, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 20/07/2022, 07:00

Người đánh thức giống Séng Cù nguyên chủng ở Yên Bái

NGUYỄN NHẬT THANH
Mới đây, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò (tỉnh Yên Bái) đã bắt tay triển khai mô hình thí điểm sản xuất lúa Séng Cù nguyên chủng chất lượng cao tại địa phương.
Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò, Liễu Ngọc Mậu, cùng với hội viên đóng gói sản phẩm gạo Mường Lò.

Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò thành lập năm 2018 bởi một người từ dưới xuôi lên Yên Bái làm việc, một công việc không liên quan gì đến lúa gạo - anh Liễu Ngọc Mậu. Anh kể lần đầu đến Mường Lò, anh đã hết sức ngạc nhiên khi thấy giữa vùng núi cao trùng điệp lại có một cánh đồng lúa rộng lớn và trù phú như vậy. Anh càng ngạc nhiên hơn khi biết trong số các giống lúa gieo trồng trên cánh đồng Mường Lò có cả lúa Séng Cù, một giống lúa nổi tiếng gắn với các địa danh như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Vốn gốc nông dân, anh thấy băn khoăn khi cũng là vùng trồng lúa Séng Cù ở Tây Bắc nhưng hình như ít người biết đến Séng Cù Yên Bái.

Năm 2018, anh rẽ ngang, bỏ công việc đang làm để bắt tay thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò. Trở thành Chủ tịch Hội, việc đầu tiên anh làm ở cương vị mới là đi… tham quan Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và những khu vực trồng lúa Séng Cù tại Yên Bái để tìm hiểu. Trong chuyến đi ấy, anh lang thang qua nhiều bản làng. Vừa đi vừa quan sát, lắng nghe. Nhờ đó, anh nhận ra ở nơi nào lúa Séng Cù cũng được trồng trên núi cao với phương thức canh tác hết sức cổ xưa như bón lúa bằng phân xanh ủ kỹ; cuối vụ đốt chân rạ lấy tro bón đất; thả bèo tấm trên ruộng vào mùa đông để giữ ấm cho cây lúa; thu hoạch và chế biến lúa bằng tay… Anh cũng nhận ra nguồn nước tưới và giống lúa được các tộc người bảo vệ nghiêm ngặt bằng các luật tục thiêng liêng để nước không bị ô nhiễm và giống lúa quý không bị lai tạp. Cách thức gieo trồng, chăm sóc thuần thủ công và thuận thiên nên năng suất của các nơi trồng lúa Séng Cù không cao, đổi lại, hạt gạo Séng Cù cho ra hạt cơm dẻo, ngọt và thơm, được nhiều người ưa thích.

Gạo Séng Cù thơm ngon mang hương vị Tây Bắc.

Trở về Yên Bái, anh quyết tâm cải tạo thực trạng nhằm đưa lúa Séng Cù Yên Bái trở về đúng giá trị của nó. Theo anh Mậu, cánh đồng Mường Lò rộng trên 3.000 ha nhưng diện tích lúa Séng Cù chỉ chiếm chưa đầy 20% và nông dân trồng chủ yếu là để ăn. Lúa hàng hóa trên cánh đồng này chủ yếu là giống lúa Hương, một giống lúa có chất lượng khá tốt - chiếm hơn 45% diện tích. Cũng theo anh Mậu, từ năm 2018, giống Séng Cù đã từng được nhiều cơ quan khoa học và địa phương phục tráng, sản xuất giống, sau đó, bàn giao quy trình canh tác và hạt giống gốc cho địa phương. Tuy nhiên, việc chọn lọc, duy trì giống gốc không được thực hiện thường xuyên nên giống bị thoái hóa, chất lượng gạo không còn như nguyên bản.

Qua nghiên cứu các tài liệu khoa học, anh Mậu đề xuất với UBND thị xã Nghĩa Lộ cho xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa Séng Cù nguyên chủng để phục tráng giống lúa đặc sản địa phương. Anh hy vọng với việc phục tráng này, lúa Séng Cù nguyên chủng sẽ góp phần giúp nông dân Yên Bái gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập. Theo đề xuất của anh Mậu, mô hình sẽ thí điểm trên diện tích 40 ha cho 2 vụ, trong đó, vụ Đông Xuân 2022 là 25 ha và vụ Hè Thu 2022 là 15 ha. Lúa Séng Cù nguyên chủng đưa vào gieo trồng đạt chuẩn là 60 kg/ha. Tại xã Hạnh Sơn của thị xã Nghĩa Lộ, có 80 hộ tham gia mô hình này.

Theo ông Hà Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn, các hộ tham gia được cán bộ khuyến nông tập huấn không chỉ kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc ruộng, cách lấy nước và sử dụng phân bón hợp lý để đảm bảo lúa phát triển tốt mà còn tập huấn cả cách thức thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm sao cho phù hợp.

Hội tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân tham gia dự án.

Cùng với việc thí điểm phục tráng giống lúa Séng Cù nguyên chủng, chính quyền Yên Bái cũng xúc tiến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho “Gạo Mường Lò” và bước đầu, các sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý có chất lượng cao tại đây đã bán được với giá 29.000 đồng/kg, tăng 20% (khoảng 6.000 đồng/kg) so với gạo không có chỉ dẫn. Đây chính là tiền đề quan trọng để lúa Séng Cù - một trong những giống lúa ngon đang bị mai một ở Mường Lò - có thể được đảm bảo uy tín và nhanh chóng tham gia thị trường với tư cách là gạo đặc sản nổi tiếng của Yên Bái khi mô hình sản xuất thí điểm lúa Séng Cù nguyên chủng của anh Mậu thành công và nhân rộng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất