, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 05/09/2022, 07:45

Người Nhật đối mặt với “cơn bão giá” trong những tháng cuối năm

KHÁNH NGUYÊN
(Theo NHK, Asahi)
Các gia đình Nhật Bản đang chống chọi với lạm phát "phi mã" có lẽ còn phải gói ghém nhiều hơn trong năm nay, khi hơn 20.000 mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng giá từ tháng 9 đến cuối năm.
Một siêu thị ở Yokohama dán bảng thông báo khuyên khách hàng nên mua thực phẩm trước khi điều chỉnh tăng giá bán hồi tháng 5. Ảnh: Asahi Shimbun

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Teikoku Databank tiến hành trên 105 nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Nhật Bản vào cuối tháng 8 với các câu hỏi về việc có tăng giá trong năm nay hay không, kết quả không mấy khả quan cho người tiêu dùng. 

Gần 80% nhà sản xuất tham gia khảo sát trả lời rằng đã tăng hoặc có kế hoạch tăng giá từ mùa thu này đến cuối năm để bù đắp chi phí sản xuất tăng. Tỉ lệ tăng giá trung bình sẽ vào khoảng 14%. Đây được xem là đợt tăng giá bất thường trên diện rộng ở Nhật Bản trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, trong tháng 8 đã có hơn 10.000 mặt hàng tăng giá. Tháng 9 dự kiến tăng giá 2.424 mặt hàng, và 6.500 mặt hàng sẽ được điều chỉnh giá bán ở mức cao nhất vào tháng 10. Tính tổng cộng thì có 20.056 mặt hàng sẽ được bán với giá cao hơn.

Các mặt hàng tăng giá nhiều nhất sẽ rơi vào nhóm sản phẩm đã qua chế biến như thực phẩm đóng hộp, giăm bông và xúc xích, khoảng 8.530 sản phẩm. Xếp ở nhóm thứ hai là nhóm gia vị với 4.651 mặt hàng và nhóm đồ uống với 3.814 mặt hàng.

Giá thực phẩm tại Nhật dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 10 tới. Ảnh: NHK

Không chỉ có lương thực, thực phẩm, các tháng gần đây, giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ khác ở Nhật Bản cũng tăng mạnh.

Công ty Teikoku Databank cho biết trước đó họ cũng thực hiện khảo sát và số lượng các nhà sản xuất tăng giá ít hơn đợt khảo sát này. Nghĩa là các nhà sản xuất đã bớt do dự hơn trong việc tăng giá. 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cơ sở sản xuất ở Nhật Bản phải tăng giá bán lương thực, thực phẩm là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã tăng mạnh do tác động tiêu cực của việc đồng yên mất giá (đồng yên đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua so với đồng USD), sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng và xung đột giữa Nga và Ukraine.

Chính phủ có kế hoạch duy trì giá bán lúa mì nhập khẩu hiện tại cho các nhà xay xát trong nước như một phần biện pháp giảm áp lực cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất thực phẩm cho biết họ không còn có thể tự gánh mức tăng chi phí nguyên liệu đầu vào nên họ sẽ chuyển phần chi phí chênh lệch này cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán. 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất