nên ông đành treo cái chơm ở góc bếp. Bên cạnh là cái oi, mấy cái dẹp, mấy cần câu…Cái chơm ấy do chính tay ông nội của ông, một thợ đan mây tre giỏi của làng, đan cho. Cái chơm hình chóp, trên nhỏ dưới to được đan bằng tre, bện dây gấc rất chắc chắn. Tất cả những thanh tre ở phía dưới này đều được vót nhọn để khi chơm thì cắm phặp xuống đất không cho con cá to vùng ra ngoài.

Mà đi chơm cá thì phải mang cái oi bên lưng, nên ông nội còn đan cho đứa cháu thêm một cái oi nữa. Cái oi hình như trái bầu eo. Ông vẫn còn nhớ cái cảm giác như mình lớn hẳn khi lần đầu tiên cầm cái chơm rồi mang theo bên lưng cái oi bằng sợi dây thừng buộc ngay nơi cái eo của oi cùng mấy người trai tráng trong làng đi chơm cá mùa lụt. Cái eo là phần giữa cái miệng và thân của oi để thả cá vô thì dễ nhưng đố chú cá hay cả tôm, cua, ếch mô thoát được khi đã vô oi rồi... 

Hết mùa lụt, khi ruộng đã cấy xong, ông còn cái thú đi đặt dẹp, cắm câu ở những chân ruộng ven sông. Cái dẹp cũng đan bằng tre hình ống, miệng to đuôi nhỏ đặt ở những khe nước chảy từ kênh vô ruộng để khi nước lên nước xuống thì những con cá to bơi vô rồi mắc lại trong lòng dẹp không ra được. Những chiếc câu cặm (cắm) cũng được cắm ở các ruộng lúa sâu ban đêm chủ yếu để câu cá lóc, cá trê to khi chúng đi tìm thức ăn ban đêm… 

Lại có một nông cụ cũng vừa là ngư cụ nữa mà nhà nông mô ở quê ông cũng phải có đó là bộ tròn trào. “Trào” là ba cây tre chụm lại với nhau có treo thêm cái móc cũng bằng chạc tre để móc dây treo cái “tròn” (là cái gàu tát nước) lên mà tát nước. Bộ tròn trào để tát nước cho ruộng lúa, nhưng khi mùa vụ xong xuôi, nông dân quê ông lại vác tròn trào đi tát cá ở những ô, những biền nước sâu nơi cá đồng trú ngụ rất nhiều…

Mùa mưa lại về. Ông ngồi uống trà ngắm những ngư cụ thân thương mà buồn. Cái cảnh hàng chục người vác chơm ra ruộng bắt cá ở làng ông giờ không còn nữa. Những phương tiện đánh bắt cá bằng điện, bằng máy móc hiệu quả hơn nhưng cũng tận diệt môi trường làm cho cá đồng quê ông ngày một cạn kiệt dần. Cái chơm, cái oi, bộ tròn trào gần gũi với đời sống của nhà nông năm nao cứ thế hiếm dần và chắc không lâu nữa chúng chỉ còn là ký ức…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất