, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/06/2021, 10:33

Người kể chuyện bằng nghệ thuật điêu khắc ánh sáng

PHƯƠNG MINH

Bên cạnh những làng nghề nổi tiếng đại diện cho điêu khắc truyền thống, điêu khắc đương đại đã ghi dấu tên tuổi của những tác giả điêu khắc trẻ với nhiều thể nghiệm đặc sắc mang tính cá nhân.

Anh Tự (bên trái) và tác phẩm Người giữ lửa.

Năm 2014, kỹ sư trẻ sinh năm 1992 Bùi Văn Tự đã giới thiệu đến công chúng loại hình nghệ thuật điêu khắc ánh sáng tại sân khấu của chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam.

Đi rồi sẽ đến

Điêu khắc ánh sáng đến với anh Tự vào một dip rất tình cờ. Anh kể: “Khi còn là sinh viên, mình hay đi làm thêm, dựng các hòn non bộ và sau khi dựng xong sẽ dùng đèn chiếu vào để tạo ra các mảng miếng, tăng thêm điểm nhấn cho tác phẩm. Tình cờ có lần bóng của một hòn non bộ in lên bức tường phía sau hiện ra hình gần giống một chú gấu. Từ khoảnh khắc đó, mình bắt đầu tư duy, trăn trở. Tại sao mình không làm cái bóng đó theo ý muốn của mình, theo thiết kế của mình ngay từ đầu”? Từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu và từng bước phát triển loại hình nghệ thuật này. Để một khúc gỗ vô tri vô giác trở thành một tác phẩm điêu khắc, dĩ nhiên phải mất nhiều thời gian. Tác phẩm điêu khắc của anh Tự cần thêm sự phối hợp với nguồn sáng, nên lại càng phải đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm liên tục, từ việc lựa chọn chất liệu đến thiết kế đề tài. Mặc những mơ hồ và khó hình dung khi bắt đầu một loại hình nghệ thuật mới, kiên nhẫn trước sự phản đối của gia đình và bạn bè, anh Tự vẫn quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn. “Thất bại cũng nhiều, nhưng mình vẫn cứ đi tiếp. Mình tin khi có thành quả thì mọi người cũng sẽ ủng hộ”. - anh Tự chia sẻ.

Tác phẩm Giác Ngộ.

Anh Tự vừa chiếu sáng vào sản phẩm, vừa đẽo gọt để bóng hiện lên phía sau trở thành hình dáng như anh mong muốn. Tác phẩm điêu khắc truyền thống kết hợp với ánh sáng đã tạo thêm một hình thức thể hiện mới. Anh gọi đây là “Điêu khắc ánh sáng” và dùng nó để thể hiện những thông điệp về con người và cuộc sống.

Tái hiện đời sống muôn màu

Kể về loại hình nghệ thuật này, anh Tự chia sẻ: “Bản chất của thế giới chúng ta luôn tồn tại 2 thực thể của vật thể khi đứng trước ánh sáng, đó là hình và bóng. Thông thường, phần hình luôn được quan tâm, còn phần bóng - dù có tồn tại song song - nhưng hay bị lãng quên. Ít ai chú ý đến phần bóng, làm điêu khắc ánh sáng là thể hiện câu chuyện của phần bóng đó”. Theo anh, mỗi tác phẩm điêu khắc ánh sáng thường có 3 thành tố là Thân, Tuệ, Tâm. Thân là những khúc gỗ, đá, gốm nhìn thấy được. Tâm là bóng của tác phẩm, là xúc cảm của người nghệ sĩ. Tuệ là ánh sáng khi chiếu rọi thì tạo nên ý nghĩa, giá trị của sản phẩm. Như vậy, khi đặt sự vật, hiện tượng vào sự đa dạng vốn có, mỗi tác phẩm của anh đều chứa đựng các thông điệp về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ.

Tác phẩm Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ngoài gỗ, anh Tự còn ưu tiên lựa chọn gốm cho các tác phẩm của mình. Triết lý Phật giáo và giá trị văn hóa Việt luôn là nguồn cảm hứng cốt lõi giúp anh sáng tạo. Anh nói: “Theo triết học phương Đông, khái niệm thế giới cấu tạo từ bốn yếu tố là đất, nước, lửa và gió. Gốm có đầy đủ các yếu tố này, gỗ cũng thế”. Khi hỏi về tác phẩm tâm đắc nhất, anh chọn tác phẩm Giác Ngộ, là bức chân dung đặc biệt của Đức Phật dưới dạng tranh thủy mặc được vẽ bằng điêu khắc ánh sáng.

Ngoài tác phẩm Giác Ngộ, đến nay, anh Tự đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Bạch Đằng dậy sóng, Hoài niệm, các bức chân dung như chân dung Bác Hồ, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Gần đây, vào dịp Xuân Tân Sửu, anh đã giới thiệu tác phẩm “Kim Ngưu - Chấn hưng cơ nghiệp”. Lấy hình tượng con trâu trong văn hóa Việt kết hợp với bối cảnh hiện đại, không chỉ mang nghĩa đơn thuần là “đầu cơ nghiệp” của văn minh lúa nước mà còn đại diện cho sự nghiệp, mô hình kinh doanh mới. Phần hình - điêu khắc hình trâu bên lũy tre làng - khi được chiếu sáng lại hóa thành bóng thuyền buồm như gửi gắm mong ước thuận buồm, xuôi gió, mọi sự hanh thông, tốt lành và chấn hưng sự nghiệp.

Tác phẩm Hoài Niệm.

Khi giá trị truyền thống kết hợp hài hòa với không gian hiện đại, các tác phẩm điêu khắc ánh sáng đã mang đến cho người xem những trải nghiệm mới lạ và tích cực.

Bước đầu định vị một loại hình nghệ thuật

Bản chất của điêu khắc ánh sáng là kể chuyện. Câu chuyện về văn hóa, về đời sống và cả cuộc đời cá nhân trở nên ấn tượng và thú vị hơn qua mỗi tác phẩm. Anh Tự nói về một mong muốn lớn lao, sâu xa của mình là định vị loại hình nghệ thuật mới này. Trước tiên là xây dựng hình ảnh của một loại hình nghệ thuật sinh ra ở Việt Nam. Sau đó là chia sẻ cái đẹp với nhiều người yêu nghệ thuật trong nước và xa hơn là giới thiệu với bạn bè thế giới.

Tác phẩm Bạch Đằng dậy sóng.

Sau thời gian dài vừa làm gỗ, làm gốm, vừa nghiên cứu điêu khắc ánh sáng, đến tháng 08/2020, anh Tự đã thành lập Công ty Cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt và tập trung hoàn toàn cho loại hình nghệ thuật này. Hiện tại, anh đang triển khai dự án xây dựng showroom Điêu khắc ánh sáng ở TP.HCM. Đây là nơi để anh giới thiệu loại hình nghệ thuật độc đáo này một cách rộng rãi hơn và cũng sẽ là địa điểm thú vị cho những cá nhân yêu thích nghệ thuật.

Dù là loại hình nghệ thuật mới, nhưng hành trình của nhà điêu khắc Bùi Văn Tự đã cho thấy sức sáng tạo và nỗ lực của người trẻ trong quá trình phát triển nghệ thuật truyền thống, thể hiện tiếng nói của người trẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất