, //, :: GTM+7

Người giữ tiếng thơm cho chôm chôm Long Khánh

Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (ấp 1, xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh) là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận trái chôm chôm đạt chuẩn VietGAP của tỉnh Đồng Nai. Đây là mô hình điểm hợp tác xã sản xuất giỏi, ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật để làm ra trái cây sạch, cung ứng cho thị trường. Nhờ đó, nhiều xã viên khá lên, thậm chí làm giàu. Người “cầm lái” của tập thể năng động này là lão nông 66 tuổi - ông Phùng Thanh Tâm.

Tuổi hưu nhưng không hưu

Năm 2012, Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc được thành lập. Lão nông Phùng Thanh Tâm được mọi người tin tưởng bầu vào vị trí chủ nhiệm dù đã bước vào tuổi 60. Ông Tâm chia sẻ: “Lúc đầu tôi chỉ tham gia hợp tác xã cho vui vì trước đó tôi là tổ trưởng tổ hợp tác cây chôm chôm sạch Bình Lộc. Chính mong muốn làm được điều gì đó cho cộng đồng đã giữ tôi gắn bó với hợp tác xã tới bây giờ. Và rõ ràng hợp tác xã mang lại lợi ích nhiều cho xã viên, như: cung ứng vật tư nông nghiệp với giá gốc, được hỗ trợ lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt, làm chứng nhận sản phẩm VietGAP... Ngoài lợi ích kinh tế, xã viên được tập huấn để nâng cao hơn hẳn về kỹ thuật sản xuất”.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc Phùng Thanh Tâm.  Ảnh: B.Nguyên
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc Phùng Thanh Tâm. Ảnh: B.Nguyên

Theo ông Tâm: “Làm kinh tế tập thể cần phải có cái tâm. Người xưa hay nói cái tâm bù cái tài nhưng theo tôi điều này chưa đúng lắm. Tâm có nhưng tài, tầm không có thì không làm được gì”. Vào hợp tác xã, lão nông này mới bắt đầu được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật sản xuất, học cách nắm bắt thông tin, kinh nghiệm tìm thị trường. Có lần, ông mất cả tuần lễ để tham dự một lớp học nghiệp vụ kế toán ở TP. Biên Hòa. “Học 10 phần tôi hiểu được 2 nhưng nhờ đó, tôi biết bản báo cáo kế toán là đúng hay sai” – ông Tâm nói.

Ông Tâm nhớ lại: “Mới đầu vận động nông dân tham gia làm VietGAP khó lắm chứ. Nhiều người nói thẳng làm sạch tốn sức mà bán ra đâu khác gì hàng thường. Tôi phải kiên trì thuyết phục dần”. Giờ xã viên đã vào nếp, dù có tái chứng nhận VietGAP hay không mọi người vẫn làm theo quy trình an toàn vì điều này bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người sản xuất. Ngoài đi tiên phong làm chôm chôm VietGAP, hợp tác xã Bình Lộc còn là đơn vị đi đầu trong lắp đặt hệ thống tưới tự động ở vùng này. Toàn bộ 15ha diện tích chôm chôm được chứng nhận VietGAP của hợp tác xã đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm vì đây là mô hình điểm để từ đó nhân rộng ra dân. Các thành viên trong hợp tác xã này còn đi tiên phong trong cải tiến ứng dụng sử dụng điện thoại để có thể mở và tắt hệ thống tưới này bằng cách tự động. Theo đó, nông dân chỉ cần gọi điện thoại để bật và tắt hệ thống tưới tự động mà không cần có mặt tại vườn. Gần đây, hợp tác xã đang tiếp tục thử nghiệm việc xịt thuốc tự động trên cây trồng.

Mong trái cây Bình Lộc vươn xa

Cả đời gắn với đất đai, lão nông này chia sẻ: “Ông bà, cha mẹ tôi đều là nông dân ở đất Bình Lộc này. Tôi là con trai độc nhất của gia đình có 8 người em gái, và là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Khi chiến tranh kết thúc, tôi về quê phụ mẹ làm rẫy nuôi đàn em nhỏ. Các em và 5 người con của tôi đều khôn lớn nhờ đất ruộng, đất vườn dù làm nông rất vất vả, lại lắm rủi ro. Nhưng nếu được làm lại, tôi vẫn chọn làm nông dân. Vào vụ thu hoạch, hái trái đầu mùa đem vào đặt lên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó, mình thưởng thức, thụ hưởng thành quả đã làm ra, thấy vui lắm!”.

Năm 2016, trái chôm chôm nhãn và chôm chôm Java Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý. Theo ông Tâm, đây là niềm vui lớn với nông dân trồng chôm chôm Long Khánh vì cả nước đâu có nhiều sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý. Long Khánh nổi tiếng với nhiều đặc sản trái cây ngon, như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt..Trong đó, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất này. Ông Tâm dẫn chứng: “Trái chôm chôm Java cũng từng xuất khẩu đi Pháp sau khi được kiểm tra chặt chẽ từ mẫu đất, nước, hàm lượng dinh dưỡng...đều đạt. Họ cũng đặt bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp với sản lượng lớn. Vài năm trở lại đây, chúng tôi còn cung cấp chôm chôm sạch vào kênh siêu thị ở Hà Nội. Nông dân chúng tôi luôn mong được góp một phần để những đặc sản trái cây địa phương thoát khỏi lũy tre làng”.

Gian hàng quảng bá sản phẩm khi chôm chôm Long Khánh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: B.Nguyên
Gian hàng quảng bá sản phẩm khi chôm chôm Long Khánh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: B.Nguyên

Nhưng hợp tác xã không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm Java. Rồi vùng đặc sản chôm chôm bản địa ngày càng giảm diện tích vì lợi nhuận không bằng các loại trái cây đặc sản khác. Ông Tâm lo lắng: “Không khéo sau này chỉ dẫn địa lý có mà sản phẩm không còn. Từ năm 1980 trở đi, cây chôm chôm mới bắt đầu phát triển mạnh ở vùng đất này. Riêng xã Bình Lộc có trên 1.000ha chôm chôm, chủ yếu là giống Java và chôm chôm nhãn. Nhưng giờ, hơn 50% diện tích chôm chôm giống địa phương đã đổi thành giống chôm chôm Thái”.

Theo ông Tâm, diện tích chôm chôm Java ngày càng giảm vì nông dân mới nhìn được cái lợi trước mắt khi chuyển đổi cây trồng chứ chưa nhìn xa đến cán cân cung – cầu. Chôm chôm Thái chủ yếu chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong khi đầu ra của chôm chôm Java rất lớn vì được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và có thể đưa vào chế biến. Ông Tâm cho biết: “Thực tế đến nay, nhiều nông dân vẫn không biết trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý và ý nghĩa của điều này nên vẫn sản xuất theo kiểu tự phát. Nhà nước cũng cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân biết về tiềm năng cũng như giá trị của loại đặc sản địa phương này”.

Hiện Hợp tác xã Bình Lộc đang triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây chôm chôm với hơn 100ha chôm chôm đăng ký tham gia với mục tiêu xây dựng thương hiệu và đưa tiếng thơm của trái chôm chôm Long Khánh lan xa.

Bình Nguyên

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất