, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 13/02/2024, 06:00

Người nghe... a-lic

HÀ ANH MINH
“Ổng chờ chú không được, đi sửa a-lic cho tàu du lịch Hội An bên phố cổ rồi”, bà vợ ông ngồi trước hiên nhà nói. Thấy mặt tôi… dài ra, bà chỉ cánh cửa gỗ có ghi số điện thoại bằng phấn trắng: “Chú điện đi, ổng dặn tôi là chú tới thì kêu, ổng chạy về liền”.

Làng Kim Bồng nức danh nghề gỗ ở Hội An, hỏi ông Minh a-lic là người ta chỉ cái rẹt. Ông không làm mộc mà là đi biển… trên bờ. A-lic là chân vịt của thuyền, đọc trại từ helice nghĩa là cánh quạt. Tôi biết ông từ một người quen đi biển ở quê tôi, là ông Chín. Bữa giỗ ở quê, ông Chín kể dông dài đời ngư phủ, bỗng lòi ra cái ông sửa chân vịt tàu bè “ngon bổ rẻ”, được chủ thuyền trong ngoài tỉnh ca ông như người có đôi tay thần và tai thánh.

“Chu choa, kể mấy cho hết - bà vợ từ tốn - nhiều nhứt là năm nào có bão, tàu bè hư, rứa là khách đầy nhà, làm đuối luôn”. Tôi ngó ga-ra của ông, chừng 5m2, chân vịt lớn nhỏ mới cũ chất chồng.

Ông Minh ngó tôi, vẻ lạnh lạnh: “Chú hỏi để làm chi?”. “Hỏi chơi, viết báo chơi, cho thiên hạ biết”. Khỏi bàn ghế, tôi và ông ngồi luôn xuống nền nhà. Ông đem 2 cái dũi, 2 búa lớn nhỏ và 3 chân vịt khác cỡ ra. “Thứ ni phức tạp - ông nói - chân vịt đủ cỡ vì tùy thuộc vào công suất tàu. Hư hỏng phổ biến là bị cong khi gặp đá, mắc cạn, hoặc bị cây cứng đánh vô. Tôi phải làm cho trở lại bình thường”.

“Chú có đồ đo không?”. “Đo chi?”. “Như kiểu cân thủy lực để biết nó quay đều không?”. “Đồ chi? Không có!”. Kiểu bắt mạch của mấy ông lang vườn, thuốc bắc đây. Không cần để ý khách ngạc nhiên, ông nói tiếp: “Giá sửa chân vịt tùy theo lớn nhỏ, từ 50 ngàn đến hơn 700 ngàn/cái. Ví dụ tàu 500 CV, chân vịt nặng 1,7 tạ, có 14 cánh, tôi sửa xong, lấy chừng 700 ngàn, vì thằng vịn cho tôi sửa lấy 300 ngàn rồi, bởi nó nặng quá mà, mình tôi làm chi nổi. Chân vịt là bằng đồng, giá 1kg đồng là chừng 250 ngàn, chú tính ra đi, không sửa thì bỏ, mua mới phải hơn 40 triệu. Tôi sửa lấy chừng đó, không hơn”.

“Tính công sửa kiểu sao?”. “Sửa mất bao lâu không cần biết, giá lớn nhỏ chừng đó. Có cái mấy phút là xong, có cái mất 3 tiếng”. Tôi để ý lối trả lời của ông gọn, sắc và nhanh như chân vịt đang quay.

Nhìn ông gõ búa nhè nhẹ theo cái chân vịt cho máy 35 CV, rồi rà rà mài mài, tôi nói thiệt là chột dạ. Chân vịt như bánh xe, nó phải đều, chuẩn, không thì thuyền chạy lắc lư. Ông thợ giỏi mấy, có lúc cũng lệch tâm. “Không, tuyệt đối không ai tới bắt sửa lại. Bữa có thằng mua cái ghe chạy sông quê Duy Phước (Duy Xuyên), máy Yanmar của Nhật, qua đây hỏi mua chân vịt. Tôi bán cái mới cho nó và nói: Em để anh rà lại rồi cầm về lắp, mới chạy được. Hắn cự liền, đồ mới ông rờ vô làm chi! Ừ, mi ngon, về chạy được tau kêu mi là anh. Mấy ngày sau hắn đem qua, kêu đổi cái khác. Tôi đổi, cũng nói để anh rà cho, hắn lì không chịu. Hai ngày sau lại mang xác tới mua cái khác. Tôi nói tau trả lại tiền hai cái mi đã mua, mi trả lại cho tau 2 cái nớ, tau không buôn bán chi với mi nữa. Tau đã nói rồi, mi ưng thì đi kiếm chỗ khác. Tới nước này, hắn xin tôi sửa. Về chạy ngon ơ, mang thêm 1 cái cũ bị hư qua sửa, lại thêm cá sông tặng, cho thêm tiền, tôi không lấy”.

“Kỳ quá, mới mà sửa là sao?”. Đáp lại câu hỏi sửng sốt của tôi, ông nhẹ nhàng: “Đồ mới đúc khuôn chính xác đến từng xí, nhưng chú biết không, chân vịt làm bằng đồng, khi đưa từ khuôn ra ngoài để nguội, nó sẽ rút co, lệch tâm. Đa phần là rứa, mình phải chỉnh lại mới chạy êm, không thì cà giựt liền. Rà dễ òm, 50 ngàn/cái chứ mấy mô, nhưng không sửa, đố mà chạy cho ra hồn”.

Tôi vẫn băn khoăn, nhớ khi người ta bắt tăm xe đạp, cân vành, thì cho nó quay trên phụt xe, dùng mắt và lấy ngón tay cân ke, chỗ nào cong, mo là biết, chỉnh liền. Còn ngó đống đồ nghề của ông chỉ búa với dũi, cân chỉnh kiểu chi đây? “Máy chi, cần chi máy" - ông nói - "tôi nghe tiếng, nó như thế này, tôi cho chân vịt nằm trên nền gạch quay tay, nghe, hễ cánh nào kêu xè xè là tôi biết chưa chuẩn, còn im re là đúng. Còn nữa, tôi dùng búa gõ, đồng kêu bong bong keng keng là đúng, còn kêu xè xè là sai, nhứt định nó bị rỗng hay nứt bên trong”. “À, như mấy ông ở làng chiêng Phước Kiều ở Câu Lâu nghe chiêng chỉnh âm…”. “Đúng rồi, nghe là biết. Mà gõ đồng, phải biết cách, chứ phang ngang như gõ sắt, nó bể ngay, đền chết luôn”.

Tài không phải luyện mà thành, bởi tài là ở khiếu. Ông kể rằng 19 tuổi, chân vịt ghe máy nhà ông bị hư, chạy như xe bị xì lốp, ông mang vô tới Biên Hòa để sửa, bởi họ có xưởng đúc. Mấy ông thầy ở đó giỏi lắm. Nhìn họ gõ, mài mà mê, rồi ông lân la học. Lại về Quảng Ngãi học thêm. Từ đó, mình ông ngang dọc, dân đi biển từ Huế tới Quảng Ngãi đều biết ông, hễ hư là mang tới.

“Nói thì rứa, không dễ ăn mô anh" - coi bộ giọng ông mệt mỏi - "Lúc học gò, thầy nói phải học thêm về máy, mà đúng thiệt, họ tới mua chân vịt là phải hỏi: Máy anh chạy nhanh - trung - chậm? Là thế này, cũng một loại máy Yanmar của Nhật, nhưng đời 345 có tới 3 dòng với vòng quay là 96 - 92 - 86/phút, phải biết mà gõ sửa cho chân vịt quay khớp tốc độ máy, hễ làm sai, nó sự cố, họ mất tiền, chưa nói gặp nạn ở biển, có phải mình mang họa không? Máy Nhật, tốc độ 10 hải lý/giờ, mình sửa thành 12 hải lý là chạy quá ngon, nhưng gõ bậy nó tụt xuống còn 7 - 8 hải lý, là chạy không nổi, phải sửa lại. Có ông không trả lời máy chi mà nói là 4 đầu bạc, ông nội tôi cũng không biết, chỉ còn cách lên thuyền coi, à cái máy Yanmar ốc vít lốc máy người Nhật làm khéo lắm, sáng choang như bạc”.

Tôi nhớ ông Chín nói, ông Minh nớ lạ lắm, tàu mình chạy cà giựt, uốn éo như thằng say, ổng lên tàu, cho chạy 100 mét, là biết bịnh chi liền. “Ừ - ông gật - tôi nghe tiếng máy mà đoán chân vịt bị chi”.

Tới đây thì tôi há miệng, lạy! Mà lạ, nổi danh, khách hàng đông, 50 năm theo cái chân vịt hay là vòng xoay đời ông, mải miết một nghề, nhà cửa vẫn cũ kỹ, ga-ra như chuồng gà người ta, xe máy cà tàng, gương mặt phong sương thấm một đời cần lao, coi bộ nghề này… bạc bẽo hay sao?

Giọng ông buồn buồn: “Tôi muốn giàu, dễ òm, nhưng cũng từng là dân biển, tôi nói thiệt anh, đồng tiền là phù du, sáng tay ni chiều qua tay kia, nghề tôi và ngư dân, là đu nhau mà sống. Tôi nhớ năm đó bão đánh hư 40 chiếc tàu ở Thọ Quang (Đà Nẵng). Họ mời tôi ra sửa. Tôi ở 15 ngày ngoài đó, sửa xong 40 chiếc là về, chỉ lấy đủ tiền ăn ngày 3 bữa và xăng xe, không lấy tiền công. Nhìn bà con kẻ chết, người bị thương, tàu bè nhà cửa tan nát, lòng ruột mô mà lấy tiền họ. Có bà vợ tôi đây làm chứng, ai nghèo, gặp nạn vì ghe, tới đây sửa tôi miễn phí. Tôi sống là để phúc cho con. Người ta quý mình, thì mình đừng buộc chặt họ. Cái nghề ni, ai nghe thì không tin, nhưng đây là kỹ thuật, tôi không có bí quyết chi hết, chỉ nghe tai, mắt nhìn và kinh nghiệm, mà cũng không làm láo, nói láo được đâu. Đây, sửa xong, họ lắp vô, nó chạy không được, có phải do mình ẩu và dốt không? Nó hư, mình sửa nó chạy êm ru, thì láo hay thiệt?”.

Tôi lặng đi. Những làng nghề truyền thống, luôn có những người thợ tài hoa, mà trong nhóm tài hoa đó, thỉnh thoảng có dị nhân, khả năng của họ như trời cho, kiểu vạch trời nứt, chỉ có một. Tôi đọc, thấy ở Hà Tĩnh cũng có người sửa chân vịt, nhưng ông đó sửa bằng máy, xuất thân từ trường kỹ thuật hải quân, còn ông Nguyễn Văn Minh này có người trong nhà nói là sinh ra đã nghèo, nên ông không được đi học, trời cho ông có duyên mà gặp và sống bằng nghề khiến ngư dân mang ơn.

Làng nghề chết mòn dần, tinh hoa bí quyết buồn não tàn phai rồi mất đi theo những người thợ già. Đó là di sản vô hình. Thời đại công nghiệp cho ra lò hàng loạt thứ tinh xảo, như nhau, nhưng hồn vía thì không có. Người như ông Minh, hiếm quá. Ông không làm giàu cho gia đình, mà mang niềm vui, hạnh phúc cho bao người mà tài sản giữa biển cả đời chắt chiu là chiếc thuyền, cả sinh mạng họ nữa. Hãy hình dung, đang ở sâu thẳm nghìn trùng hay tới bữa ra khơi, mà chân vịt hư, tính làm sao đây? Tiền mua được, nhưng giá cả cũng là nỗi lắng lo, bởi đó là đồng tiền xương máu. Giữa ông và họ, là cái tình lớn, cái tình sẻ chia gian khó, dìu nhau qua phong ba, cơm áo, và hơn những điều đó, là ngư dân có chỗ để trao gửi niềm tin trọn vẹn.

“Anh có viết thì cho tôi hay, để con cháu biết cha ông nó đã sống bằng nghề lương thiện. Tôi chỉ tức là có đứa con trai nhưng nó muốn làm ăn nóng, có ngay, chứ không chịu gò lưng mài giũa. Tôi nay 70 tuổi rồi…”

Tôi đi theo ông ra sông, nơi có mấy chỗ ghe kéo lên đà (bờ) để sửa, hỏi một câu… lãng nhách: “Chắc mấy ghe này hư a-lic, cũng nhờ chú?”. “Không kêu tau thì kêu ai”. Chủ thuyền là anh Liên, vốn chạy thuyền xa bờ, làm ăn lỗ nên giờ mua lại thuyền nhỏ, cải tạo lại làm thuyền du lịch. Anh Liên, vẻ thăm dò: “Chân vịt ni có sửa không chú?”. “Cong “chùm hum” rồi không thấy hả ?”. “Dạ, chạy nó cà giựt”. Ông lấy búa gõ gõ vào chỗ cánh quạt. “Đây, phải nắn lại”. “Dạ, ít bữa con nhờ chú”.

Tôi thấy mặt ông bình thường, như thể chuyện đương nhiên là thế. Nhớ lời ông nói về con trai không chịu kế nghiệp, như sóng lăn tăn theo cơn gió bấc. Hạnh phúc của người này lắm khi là nỗi buồn của kẻ khác, nhất là những kẻ tài hoa thường cô độc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất