, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 13/01/2023, 20:00

“Người nông dân” biết sống sao?

ANNA NGUYỄN
Một ngày đẹp trời, giấc mơ sang trọng nhất đời trở thành hiện thực. Người chồng chốt lô đất triền đồi ở tỉnh. Người vợ khởi sự những dự án về vườn: trồng rau, nuôi gà, và… sống chậm.
Hình minh họa.

Chuyện về vườn đã cồn cào từ mấy năm dịch. Thiên hạ rần rần về quê mua đất. Ai cũng có một mảnh hồn bên ngoài thành phố. Để dành.

Nhưng cuộc sống dự trữ kia thật cứu rỗi. Nó cứu người ta qua những đua chen công sở, kẹt xe, ngập nước, thịt dơ, rau bẩn, sương mù bụi mịn… Chỉ cần nghĩ chuyện về quê, mọi vấn đề tiêu biến hết. Về vườn, đường sá lập tức thong dong, đẹp đẽ. Mật độ dân thấp, không khí tinh tươm. Ta sẽ sống chậm như là bản chất đời sống: gia đình quây quần, nấu nướng, làm vườn, tương tác với thiên nhiên… 

Trong cuộc di dân này, những người xông pha nhất thường là những nữ nhân ba đời ở thành thị. Họ có thể chưa một ngày sống ở quê, hoặc sang hơn thì từng được vài ngày hè nông thôn ở nhà họ hàng. Nhưng, giấc mơ về vườn là một loại thức tỉnh, không liên quan đến gốc gác. 

Ta về quê tự tin như một đứa con về nhà mẹ. Cuộc làm quen thường có sự góp mặt của những cơn mưa quê. Đã đời một giấc mưa, người nông dân mới mới bàng hoàng nhận ra những giọt mưa dứt khoát kia vừa mang theo đất cát văng tứ tung sau nhà. Sàn nhà, nội thất ở những ô cửa quên đóng đã lãnh đủ đất cát, đã biết thế nào là gần gũi với thiên nhiên. 

Hẳn nhiên, một kẻ mơ quê về vườn phải thiết kế căn nhà tứ bề nhìn trời đất, cửa sổ phải đặt để khắp nơi. Nhưng sau cơn mưa đầu tiên, không ai còn thấy ngôi nhà trắng trên đỉnh đồi kia mở cửa khi trời mưa nữa.

Thế là xong một giấc mộng mở cửa đón mưa. 

Đóng cửa, bức tường trắng và hàng chục cánh cửa vẫn “tắm” trong đất cát. Kẻ mơ quê rớt vào một nghịch lý: phải bê tông hóa các lối đi dọc ngôi nhà, hay vẫn để nguyên cho mặt đất… hít thở, chờ cây cỏ mọc lên? Nếu để nguyên mặt đất, thì hệ sinh thái của ngôi nhà quê mới thực trọn vẹn, đất mới được thở. Nhưng đồng thời, chỉ cần một trận mưa, bao nhiêu đất cát cũng bay lên tường nhà… nằm thở. Anh thợ xây bản địa còn cảnh báo thêm: nếu làm sân bê tông thì ta có một khoảng cách vừa đủ để cách ly với các loài bò sát. Còn để vậy thì ngay cả khi cỏ phủ xanh, cũng sẽ tới lượt rắn rết.

Chị nông dân lập tức cho xây hạng mục sân bê tông bao bốn phía ngôi nhà. Giấc mơ cây cỏ đành dời ra xa thêm vài bước chân.

Chương “đối diện” chưa dừng ở đó. 

Đêm đến, mấy phần thị dân còn rơi rớt khiến người nông dân phải bật các loại đèn ngủ, đèn lối đi. Để rồi người ta lại thức dậy mỗi sáng với một chiếc sàn nhà đầy xác côn trùng. Những vị trí có đèn, xác côn trùng càng dày đặc. Chúng bay vào nhà theo lời mời gọi của ánh đèn đêm. 

Từ giã đèn đêm. Nhà quê bớt thơ mộng đi nhiều. Chị nông dân quyết định đối diện với những rủi ro thôn quê. Chị chủ động hỏi anh hàng xóm:

• Khu mình có chuột không anh?

Anh hàng xóm bao đời ở quê, đáp:

• Là sao? Chỗ nào mà chẳng có chuột?!

Chị nông dân tím tái. Ở thành phố cũng có chuột. Nhưng đem một căn nhà gần gũi với thiên nhiên đặt xuống một nơi có chuột thì liệu có… liều quá không? Cảm giác mất an toàn xâm chiếm. Anh hàng xóm còn khuyến mãi thêm thông tin sốt dẻo:

• Thì cũng giống như con gắn (rắn) thôi. Có vườn thì phải có gắn! Nhưng đêm ngủ đóng cửa kỹ thì khỏi lo gắn độc à!

Chuyện côn trùng, rắn rết, chị từng, đọc 7749 kinh nghiệm chống rắn rết trên mạng xã hội. Nhưng hình như, kinh nghiệm đuổi rắn chỉ là một trò đùa. Cứ người này kể xong lại có người khác bác bỏ. Như khi cả nhóm đang yên tâm rằng trồng nhiều cây sả có thể đuổi được rắn, thì lại có một thành viên đăng lên tấm hình con rắn… quấn quanh gốc sả. Hi vọng đuổi rắn tiêu tan. 

Một lần nghe âm thanh lạ trong phòng tắm, chị nông dân chạy vào xem thì chứng kiến toàn cảnh một con rắn dài đang cố nuốt một con ễnh ương trên nền trắng tinh tươm của căn phòng tắm hiện đại. Tiếng kêu lớn bất thường kia là của nạn nhân. Chị hét toáng lên. Cả xóm chạy đến giải cứu. Nhưng con rắn đã lẹ làng bò về khu vườn rậm rạp kế bên nhà, để lại trong chị một nỗi bất an không có hồi kết. 

Trong lúc chị nông dân hoảng loạn đòi cấp tốc rào lưới. Người chồng thủng thẳng:

• Cả rắn lẫn chuột đều là thiên nhiên!

Chị bất bình muốn khóc. 

• Nhưng không có nghĩa là mình phải sống chung với nó!

Anh chồng tỉnh táo:

• Nó cũng có muốn sống chung với mình đâu. Chỉ là thỉnh thoảng vì có việc nên phải vô tình gặp nhau.

Chị ngừng một nhịp, suy tư về hai chữ “thiên nhiên”. Người chồng không dừng lại:

• Nếu bao vây hết vậy, thì khu vườn nhà mình không thể là vườn tự nhiên, không có cân bằng sinh thái. Con rắn kia bò vào là vì phòng tắm nhà mình có con ễnh ương, đó là một diễn biến của cân bằng sinh thái.

Chị nông dân đành thỏa hiệp, vì không muốn phản bội lý tưởng lớn nhất của việc về vườn. Giải pháp hòa bình là chị luôn phải đóng cửa sổ phòng tắm để tránh họ nhà ếch vào làm mồi để rắn vào nhà. 

Vậy là có thêm một cánh cửa phải đóng ở căn nhà quê.  Đó là một trong những ô cửa thơ mộng nhất trong nhà. Nhưng thơ mộng thì không sánh nổi với an toàn.

Nhưng, tất cả những chuyện trên đây chỉ mang tính “đột biến” so với thách thức không ngừng của sự bận bịu chốn thôn quê. Dù đã tránh xa bụi đường, nhà cửa vẫn phải lau dọn nhiều hơn vì bị vấy bẩn liên tục theo đường… vật nuôi. Mấy con chó cưng tha hồ lăn lộn bên ngoài rồi vào nhà với tấm thân lem luốc. Chị căng thẳng tột độ vì nhà cửa vừa sạch đã dơ. Sáng nào thức dậy, chị cũng đối diện với cái sàn nhà rải rác xác côn trùng và cả một sân đất cát, phân gà… Chuyện vườn tược thì bận khỏi nói. Vì chủ trương làm nông nên từ trước khi chuyển về, chị đã thuê bà con khai thác triệt để 5 sào đất, trồng rau, đậu đặng gửi về thành phố. Về “tiếp quản” khu vườn chưa được một tháng, chị đã mệt rũ. Cảm giác sự mệt nhọc không có điểm dừng với cái nhà luôn dơ và khu vườn luôn có việc phải làm. Mỗi ngày mỗi làm, không có nghỉ phép, nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ.

Chị nông dân sực ngộ ra, bất kỳ một sự bận bịu không thể khước từ nào cũng là một áp lực đáng kể. Ở thành phố, áp lực đó là việc không thể không chen giữa dòng kẹt xe để đi làm, đưa con đi học. Thì ở thôn quê, đó là căn nhà dơ luôn đòi mình phải dọn, là khu vườn rậm luôn chờ mình gieo hái, dọn dẹp. Cực hình nhất là khi đang tất tả dọn dẹp đã phải nghĩ đến việc lát nữa căn nhà lại dơ, lại phải dọn. Việc làm vườn cũng thế.

Thỏa giấc mơ quê, chị nông dân đúc kết: Quê là một nơi mà rắn là một người bạn, chuột là lẽ đương nhiên, thảnh thơi là khái niệm không liên quan đến thời gian… 

Người ở quê “có nghề” thì bắt bệnh: chị quá cầu toàn nên không thể tận hưởng đời sống nông thôn. Rằng nông thôn là nơi không bao giờ hoàn hảo. Việc mở cửa ra với thiên nhiên cũng tiềm ẩn các rủi ro.  Hoàn hảo, tinh tươm và “hoàn tất” là những khái niệm xa lạ với nông thôn. Tất cả chỉ là một trạng thái tạm thời. Và thảnh thơi là chuyện chỉ có trong tâm trí… Người nông dân chân chính thì cứ thế sống và sẵn sàng cho những việc cần làm, của hôm nay, ngay lúc này. Trong khi, một kẻ mơ quê có quyết tâm làm vườn, quyết tâm trồng cây gây rừng  thì lại cũng… quyết không đội trời chung với chuột, rắn,  không chịu nổi một phút nhìn cái nhà vấy bẩn, càng không thể yên lòng với khu vườn “không một ngày ngớt việc”...

Cuối cùng, dù là một kẻ mơ quê rất quyết liệt, tinh thần chị nông dân cũng chỉ ở đâu đó ngưỡng trên thành thị, dưới nông thôn. Ở cõi mơ này, chị biết sống sao?

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất