, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 11/02/2022, 16:21

Người "hóa kiếp" cho cỏ bàng

BẢO HÒA
(nongnghiep.vn)
Những cây cỏ bàng được 'hóa kiếp' thành một vòng đời trẻ trung khác bằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quen thuộc của làng nghề đệm bàng Phò Trạch trên 500 năm tuổi.

Chị Hồ Sương Lan, người đã hiện thực hóa được ý tưởng “hóa kiếp”, đổi phận cho các sản phẩm thủ công từ cây cỏ bàng xứ Huế. Sương Lan biến cỏ trở thành những tác phẩm nghệ thuật như nón, mũ, túi xách... mới lạ tiền triệu, tạo nên thương hiệu Marie’s Cỏ bàng xứ Huế (đường Chu Văn An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến nhiều người phải ngạc nhiên trầm trồ.

“Xoay nghề, gác kiếm” với nghề du lịch vì dịch Covid-19

Đến thăm không gian của Marie’s tại phố đi bộ đường Chu Văn An (TP Huế) vào một ngày đông. Nơi đây, những người hoạt động trong nghề du lịch đang tất bật với việc “lên đời” cho cỏ bàng (hay còn gọi là cói bàng). Người vẽ, người may, người luôn tay đóng gói gửi hàng cho khách.

Trên những kệ hàng, nổi bật trong tủ kính là ví, túi, mũ cỏ bàng, nón cỏ bàng, nón từ xương lá bàng trở nên sang trọng khác lạ nhờ việc điểm tô những họa tiết hoa, lá được may, vẽ phối để hợp xu hướng thời trang.

Chị Hồ Sương Lan (bên trái) đã cải tiến các sản phẩm từ cây cỏ bàng xứ Huế thành mặt hàng cao cấp. Ảnh: NVCC.
Chị Hồ Sương Lan (bên trái) đã cải tiến các sản phẩm từ cây cỏ bàng xứ Huế thành mặt hàng cao cấp. Ảnh: NVCC.

Mùi cỏ bàng thoang thoảng dịu dàng như đang ngồi giữa cánh đồng. Chúng tôi gặp được chủ nhân không gian này là chị Hồ Sương Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phong Lan Việt chuyên về du lịch. Chị niềm nở, câu chuyện bắt đầu với những ngày đầu tiên của Marie’’s: “Trả tour, tiễn đoàn khách cuối rời Việt Nam và ngừng nhiều hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 vào tháng 3/2020. Tôi lo lắng nếu đóng cửa công ty sau 10 năm gầy dựng, nhân viên thất nghiệp sống thế nào”, chị Lan kể việc tìm hướng đi mới khi nhìn xa được dịch bệnh sẽ kéo dài.

Vốn năng động trong công việc, dịch bệnh ngồi yên nhưng suy nghĩ của chị lại không yên, hàng ngày chị đều tìm tòi chính bản thân mình đang muốn làm gì và có thể làm gì để thay đổi được những khó khăn do đại dịch Covid-19.

Những sàn phẩm rất đặc sắc từ cây cỏ bàng qua bàn tay của nghệ nhân xuất phát từ ý tưởng 'thổi hồn' cho sản phẩm của chị Hồ Sương Lan. Ảnh: Bảo Hòa.
Những sàn phẩm rất đặc sắc từ cây cỏ bàng qua bàn tay của nghệ nhân xuất phát từ ý tưởng "thổi hồn" cho sản phẩm của chị Hồ Sương Lan. Ảnh: Bảo Hòa.

“Cái khó ló cái khôn”, chị Sương Lan nhớ lại trong một lần đi Indonesia, chị đã rất tự hào trước sự xuýt xoa khen ngợi của du khách khi đội chiếc nón lá sen của nghệ nhân Huế. Chị thầm nghĩ: “Sao còn quá ít sản phẩm đặc trưng của Huế, thân thiện môi trường mà người khác rất thích dùng cũng không biết mua ở đâu, bán ở đâu?”.

Ôm mộng có sản phẩm của riêng mình, Sương Lan một mình bước đi khắp nơi để học hỏi kiến thức về cỏ. Chị bắt đầu bằng chuyến về làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) thăm ngôi làng mang hồn của cỏ bàng hàng trăm năm tuổi. Chị Lan dừng trước cánh đồng cỏ bàng thơm xanh ngút tầm mắt, gặp được những nghệ nhân gia đình còn lại của làng lấy nhà làm xưởng…, ngậm ngùi thấy làng nghề cần mình khám phá vì còn thô sơ, thiếu khác biệt, chưa đáp ứng được thị hiếu mà giá bán lại còn bình dân.

Chiếc nón Huế từ cỏ bàng kết hợp với hoa văn của hội họa, tạo thành một nét rất duyên cho sản phẩm. Ảnh: Bảo Hòa.
Chiếc nón Huế từ cỏ bàng kết hợp với hoa văn của hội họa, tạo thành một nét rất duyên cho sản phẩm. Ảnh: Bảo Hòa.

Rồi chị Lan lặn lội ra tỉnh Ninh Bình xem những làng nghề làm cói, vào Đồng bằng sông Cửa Long để phân biệt cỏ bàng giữa các nơi khác cũng như xem xét khả năng cạnh tranh. Chị vui sướng khi thấy cỏ bàng xứ Huế là món quà khác biệt của tạo hóa. Cỏ bàng Huế rỗng ruột, không xốp bên trong, kích thước nhỏ nên bền, ít hút ẩm, thanh mảnh hơn. Càng hiểu cỏ bàng Huế, chị càng ngậm ngùi vì cuộc sống của nghệ nhân còn bấp bênh, người trẻ ít theo nghề.

Những ngọn cỏ đáng tiền

Quyết mang đến một “cuộc đời” mới cho cỏ bàng, từ suy nghĩ phải cải tiến sản phẩm thủ công, chị Lan từng bước hành động để có sản phẩm cao cấp hơn. Vóc dáng người phụ nữ Huế mảnh mai ấy lặn lội giữa các vùng nguyên liệu. Chị nhập hàng thô từ làng Phò Trạch, đưa tranh màu acrylic vào để tạo ra sự "đáng tiền" cho cỏ bàng và hướng tới phân khúc khách hàng phụ nữ có nhu cầu làm đẹp lẫn điều kiện kinh tế.

Giang trưng bày các sản phẩm từ cỏ bàng tại không Marie’s ở phố đi bộ đường Chu Văn An (TP Huế). Ảnh: Bảo Hòa.
Giang trưng bày các sản phẩm từ cỏ bàng tại không Marie’s ở phố đi bộ đường Chu Văn An (TP Huế). Ảnh: Bảo Hòa.

Chị Lan đã tìm những họa sỹ, thợ may nổi tiếng để chuyện trò về ý tưởng và nhận được nhiều cái lắc đầu. Họ đều nói “chất liệu gì mà kỳ kỳ, vẽ rất khó”. Nhiều thợ may bỏ việc khi may vẽ cỏ bàng đòi hỏi tay nghề và sự tỉ mỉ cao. Để thêm phần hoàn thiện, chị cũng sử dụng chất liệu vải linen, cotton... để thay thế mây, tre, gỗ thông thường để làm quai túi thêm độc đáo.

Khi ưng ý, chị giới thiệu mẫu túi cải tiến đầu tiên lên facebook khiến nhiều người thích thú hỏi mua: “Cỏ bàng sao lạ vậy?, hay “Như một bức tranh có thể mang theo đến khắp nơi mình đi đến”... Từ đây, chị liên tục cải tiến cho ra sản phẩm mới. Trong đó, dòng sản phẩm nón cỏ bàng được ưa chuộng nhất được xếp vào dòng nón cao cấp của Huế. Đặc biệt gây tiếng vang khi trên nón cỏ bàng vẽ chân dung, logo, đình, chùa, hoa, bản đồ thế giới… với dấu ấn cá nhân, mới lạ. Nhiều người đã thấy đẹp nên nâng niu để decor nhà, quán cà phê...

Khởi nghiệp ở U40 trong lĩnh vực mới học, Sương Lan không chỉ giữ chân 10 nhân sự du lịch ban đầu trong đại dịch Covid-19 mà còn phát triển thêm đến 20 nhân sự nữ. Thu nhập trung bình cho nhân viên từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Các nghệ nhân vẽ, may, đan thu nhập trung bình từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.

Nhiều người làm nghề thủ công từ cỏ bàng ở làng Phò Trạch (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã quay lại với truyền thống, thu nhập khá. Ảnh: Bảo Hòa.
Nhiều người làm nghề thủ công từ cỏ bàng ở làng Phò Trạch (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã quay lại với truyền thống, thu nhập khá. Ảnh: Bảo Hòa.

Trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm từ cỏ bàng, Sương Lan đã gặp những khách hàng khó tính. Mặc dù vậy, nhờ họ góp ý, chị đã không ngừng nâng cấp sản phẩm càng lúc càng đẹp, độc, lạ hơn.

Sau hơn một năm, Marie’s đã nhận nhiều đơn hàng sỉ lẻ trên 30 tỉnh thành tại Việt Nam và ngoài nước, tạo việc làm cho nhiều người thợ may thất nghiệp, giúp nhiều người trở lại với nghề truyền thống và nâng cao thu nhập.

Vui với những ngọn cỏ bàng Phò Trạch giao hòa được với nhịp sống hiện đại, chị hồ hởi khoe: “Hiện chúng tôi đã bán trực tiếp và qua mạng xã hội khoảng 10.000 sản phẩm ra thị trường với 1.000 họa tiết khác nhau”.

Cây cỏ bàng xứ Huế giờ đây đã 'đổi phận' qua những sản phẩm thủ công giàu tính nghệ thuật. Ảnh: Bảo Hòa.
Cây cỏ bàng xứ Huế giờ đây đã "đổi phận" qua những sản phẩm thủ công giàu tính nghệ thuật. Ảnh: Bảo Hòa.

Sản phẩm của Sương Lan có giá dao động 30 mẫu mã sản phẩm từ 400.000 – 1.200.000 đ/túi; ví từ 200.000 - 400.000 đ, mũ nón từ 250.000 - 800.000 đ… Marie’s kích thích đối tượng khách hàng mới, hướng đến khuyến khích người Việt và người nước ngoài dùng hàng Việt Nam.

Sắp tới, chị Lan dự định sẽ mở đại lý tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP. HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ. Khoắc khoải về việc xuất khẩu, chị nói: “Giờ tôi đang cố gắng tiếp cận với chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo truyền nghề. Sắp tới tôi sẽ phát triển vùng nguyên liệu để trữ nguyên liệu của công ty tại làng, đảm bảo việc xuất khẩu”.

Những họa tiết độc đáo trên một chiếc túi làm từ cỏ bàng. Ảnh: Bảo Hòa.
Những họa tiết độc đáo trên một chiếc túi làm từ cỏ bàng. Ảnh: Bảo Hòa.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Liên là người chính hợp tác với chị Lan phấn khởi: "Từ khi làm việc với Lan, bà con có thu nhập ổn định hơn vì đơn hàng đều, làm mẫu mã nâng cấp tinh xảo, đẹp hơn. "Tôi quản lý vùng nguyên liệu và đã cải thiện đời sống cho 15 nghệ nhân trong làng”. Tóc đã pha màu muối tiêu, nụ cười của người đàn bà làng Phò Trạch vẫn thơm hương đồng gió nội tươi xanh, hồn nhiên như cỏ bàng hàng thế kỷ vẫn không thôi tươi xanh là thế.

Sự tận tâm, độc đáo của Marie’s đã khiến nhiều khách hàng trở lại. “Nếu tôi là một người sinh ra từ làng cỏ bàng Phò Trạch hay là một họa sỹ thì mọi thứ không khó khăn. Nhưng khó vì tôi không sinh ra ở làng nghề Phò Trạch, cũng không biết gì về hội họa mà tất cả vì thích nên học hỏi mà thành”, chị Lan mỉm cười tâm sự.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất