_high.jpg)
Đổ xô mua than thay cho gas, khí đốt và củi
Dù biết rằng nhiên liệu này sẽ thải ra khí carbon và muội than độc hại, người dân Đức vẫn không có quá nhiều lựa chọn mà quay về với than để dự trữ sưởi ấm cho mùa đông sắp tới. Đại diện nhà cung cấp than có lịch sử hàng trăm năm ở Berlin cho hay chưa có mùa hè nào như năm nay khi ai cũng muốn mua than tích trữ.
Không chỉ riêng người dân, nhiều ngành nghề ở Đức cũng quay lại dùng than cho sản xuất, khiến giá than đội lên 30%. Tuy nhiên giá này vẫn còn rẻ hơn củi vì giá củi đã tăng hơn gấp đôi. Cầu vượt quá cung, các nhà cung cấp than cho biết đang cạn nguồn. Theo ông Frithjof Engelke, đại diện một cơ sở cung cấp than: “Các mỏ than khai thác không kịp cung cấp cho thị trường vì khách hàng mới quá nhiều. Đa phần người dân đều dùng lò sưởi gas ở nhà, nhưng họ cũng luôn có bếp dùng than trong trường hợp cần thiết. Khách của tôi đang phải đợi ít nhất hai tháng mới được giao than. Nhưng mọi thứ có thể sẽ còn tệ hơn khi trời bắt đầu lạnh”.
_high.jpg)
Trong một dự báo vào tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu than của thế giới trong năm nay sẽ tái lập kỷ lục thiết lập vào năm 2013 và trong năm tới. Fitch dự báo giá than nhiệt sẽ bình quân ở mức 320 USD/tấn trong năm nay, cao hơn 40% so với dự báo trước đó.
Trước đây chỉ có người cao tuổi mới hay mua than sử dụng vì họ sống trong những căn nhà kiến trúc cũ không qua cải tạo, nhưng năm nay khách hàng mới rất nhiều. Ông Jean Blum, một người dân Berlin cho hay: “Nhiều năm rồi tôi mới mua than trở lại. Thường tôi chỉ đun bằng gas và nấu bếp củi. Mà nay giá gas tăng quá, lượng khí đốt cũng giảm, nên phải tìm đến than thay thế thôi. Biết là nó không tốt cho sức khỏe, nhưng dù sao cũng đỡ hơn là chịu rét”.
Chính phủ Đức đã tái khởi động các nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, Berlin khẳng định vẫn duy trì cam kết loại bỏ nguồn năng lượng gây ô nhiễm này vào năm 2030.
Dự trữ khí đốt của Đức chỉ đáp ứng được khoảng 3 tháng nếu Nga cắt nguồn cung
Nga dự báo trung bình giá khí đốt xuất khẩu của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên mức 730 USD/1.000 m3 trước khi giảm dần đến cuối năm 2025 khi xuất khẩu khí đốt thông qua các đường ống dẫn giảm. Dòng khí đốt của Nga qua Nord Stream hiện chỉ đạt khoảng 20% công suất, nghĩa là nước này có thể cắt nguồn cung bất cứ lúc nào để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan tới xung đột Ukraine.
_high.jpeg)
Ông Klaus Mueller, chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan quản lý năng lượng của nước này nhận định dù Đức có nạp đầy dự trữ khí đốt ở mức 95% theo kế hoạch vào tháng 11 thì cũng chỉ đáp ứng nhu cầu sưởi ấm, công nghiệp và điện được khoảng 2,5 tháng. Đến nay kế hoạch dự trữ này đã đạt được 77% công suất. Tuy nhiên ông Mueller cũng cho rằng mục tiêu trên là không khả thi, vì các cơ sở lưu trữ khí đốt cần nhiều thời gian để bổ sung lượng dự trữ, trong khi mùa đông năm nay dự báo lạnh hơn bình thường, nguồn cung cấp thì gián đoạn.
Đức đang triển khai các động thái để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung, bao gồm một thỏa thuận được ký kết trong tuần này để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua 2 trạm mới.
Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu cũng đang xem xét ý tưởng duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân. Theo BloombergNEF, việc này có thể giảm 3% lượng sử dụng khí đốt trong năm 2023.
Cơ quan quản lý của Đức cũng đang nghiên cứu cách thức ưu tiên nguồn cung cho một số ngành công nghiệp thiết yếu với nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng không thể quá trông chờ vào trật tự quản lý ưu tiên này vì chưa biết đơn vị hay người tiêu dùng nào sẽ được ưu tiên.