, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 08/09/2020, 10:10

Người đi tìm "những mảnh ghép Việt Nam"

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Mới sống ở Việt Nam gần 10 năm nay nhưng Réhahn, người Pháp, đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh với những tác phẩm về đất nước con người Việt Nam. Trang web rehahnphotographer.com của anh là một bức khảm văn hóa đặc sắc về Việt Nam, những phòng triển lãm ảnh, bảo tàng, các cuốn sách... của anh luôn hút hồn người xem.

 

Bức "Hidden Smile"

Những bức ảnh đắt giá

Đầu năm 2018, Réhahn hân hoan công bố bức ảnh nổi tiếng của mình mang tên Hidden Smile (Nụ cười ẩn giấu), khổ 1m x 1,5m đã được một người Việt sống ở Melbourne, Australia mua với giá 30.000 USD, mức kỷ lục tại Việt Nam cho các giao dịch về nhiếp ảnh. Trước đó, năm 2014, bức ảnh đã được Réhahn giới thiệu đến công chúng, ngay lập tức gây ấn tượng bởi nụ cười móm mém, ánh lên niềm lạc quan và hạnh phúc trên gương mặt đen đúa đầy nếp nhăn của bà cụ Bùi Thị Xong - người chèo đò chở du khách trên sông Hoài ở Hội An. Qua nhiều triển lãm quốc tế, bức ảnh được báo chí Mỹ đánh giá là “Cụ bà Việt Nam đẹp nhất thế giới.” Réhahn nhớ lại: Đó là một chiều mùa hè năm 2011, Réhahn vô tình bước xuống chiếc thuyền gỗ nhỏ nhắn đậu ở mép nước nơi góc đường Bạch Đằng, Hội An. Sau một hồi quan sát, trò chuyện, anh nhận thấy bà lão 73 tuổi này là một hình mẫu rất tiêu biểu cho lớp người cao tuổi tại Việt Nam. Dù đã già yếu, họ vẫn rất yêu lao động, tự tin và yêu đời.

Ngại ngùng vì “già rồi xấu lắm” nên khi Réhahn giương máy ảnh chụp, theo phản xạ, bà Xong đưa hai tay lên che cái miệng móm mém đang cười và cái trán nhăn nheo. Anh chia sẻ: “Đó là bức ảnh mà tôi thích nhất trong hơn 50.000 bức ảnh mà tôi đã chụp từ khi đặt chân đến mảnh đất Việt Nam duyên dáng đầy sức sống.” Bức ảnh được anh sử dụng làm ảnh bìa cho cuốn sách ảnh Vietnam, Mosaic of Contrasts (Việt Nam, những mảnh ghép của sự tương phản), được phổ biến rộng rãi tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế là một cụ bà chèo đò du lịch trên sông Hoài trở nên nổi tiếng, ảnh chân dung bà được người ta tới tấp mua. Bà trở thành một trong những biểu tượng cho sức sống của phố cổ Hội An.

Tháng 10/2015, bức Best Friends (Những người bạn tốt), khổ 1m x 1,5m được bán với giá 17.000USD cho một nhà sưu tầm người Amsterdam, Hà Lan. Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc cô bé H’Cuc Teh, sáu tuổi, người M’nong, làm bạn với con voi già ở huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk.

150 bức ảnh trong “kho” hơn 50.000 bức ảnh chụp ở Việt Nam đã được Réhahn đưa vào cuốn sách ảnh đầu tiên của anh: Vietnam, Mosaic of Contrasts (Việt Nam, những mảnh ghép tương phản). Nó mô tả các khía cạnh khác nhau của Việt Nam theo cách rất riêng của anh. Mỗi bức là một câu chuyện đời thú vị. Rất nhiều độc giả từ Brazil, Mexico, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản... ngay khi đọc xong cuốn sách đã reo lên: “Tôi muốn đến Việt Nam ngay lập tức!”, “Vô cùng thú vị!”, “Quá tuyệt vời!”…

Tháng 11/2015, cuốn sách ảnh thứ hai mang tên Vietnam, Mosaic of Contrasts, Volume II của Réhahn cũng đã gặt hái thành công rực rỡ với hơn 500 bản được bán ra ngay vào tháng đầu tiên. Tháng 2/2020, Réhahn đã xuất bản cuốn Vietnam, Mosaic of Contrasts, Volume III.

Di sản vô giá

Ngày 01/01/2017, Réhahn chính thức khai trương Bảo tàng Di sản vô giá tại số 26, đường Phan Bội Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong một ngôi nhà xây theo kiến trúc Pháp thế kỷ 19 rộng trên 500m2. Đó là kết quả của hành trình tám năm rong ruổi khắp đất nước Việt Nam của Réhahn. Nơi đây trưng bày hơn 200 bức ảnh chân dung nghệ thuật khổ lớn về các dân tộc hiếm khi được nhìn thấy, băng video ghi âm, ghi hình bài hát, điệu múa cùng hơn 60 bộ trang phục truyền thống nguyên bản được người dân trao tặng, trong đó một số là bộ cuối cùng của dân tộc họ.

Nói về dự án này, Réhahn cho biết: “Sau chuyến đi đầu tiên đến miền núi phía Bắc Việt Nam năm 2011, tôi không thể tưởng tượng rằng sẽ thấy được nhiều người mặc trang phục truyền thống, sống trong những ngôi làng có kiến trúc cổ kính, và thực hành những phong tục cổ xưa. Trong hành trình thứ hai một năm sau đó, tôi nhận ra rằng rất nhiều nét văn hóa độc đáo đang bị mai một. Một số nhóm dân tộc chỉ còn vài trăm người, vài nghìn người, khi những người trẻ rời làng lên sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn. Điều này làm gián đoạn việc trao truyền những tri thức bản địa, văn hóa cổ truyền. Lúc ấy, ý nghĩ về công việc giới thiệu và bảo tồn sự đa dạng văn hóa với tư cách một nhiếp ảnh gia trong tôi ngày càng rõ rệt.”

Ngày 01/08/2017, triển lãm ảnh “Di sản vô giá” của Réhahn được khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã gây nhiều tiếng vang cho công chúng. Thông qua 35 bức ảnh được lựa chọn trưng bày, anh muốn đưa người xem đến những vùng đất hẻo lánh nằm rải rác khắp nơi trên đất nước Việt Nam, cùng nhau khám phá sự đa dạng của các nhóm dân tộc tại đó. Để mang về những bức ảnh thú vị ấy, Réhahn đã đến rất nhiều vùng đất xa xôi. Ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, anh phải mất tới ba năm mới tiếp cận người Rơ Măm. Khó khăn là trang phục truyền thống đã hầu như vắng bóng ở rất nhiều dân tộc. Để chụp được một bức ảnh người Cor mặc thổ cẩm nguyên bản, anh phải lang thang qua 20 ngôi làng. Và chính triết lý làm việc cũng như sở thích không giống như nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng khiến Réhahn gặp khó. “Cách làm việc của tôi là tạo mối quan hệ trước, chứ không bao giờ đến và xin chụp ảnh ngay. Không uống được rượu nhưng tôi vẫn thường ngồi với họ dưới sàn nhà rất lâu để trò chuyện, ăn cơm với họ, hoặc hút thuốc bằng tẩu với người Cơ Tu, khiến họ cảm thấy thân thiện và vui vẻ. Đến lúc thích hợp mới xin phép được chụp ảnh,” anh chia sẻ.

Đi nhiều và gặp gỡ nhiều người dân tộc, anh nhận ra một điều là mình cần làm gì đó để chính cộng đồng có động lực bảo tồn văn hóa của riêng mình. Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Khi Réhahn thực hiện dự án ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nhiều người Cơ Tu rất ủng hộ và truyền tay nhau tư liệu quý giá về dân tộc mình. Dân tộc Cơ Tu hiện có đến 8 vạn người, nhưng văn hóa đã mai một và chính từ những bức ảnh của Réhahn, chúng tôi xác định lại điều cần phục hồi và phát triển của dân tộc mình; đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển du lịch thông qua văn hóa.”

Đối với anh, cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa của các dân tộc là cho họ thấy được sự trân trọng từ bên ngoài cộng đồng. Anh tin rằng khi chúng ta cùng nói về vấn đề này thì sẽ càng có nhiều người, cả người Việt Nam và du khách nước ngoài, nhận thức được nó và càng có nhiều dân tộc cảm thấy tự hào, đồng thời nhận ra tầm quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống. Đó là vòng tròn mang tính nhân văn mà anh muốn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Dấn thân

Réhahn rất ham đi và thích rong ruổi bằng xe máy, bởi anh có thể dừng lại bất cứ nơi đâu bên đường để trò chuyện, chụp ảnh những người dân địa phương. Nụ cười tươi tắn, đôi mắt hút hồn, lối trò chuyện cởi mở, dí dỏm, trang phục ưa thích là quần jeans, áo phông và áo khoác ngoài, Réhahn mang đến cho người đối diện ấn tượng về sự bình dị, thân thiện và tinh tế đúng chất Pháp. “Khi gặp một mẫu tốt, tôi dành khoảng hai giờ để làm việc. Dĩ nhiên, tôi thấy mình như một người Việt Nam, tôi nói một chút tiếng Việt (thỉnh thoảng anh còn pha vài tiếng Quảng như “Quảng Nôm (Quảng Nam), “xe độp” (xe đạp)… khiến người xung quanh phải bật cười - Đ.Q.T.H.), tôi ngủ ở nhà nghỉ bình dân, nhà dân và ăn uống ở những quán ăn địa phương,” anh cho biết.

Nhiếp ảnh gia Réhahn.
Nhiếp ảnh gia Réhahn.

Miền núi, vùng sâu vùng xa có sức mê hoặc kỳ lạ đối với Réhahn. Với anh, con người ở nơi đây đẹp và hạnh phúc hơn ở bất cứ đâu trên thế giới mà anh đã gặp, dù gương mặt họ lem luốc, in hằn sự lam lũ của cuộc mưu sinh. Chuyến đi thành công nhất vào tháng 09/2013, từ Hà Nội, anh lên Bắc Sơn (Lạng Sơn), Ba Bể (Bắc Kạn), Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai) và Mù Cang Chải (Yên Bái). Trong 15 ngày, anh đã thăm hơn 40 bản làng người dân tộc thiểu số và đi qua 2.190km. Anh liên tục chụp ảnh từ sáng sớm tới tối mịt. Anh chia sẻ: “Tôi thích dành thời gian ở từng khu vực để khai thác tất cả những gì có thể, bởi tôi thấy Việt Nam có thiên nhiên rất ngoạn mục, văn hóa rất đa dạng.” Kết thúc chuyến đi, Réhahn trở về nhà với hơn 5.600 bức ảnh.

Dấu chân của anh đã để lại trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam. Miền núi cao vùng Tây Bắc và miền Trung là những nơi anh trở đi trở lại nhiều lần. Điều thu hút Réhahn về con người Việt Nam là sự thân thiện, khiếu hài hước. Vì thế những bức chân dung về họ trở nên chân thực và tự nhiên. Theo anh Trần Văn Thưởng, người từng làm việc rất nhiều với Réhahn trong quá trình anh cộng tác với tạp chí Travellive, thì “Réhahn không chỉ là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, hơn thế, anh còn là một cây bút tài hoa”. Khác với nhiều nhiếp ảnh gia khác, Réhahn chưa bao giờ giấu giếm bí quyết nghề nghiệp, vì anh cho rằng một bức chân dung đẹp không nằm ở kỹ thuật mà ở trái tim người chụp.

Được giới truyền thông miêu tả như một người “lưu giữ linh hồn nhân vật” (tạp chí du lịch Wanderlust, 2018), Réhahn không chỉ đơn giản là một người cầm máy. Sự kết hợp độc đáo giữa phong cách ảnh nghệ thuật và ảnh tài liệu của Réhahn đem đến những bức ảnh vừa chứa đựng nội dung mà vẫn vô cùng mê hoặc. Réhahn luôn dành thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết cùng các địa phương và những tổ chức có chung ước muốn bảo vệ văn hóa. “Đêm văn hóa Cơ Tu” xuất phát từ ý tưởng của anh với mong muốn giúp đỡ đồng bào Cơ Tu bảo vệ bản sắc văn hóa, giới thiệu và quảng bá những tiềm năng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế tại các huyện miền núi. Ý tưởng nhận được sự ủng hộ của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, Tổ chức Cứu trợ - phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản… vậy là từ tháng 07/2017, các nghệ nhân, nghệ sĩ Cơ Tu đưa văn hóa truyền thống của đồng bào mình giới thiệu đến công chúng tại Hội An vào tối ngày 15 âm lịch hằng tháng tại phố cổ Hội An.

Tình yêu nhiếp ảnh, “mối tình” với Việt Nam luôn nồng cháy trong tim Réhahn. Anh lại bắt tay vào thực hiện dự án nhiếp ảnh mới mang tên Hidden Smile (Nụ cười ẩn dấu). Bởi, như anh tâm sự: “Khi tôi mới đến Việt Nam, tôi cố gắng tìm hiểu cách nghĩ của người Việt Nam. Tôi phát hiện ra rằng nụ cười rất quan trọng. Nếu bạn nở một nụ cười thì người Việt Nam sẽ dang tay đón chào bạn.”

Coi mỗi nhân vật là người thân, mỗi vùng đất mình đến đều là chốn quê nhà nên Réhahn lập dự án Giving Back (Trao tặng lại) để phát triển cộng đồng ở những nơi mình đã đi qua. Họ tặng quần áo ấm, chăn, màn giúp người dân vùng Tây Bắc chia sớt giá lạnh mùa đông. Họ tặng con bò cái cho gia đình An Phước, bé gái người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận rất nổi tiếng qua một bức ảnh chân dung mà năm 2015, Réhahn đặc tả đôi mắt màu xanh biếc rất lạ, để gia đình có phương tiện canh tác nông nghiệp. Hai em nhỏ ở Hội An mồ côi cha, được Réhahn nhận làm con nuôi, hỗ trợ tài chính thông qua Enfants du Vietnam (EDV), tổ chức phi chính phủ Pháp đã truyền cảm hứng cho anh đến thăm Việt Nam hơn một thập kỷ trước, hiện đã trưởng thành, một đã lập gia đình, một đã đi làm. Một phần lợi nhuận từ cuốn sách đầu tiên cũng được anh sử dụng vào mục đích từ thiện để giúp trẻ em nghèo tại Việt Nam như một lời tri ân… Tháng 05/2019, anh đi khánh thành một trường nội trú cho trẻ em dân tộc Hmông ở huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Các học sinh cấp hai nói rằng trước đây phải đi bộ 5km - 15km để đến trường mỗi ngày. Tháng 11/2019, anh xây dựng thêm một trường nội trú ở thôn Giang Lố, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum cho các em nhỏ người Sedang. Các trường nằm dưới sự quản lý của EDV. Mục tiêu của anh là mỗi năm tài trợ 100% cho ít nhất một dự án, tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất