, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/09/2021, 10:32

Người gắn cả cuộc đời với đàn ong

MẠNH TIẾN - KIM CHÂU
Xuất phát từ Hà Nội lúc 10 giờ tối, đến 5 giờ sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt ở thành phố Sơn La. Đường lên Tây Bắc đã không còn xa xôi như câu hát thủa nào…

Chúng tôi xuống xe ngay trước cửa hàng và cũng là nhà của ông Hồ Văn Sâm ở bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, Sơn La). Nổi tiếng trong nghề nuôi ong nên hầu hết cánh lái xe đường dài Sơn La - Hà Nội, Điện Biên - Hà Nội, đều biết nhà ông “Sâm ong” ở Mai Sơn giáp thành phố Sơn La này. 78 tuổi, ông có hơn 56 năm gắn bó với nghề nuôi ong, từng giữ cương vị Giám đốc Công ty Ong Sơn La trong 25 năm.

Ông Hồ Văn Sâm kiểm tra đàn ong của gia đình.

Nhớ lại những ngày đầu lên Sơn La công tác, ông Sâm kể: “Không chỉ xa xôi về địa lý mà vùng đất này thời ấy còn là tỉnh nghèo heo hút, không ít cán bộ miền xuôi lên đây đã không trụ nổi, bỏ về, nhưng tôi thì không thế. Năm 1965 vừa chân ướt chân ráo lên Sơn La thì hay tin mẹ mất vì bom Mỹ, tôi không về kịp. Năm 1969, bố tôi ốm mất, tôi cũng không kịp về chịu tang, phần vì chiến tranh ác liệt, phần vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn…”

Không còn bố mẹ, ông ở lại luôn trên Sơn La rồi lập gia đình với một cô gái quê Hưng Yên theo gia đình đi kinh tế mới. Bao năm trôi qua, vợ chồng ông sống với nghề nuôi ong và giờ đây, gia đình ông có cơ ngơi khá khang trang với nhà xây và vườn cây ăn trái trĩu quả. Con cháu ông tuy đã trưởng thành vẫn quây quần cạnh nhà cha mẹ, cùng nối tiếp nghề nuôi ong.

Hiện nay, mỗi năm gia đình ông nuôi từ 800 - 1.000 đàn ong, thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng, trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng. Để có được thành quả đó, ông đã phải tự học, phải tìm tòi và chịu nhiều vất vả. Nhờ tìm tòi, học hỏi mà năm 1981, biết được giống ong Ý đang được nuôi ở các tỉnh phía Nam cho năng suất rất tốt, ông đã tìm mọi cách để đưa giống ong ấy về Sơn La và gầy dựng đàn nhằm thay thế đàn ong nội cho năng suất rất thấp.

Mỗi năm gia đình ông Hồ Văn Sâm nuôi từ 800 - 1.000 đàn ong.

Việc đưa giống ong Apimesliphes gốc Ý về Sơn La và gầy đàn thành công đã giúp người nuôi ong tăng năng suất lên 45 - 50kg/đàn/năm thay cho năng suất cũ của ong nội chỉ khoảng 5 đến 7kg/đàn/năm (sản phẩm thu được từ ong ngoài mật ong còn có phấn hoa, sữa chúa, sáp ong, keo ong, nọc ong và nhộng ong). Nghề nuôi ong ở Sơn La có động lực và điều kiện phát triển mạnh từ đó.

Hiện nay, Sơn La có 3 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã với 533 chi hội nuôi ong và trên 15.853 hội viên, hơn 1.000 hộ nuôi trên 65.000 đàn ong mật, chủ yếu là giống ong ngoại gốc Ý. Sản lượng hàng năm đạt trên 2.500 tấn mật ong, 700 tấn phấn hoa, 40 tấn sáp ong. Nghề nuôi ong đang từng bước chuyển từ hình thức nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, với số lượng lớn, bình quân từ 50 - 100 đàn/hộ, đặc biệt có hộ nuôi 500 - 600 đàn/năm.

Để nâng cao chất lượng cho mật ong và phát triển thương hiệu mật ong Sơn La, ông Sâm cùng với các hội viên hội nuôi ong có kinh nghiệm đã hướng dẫn bà con áp dụng quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt, ông Sâm còn nghiên cứu phương pháp “Hạ thủy phần”, ứng dụng công nghệ lắng, lọc để làm giảm tỉ lệ nước trong mật, đảm bảo mật ong đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi nước ngoài. Sáng kiến này của ông Sâm đã được nhân rộng trong cộng đồng những người nuôi ong trong tỉnh.

Gần 20 năm qua, từ một tỉnh miền núi nghèo, tỉnh Sơn La ngày nay có hơn 78.800ha cây ăn quả các loại, trở thành địa phương có vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Trong sự phát triển vượt bậc đó, không thể không nhắc đến những đóng góp của người nuôi ong khi nhờ những đàn ong thụ phấn tự nhiên mà sản lượng cây trái ở Sơn La đã tăng thêm 15 - 20% theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn địa phương…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất