, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 07/02/2020, 08:35

Người La Chí bẫy chuột, ăn chuột, cúng chuột

BẰNG VÂN

Món ăn khoái khẩu

Hoạt động săn bắt của người La Chí được tiến hành chủ yếu vào mùa khô, đặc biệt là mùa làm nương (từ tháng 2 – tháng 3 âm lịch) và mùa thu hoạch cây lúa nương (từ tháng 8 – tháng 9 âm lịch). Vì mùa này khí hậu khô ráo, các loài động vật đi kiếm ăn nhiều. Họ đi săn bắt để bảo vệ hoa màu và kiếm thêm thức ăn từ rừng.

Góc bếp của người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.  Ảnh: Bằng Vân
Góc bếp của người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bằng Vân

Người La Chí thường làm những chiếc bẫy sập (cá má tề) nhỏ, gọn nhẹ để bắt chuột trên rừng. Bẫy được chế tác từ tre nứa, gồm ba bộ phận là hai thanh kẹp, một sợi dây giương cung bẫy và một hệ thống bẫy lật. Ngoài ra, người ta còn dùng bẫy đá. Hòn đá được dây nhấc căng một đầu. Mồi là một bông lúa được đặt dưới hòn đá. Khi con chuột gặm bông lúa, dây giữ sẽ bị tuột, tảng đá cùng lúc rơi xuống đè chết con chuột.

Với tập quán sử dụng thịt chuột khô trong nhiều nghi lễ tín ngưỡng nên người La Chí rất chú trọng việc tích trữ và bảo quản chuột săn bắt được. Mỗi khi bắt được nhiều chuột, nhất là vào những khoảng thời gian trước các lễ cúng của cộng đồng, gia đình mà đồ lễ bắt buộc phải có thịt chuột thì điều này càng được chú trọng.

Chuột được thui vàng, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa sạch, ướp gia vị rồi từng con một được kẹp bằng kẹp tre và được hơ qua lửa cho vàng óng. Sau đó từng kẹp thịt chuột được gác lên gác bếp để xông khói nhằm bảo quản lâu dài. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn. Thịt chuột khô có thể vùi tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra chấm muối tiêu làm đồ nhắm rượu, hoặc đem ngâm nước sôi cho nở ra, sau đó ướp gừng, hành tỏi và xào nóng, rất thơm ngon. Đây là món khoái khẩu của người La Chí.

Góc bếp của người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.  Ảnh: Bằng Vân
Góc bếp của người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bằng Vân

Nếu không gác gác bếp, người La Chí có nhiều cách chế biến thịt chuột tươi. Để làm món thịt chuột nướng, người ta thui bằng rơm cho sạch lông rồi dùng dao nhỏ cạo sạch da, sau đó bỏ ruột. Thịt chuột rửa sạch, để nguyên con và lấy muối trắng xát đều trong ngoài, ướp cho ngấm. Sau đó dùng xiên xiên từ đầu cho đến đuôi và nướng trên than hồng. Người ta thường xé đùi và thịt ngon cho trẻ nhỏ, người già, người lớn ăn phần xương.

Để làm món thịt chuột băm, sau khi làm sạch, người ta cho thịt chuột lên thớt băm nhỏ rồi cho vào chiếc bát. Lấy củ sả đập dập, băm nhỏ, nêm mắm, muối, mì chính trộn đều. Bắc chảo lên bếp và cho mỡ phi thật nóng rồi đổ thịt chuột vào xào đều tay. Khi thịt vàng ươm, dậy mùi thơm là ăn được. Làm món thịt chuột rán thì chuột làm sạch, chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi trộn mắm, muối, mì chính, sau đó cho lên chảo mỡ rán vàng…

Lễ vật trong các lễ cúng

Ông Lùng Chính Minh, ở thôn Na Pha, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cho biết: “Trong canh tác ruộng bậc thang, sau Tết Nguyên đán là người La Chí bắt đầu làm ruộng, gieo mạ. Trước khi gieo mạ, các gia đình đều mời thầy cúng về làm lễ gọi hồn lúa (thim le).

Lễ vật gồm có: thịt lợn, cá, rượu cẩm, một ống thóc giống và thịt chuột. Mâm cúng được đặt giữa ruộng mạ. Thầy cúng một tay cầm sợi dây một đầu có buộc một củ gừng, tay kia cầm một cái sừng trâu khấn “gọi hồn lúa về nhập vào hạt mầm cho cây lúa lên tốt, lên khỏe, cho bông to, hạt mẩy, không bị sâu bệnh, không bị con chim, con chuột phá hoại…” Vừa cúng thầy cúng vừa rót rượu vào sừng trâu để uống (hàm ý là hồn lúa uống). Ông vừa cúng vừa quan sát, khi nào thấy củ gừng ở đầu sợi dây động đậy là hồn lúa đã về”.

Thịt chuột gác gác bếp, đặc sản của người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.  Ảnh: Phạm Ngọc
Thịt chuột gác gác bếp, đặc sản của người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Phạm Ngọc

Đến mùa thu hoạch, sau khi việc gặt hái đã hoàn tất, các gia đình chọn một ngày tốt theo tuổi của gia chủ và không được trùng với ngày sinh của gia chủ, không trùng với ngày mất của tổ tiên để làm lễ khóa kho thóc. Lễ vật dâng cúng gồm có một con gà, một chai rượu, một gói xôi và hai con chuột khô. Lễ vật được bỏ vào một cái sọt đặt tại cửa chính gian thờ. Thầy cúng hoặc gia chủ ngồi trước sọt đồ cúng khấn mời tổ tiên về ăn thịt, uống rượu, báo với tổ tiên rằng gia đình đã thu hoạch xong lúa nương, lúa ruộng.

Thịt chuột không chỉ là món ăn ưa chuộng của người La Chí mà còn là món ăn liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng của họ. Theo truyền thống, Tết tháng ba và lễ cúng thần rắn ở rừng Me Meo là một trong hai ngày tết quan trọng (cùng với Tết tháng bảy) của người La Chí để cầu mong dân bản may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo già làng Giàng A Phô ở xã Bản Díu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang: Mỗi ông thầy cúng phải mang một sọt tre lễ vật đến nhà ông thầy cúng chính (pô ừm mia gia na) để làm lễ cúng thả thần rắn. Dưới sọt tre lót một mảnh lá chuối tươi, sau đó đặt 12 con cá, 12 con chuột hoặc 12 con chim, còn không thì đặt một miếng da trâu, một bát thịt trâu thái thành từng miếng rồi phủ lá chuối lên trên.

Cứ vào mỗi dịp cúng thần rắn, người ta lại bắt chuột về cắt tiết để cúng. Người cho rằng rắn là vị thần có công bảo vệ mùa màng. Người ta cúng thần rắn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Chuột là loài động vật phá hoại mùa màng, còn rắn lại là loài có thể bảo vệ, đem lại mùa màng tươi tốt. Thức ăn chủ yếu của rắn là chuột nên người ta bắt chuột để cúng thần rắn. Chuột sau khi cắt tiết được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nướng, băm nhỏ xào, rán…

Trong ngày lễ cúng thần rắn, người La Chí tụ tập quanh sàn cúng, được dựng giữa rừng, trước miếu thờ. Các thầy cúng ngồi trên sàn cúng và thực hiện lễ cúng. Trước mặt các thầy cúng là hai mâm lễ. Một mâm toàn thịt chuột, với rất nhiều món như tiết canh chuột, chuột khô, chuột nướng, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả... Mâm lễ thứ hai để cúng các vị thần khác ngự trong rừng, gồm chủ yếu là các món liên quan đến cá, thịt. Lễ cúng thần rắn với mâm thịt chuột diễn ra suốt hai ngày.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất