, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 14/08/2020, 10:48

Người đưa nút áo Việt vào làng thời trang thế giới

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Mua chiếc áo sơ mi về, ông tháo hết hàng cúc cũ, mày mò thiết kế loại cúc mới giống với logo của hãng áo rồi tỉ mẩn ngồi đơm vào cho đồng bộ. Chuyện “rỗi hơi” ấy không chỉ thỏa mãn tính hiếu kỳ mà còn “để lúc mặc cái áo độc chiêu ấy đến thương thảo hợp tác làm ăn với nhà sản xuất thì quả là đắc nhân tâm”.

 

Khoảng 150 công nhân của Tôn Văn mỗi tháng sản xuất sáu triệu sản phẩm từ vỏ ốc, sò trai như nút áo, thìa ăn trứng cá muối, dao ăn bánh, kem, trái cây, dĩa…
Khoảng 150 công nhân của Tôn Văn mỗi tháng sản xuất sáu triệu sản phẩm từ vỏ ốc, sò trai như nút áo, thìa ăn trứng cá muối, dao ăn bánh, kem, trái cây, dĩa…

Ông Tôn Thạnh Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nút áo Tôn Văn, là vậy, chưa bao giờ thôi nghịch ngợm, liều lĩnh.

Vào đời bằng khe cửa hẹp

Mê kỹ thuật, cầm tấm bằng kỹ sư thủy lợi của Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đi tìm không ra việc thích hợp nên Nghĩa học tiếng Nhật một năm rồi đi làm cho một nhà máy sản xuất nút áo bằng vỏ ốc của Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tiên làm phiên dịch, nhưng rồi với tính thấy việc là làm nên dần dà Nghĩa kiêm cả làm thủ tục nhập máy móc, chạy công văn giấy tờ, xin giấy phép… rồi lên làm phó giám đốc. Lên làm lãnh đạo, ngồi bàn giấy… mãi hóa chán nên Nghĩa rút lui đi làm việc khác. Được chừng hai năm, nhớ nghề, Nghĩa lại quyết định đi làm nút áo.

Ngày còn làm ở công ty của Nhật Bản, ông Nghĩa có đưa người em ruột là Tôn Thạnh Hoài vào làm, nay khởi nghiệp, ông kéo em về cùng chung lưng đấu cật. Khi đặt tên thương hiệu, ông Nghĩa lấy luôn từ Văn trong tên con trai (Tôn Thế Văn) để gắn với họ làm thương hiệu cho dễ nhớ, dễ đọc, nhất là với người nước ngoài. Thích làm cái gì lạ, không đụng hàng nhưng vốn liếng không có, ông Nghĩa mày mò tự chế tạo máy móc mất một năm, năm 1996 thì bắt đầu đóng cầu dao cho máy chạy thử. Lại chỉnh sửa, đến năm 1997 thì những chiếc nút áo thành phẩm đầu tiên ra đời từ căn gác xép chật chội, ẩn mình trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Mua vỏ trai, ốc từ thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội về, tuyển sáu công nhân, ông Nghĩa vừa tự làm vừa dạy họ theo lối cầm tay chỉ việc.

Ngày xưa ông bà mình đã dùng nút áo bằng vỏ ốc, vỏ trai rồi thế mà nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất lạ lùng khi ông Nghĩa đến. Không bán được cái nào ở thị trường trong nước, ông chào hàng với các đối tác nước ngoài. Liên lạc với một người quen cũ là ông Ohno Kazuo, doanh nhân Nhật có cửa hiệu buôn bán ở Hong Kong, để chào hàng, ông Nghĩa được khuyến khích gửi hàng sang. “Ông ấy xem hàng rồi điện thoại chỉ vẽ thêm cho tôi rất nhiều. Tôi tồn tại được là nhờ ông ấy. Bây giờ ông ấy vẫn là khách hàng chính của tôi”, ông Nghĩa nhớ lại.

Làm cả tuần mới được một thùng từ 20kg đến 30kg, ông Nghĩa mang ra sân bay gửi đi. Nhưng máy móc kém, kỹ thuật chưa tốt, chất lượng sản phẩm không cao, mãi đến năm 1998 - 1999, nhờ mua được một dàn máy cũ của Hàn Quốc thì sự phập phù về chất lượng, mối rủi ro tai nạn lao động mới chấm dứt. “Máy hiện đại làm sướng lắm, chất lượng tốt hơn hẳn. Làm trong vòng hai ngày là được số sản phẩm ngày xưa làm cả tuần”, ông Nghĩa cho biết.

Có sản phẩm tốt, ông Nghĩa lại gửi cho ông Ohno Kazuo. Để tạ ơn, ông mặc tình cho ông ấy định giá, miễn sao đừng lỗ là nhận làm. Đơn hàng đầu tiên suôn sẻ, ông Ohno Kazuo yêu cầu được độc quyền phân phối. Nhưng ông Nghĩa suy nghĩ mình có sản phẩm thì nên bán cho nhiều khách hàng để mỗi người ra mấy yêu cầu, góp một vài ý thì tay nghề mới lên được. Hơn nữa, mỗi khách hàng có một đòi hỏi, mình sẽ đỡ bị động. Thế là ông từ chối. Ông Ohno Kazuo không những không giận mà còn giới thiệu cho ông nhiều bạn hàng khác. Thế là ông quyết định nhập ba máy khắc chữ laser từ Ý, mỗi chiếc giá còn cao hơn giá một xe hơi sang trọng, để nâng chất lượng sản phẩm. Công nghệ tốt, kỹ thuật vững, ông Nghĩa cứ làm, khách hàng tự tìm đến. Họ hỏi giá người trước đặt bao nhiêu rồi trả giá cao hơn, ông Nghĩa cũng mày mò đi tham khảo các nơi rồi định giá thành sản phẩm.

Mỗi chiếc nút là một tác phẩm nghệ thuật

Tôi đến khu nhà xưởng của Tôn Văn, tọa lạc trên khu đất rộng 10.000 mét vuông ở khu phố Hòa Lân II, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cả trăm công nhân đang người nào việc nấy hoặc cần cù mài phôi, khoan lỗ, người điều khiển máy khắc chữ bằng tia laser, hoặc thoăn thoắt đánh bóng, phân loại, đóng gói. Đủ các loại nút từ các vỏ ốc nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Nhật, Tahiti, Indonesia... Vỏ ốc biển như MOP (Mother of Pearl), Trocas, Tamagai... đủ các màu và từ vỏ ốc sông như Rivershell, Agoya… Mỗi con ốc qua 20 công đoạn sơ chế, cắt định hình, khoan lỗ, khắc hoa văn, nhuộm (nếu có), đánh bóng, sàng lọc... mới ra được những hạt nút tỉ mỉ đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật…

Ông Nghĩa hể hả: “Hiện ở Việt Nam chỉ có Tôn Văn khoan được đủ hình dạng lỗ. Mặt ngoài nút áo được dập hơn mười hoa văn. Chúng tôi bắn laser vẽ hoa, chi tiết. Mẫu mã luôn luôn phải đổi mới vì cứ vài ba tháng là lỗi mốt, có người bắt chước. Đổi mẫu cũng làm tăng thích thú cho khách hàng. Trình độ kỹ thuật, mỹ thuật của Tôn Văn so với các nước tiên tiến như Ý, Nhật Bản là như nhau, mình hơn họ ở chỗ khéo tay hơn, thế nên có gì khó họ gửi sang cho mình làm hết.”

Ngay dưới câu danh ngôn viết trên bức tường: “Làm việc tránh cho ta ba mối hại lớn: buồn nản, cùng túng và tật xấu”, một cô gái vừa khéo léo đưa từng mảnh vỏ ốc, sò, trai múa trước bánh răng máy mài vừa cười tươi chào tôi. Cô là Huỳnh Thị Thúy Kiều, vào làm từ ba năm nay. Đi làm đã nhiều nơi nhưng Kiều bảo thích nhất không khí làm việc ở đây, mọi người vui vẻ và thân thiết như một gia đình. Trong phòng đóng gói sản phẩm, mấy công nhân nữ đang kiểm định cho khớp các thông số kỹ thuật: lỗ khoan dày 1,5mm, kim 1,3mm, kích thước 13 li, đường kính nút 8,25 mm, trọng lượng hạt tiêu chuẩn: 14 li, tương đương 3.500 hạt/kg, độ dày 1,8mm, 48 li: 100 hạt/kg, dày 3,2mm… Không chỉ răm rắp đối chiếu kỹ thuật, họ còn có con mắt tinh tường để tuyển chọn mỗi chiếc nút là một tác phẩm nghệ thuật rồi nhanh tay vào bao bì để kịp chuyển tới khách hàng Cá mập II và Ohmo. Mỗi tháng Tôn Văn xuất xưởng từ ba đến sáu triệu hạt nút áo đi sáu, bảy nước, toàn những thị trường khó tính như Nhật Bản, Ý, Đức… Nút áo bằng ốc xà cừ là đắt nhất. Bên cạnh vỏ ốc, sò mua từ thị trường trong nước, Tôn Văn cũng phải nhập vỏ trai từ Trung Quốc, Indonesia, Úc… những nơi phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc.

Ngoài nút áo, Tôn Văn còn sản xuất cả ngàn loại sản phẩm như: thìa ăn trứng cá muối, dao ăn bánh, kem, trái cây, dĩa… “Khách hàng tìm đến đưa mẫu yêu cầu mình làm. Khách hàng của tôi đa số đã làm ăn với nhau cả chục năm nay rồi, khách hàng mới điện thoại đến đặt hàng nhiều nhưng mình làm không xuể cũng phải từ chối bớt. Mấy năm gần đây khách hàng nội địa mới có, là các công ty may xuất khẩu. Trước đây họ có tâm lý bụt chùa nhà không thiêng, nay đi một vòng thế giới rồi mới nhận ra nhau nên quay về đặt hàng Tôn Văn”, ông Nghĩa cho biết.

Ở Việt Nam có khoảng mười doanh nghiệp làm nghề giống Tôn Văn nhưng cũng như ông, họ xuất khẩu đến hơn 90% sản phẩm. Người Việt khi sử dụng sản phẩm của các hãng thời trang danh tiếng như Lacoste, Adidas, Hugo Boss, Dior, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren… ít ai biết rằng những chiếc nút áo, quần được làm từ vỏ ốc xà cừ do một công ty Việt Nam sản xuất là Tôn Văn. Ông thừa nhận bấy lâu nay mình đi ngược: làm ra là xuất khẩu, người ta đi từ sông ra biển, mình đi ngược lại. Gần 15 năm rồi ổn định mới nghĩ đến chuyện để người tiêu dùng trong nước làm quen với nút áo bằng ốc. Ông Nghĩa thừa nhận sở dĩ có điều ấy vì mình còn yếu khâu quảng bá. Ông quyết tâm khắc phục điều này và đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Nút xà cừ của Tôn Văn được các hãng thời trang danh tiếng như Lacoste, Adidas, Hugo Boss, Dior, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren… ưa chuộng.
Nút xà cừ của Tôn Văn được các hãng thời trang danh tiếng như Lacoste, Adidas, Hugo Boss, Dior, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren… ưa chuộng.

Nhân tố con người

Hôm tôi đến chơi nhà, thấy ông Nghĩa đang ngồi cặm cụi… khâu nút áo. Hóa ra vừa mua chiếc áo sơ mi của An Phước về, ông cắt hết khuy cũ ra, tạo một mẫu cúc mới, đục lỗ hình tam giác – chữ A – cho hợp với logo của An Phước – chữ A, rồi đơm vào cho đồng bộ. “Vừa là để thỏa thú vui, vừa là để một lúc nào đó tôi sẽ mặc chiếc áo độc đáo này đến chỗ An Phước để tiếp thị nút áo”, ông Nghĩa cười hiền phân bua. Từ những nghịch ngợm ấy mà những nút xà cừ lỗ vuông khắc chữ độc quyền của Hugo Boss, nút đục ba lỗ của Van Laack, nút khắc tên ba lần của Oui... đều được Tôn Văn sản xuất thành công.

Điều ấy thể hiện cho sở thích “làm phải vui, phải kết nối được những người cùng tâm huyết” mà ông tâm nguyện. Theo ông, làm ăn phải liều, phải mạo hiểm, rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng cao. Vấn đề là ở con người. Nhưng làm cho thỏa chí, cho tốt đã, tiền bạc sẽ tự đến. Lúc mới khởi nghiệp, ông Nghĩa mang sản phẩm đi chào hàng bị người ta chê rất nhiều. Không nản, ông hỏi cho ra họ chê cái gì rồi về sửa. Cả chục năm sau người ta mới khen, nhờ vậy nút áo xà cừ Tôn Văn đã có mặt tại hầu hết các nước và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp thời trang phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nhật, Đức, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc... Hiện nay, mỗi năm Tôn Văn đạt doanh thu hàng triệu USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 150 công nhân.

Công ty đi lên từ gia đình nên ông Nghĩa đề cao việc đào tạo tại chỗ. Đi đâu thấy cái hay ông đều quay phim, chụp ảnh rồi về chiếu, giảng cho nhân viên nghe. Hằng ngày chơi thể thao để giải trí nhưng cũng là cách dạy nhân viên, ông toàn đứng ở đội yếu hơn rồi khích lệ mọi người thấy mỗi vị trí có vai trò nhất định rồi cả đội đoàn kết, cố gắng chơi cho thắng. Từ những bài học đơn giản, thiết thực ấy, ông giúp nhân viên say mê, yêu nghề, thân thiện với nhau.

Khác biệt giữa các doanh nghiệp với nhau, theo ông Nghĩa là phải nhận ra ưu thế về tay nghề, máy móc, nguyên liệu để tiết giảm được chi phí sản xuất. Tôn Văn cũng chọn lựa phân khúc hàng cao cấp để đua tranh với hàng của Ý, Nhật Bản chứ không cạnh tranh về giá được với hàng Trung Quốc.

Năm 1997 khởi nghiệp đúng năm khủng hoảng tài chính châu Á. Vài ba năm bị chu kỳ điêu đứng, năm 2003, bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARC) bùng phát trên toàn cầu, người ta không đi du lịch, không mua sắm thời trang dẫn đến nhân công giảm, hàng hóa ngưng trệ nằm im trong xưởng. Năm 2020 lại đến đại dịch Covid-19. Nhưng ông Nghĩa vẫn lạc quan. “Khó khăn là khó khăn chung chứ không phải riêng mình. Thế thì ráng cầm cự để có chết thì cũng chết sau (cười)”, ông tếu táo. Nhờ thế Tôn Văn vững bước và trở thành một trong những nhà sản xuất nút áo bằng vỏ ốc hàng đầu thế giới.

Xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX ở Mỹ, nút áo làm từ vỏ trai, ốc, hay còn gọi là nút xà cừ mà tác giả là John Fredrick Beopple, một người gốc Đức, đã ngay lập tức trở thành biểu tượng của xu hướng thời trang danh giá đặc biệt được ưa chuộng. Thời đó, nút xà cừ thịnh hành đến mức hơn 1/3 dân cư của Muscatine, bang Iowa, Hoa Kỳ tham gia ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm đặc biệt này. Thành phố này cũng từng được ghi nhận là kinh đô nút thời trang của thế giới. Thậm chí, người ta còn lập một bảo tàng tại Iowa nhằm tôn vinh cái nôi hình thành, giá trị lịch sử cũng như hiệu quả kinh tế mà nút xà cừ đã mang lại cho thành phố. Ngày nay, nút xà cừ được định vị trong phân khúc thời trang cao cấp bởi sự thuần khiết, tính nguyên sơ, vẻ nõn nà hoàn mỹ và đượm hồn thiên nhiên.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

 

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất