, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/11/2022, 14:05

Người nông dân chân chính

NGUYỄN ĐỨC QUANG
Nói đến nông dân, người ta thường nghĩ đến hình ảnh người lao động chân lấm tay bùn, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Và do vậy, đó cũng được coi là những người bảo thủ, lạc hậu, tư duy không vượt khỏi luỹ tre làng... Đúng, có không ít người như vậy. Nhưng những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân thì cần được đặt ở vị trí ca ngợi xứng đáng: cần cù, chịu khó, mạnh mẽ, quyết liệt, sáng tạo…
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nước ta là nước nông nghiệp, đại đa số lao động cổ cồn ngày nay cũng đều có nguồn gốc xuất thân là nông dân. Mặc dù cả nước có nhiều viện nghiên cứu về nông nghiệp, nhưng chính người nông dân, qua thực tế chân lấm tay bùn, đã sáng chế ra máy móc cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, trông thì thô sơ nhưng có đến 3 - 4 - 5 - 6 chức năng, từ cày bừa, đào lỗ, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu đến gặt, đập, bóc tách hạt… rất hiệu quả, năng suất và tiện dụng.

Trong đội ngũ lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ, hầu hết cũng có nguồn gốc từ nông dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sinh ra ở nông thôn, trong gia đình có nguồn gốc nông dân, nên mặc dù mấy chục năm bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước, nhưng hiểu rõ về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chắc không ai bằng Người. Chính vì vậy, chỉ mấy tháng sau khi đất nước giành được độc lập, trong thư gửi các điền chủ và nông gia (ngày 14/4/1946), Người đã viết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh… Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung, phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính…”. 

Rất tiếc, những năm sau đó, đất nước vừa oằn mình gánh hai cuộc chiến tranh vệ quốc lại đến cải tạo XHCN “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” mà quên việc “phát triển nông nghiệp làm gốc”, “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Chỉ sau khi chính sách “khoán chui” của ông Bí thư nông dân Kim Ngọc được công nhận, nông dân được “cởi trói” khỏi tư duy “làm công ăn điểm” của HTX, nông nghiệp mới trở mình và phát triển. Từ thập niên 80, cả nước thiếu ăn, đến cuối thập niên 90, lương thực đã có thể xuất khẩu. Và từ bấy đến nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu cả chục triệu tấn gạo, cà phê, tiêu, điều và hàng chục triệu tấn hải sản. Mặc dù nông dân ta chưa thể gọi là giàu, nông nghiệp ta chưa thể gọi là thịnh, nhưng nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế; nông sản vẫn là mũi nhọn xuất khẩu, mang ngoại tệ nhiều nhất về cho đất nước.

Điểm lại những thành quả trong lĩnh vực nông nghiệp, từ TP.HCM đến cả nước, có lẽ không ai phủ nhận được dấu ấn của cố Thủ tướng Võ văn Kiệt. Các công trình cải tạo “rốn phèn” Bắc Củ Chi - Nam Bình Chánh; trồng cây phủ xanh vùng ngập mặn và hoang hoá bởi chất độc hóa học ở Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) từ những ngày đầu giải phóng, đều gắn với hình ảnh Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt. Các đại công trình khai hoang Đồng Tháp Mười, ngọt hóa tứ giác Long Xuyên, xây dựng đê biển Nam Bộ… đều có dấu ấn chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sinh ra ở nông thôn, trong một gia đình nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, đi theo cách mạng, làm cách mạng từ tuổi vị thành niên cho đến Thủ tướng Chính phủ. Với những dấu ấn thành tựu cống hiến của ông cho sự nghiệp phát triển đất nước, dư luận đã dùng nhiều mỹ từ ca ngợi ông: là nhà lãnh đạo kiệt xuất, là “kiến trúc sư”, “chiến lược gia” tài năng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… 

Nhưng, được theo ông một thời gian, được tháp tùng ông trong những chuyến đi thực tế ở các tỉnh ĐBSCL hay Tây Nguyên, được nghe ông làm việc, “góp ý” với lãnh đạo các địa phương về đường hướng phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự hiểu biết rất sâu sắc, tầm nhìn xa rộng mà rất thực tiễn; và với những dấu ấn in đậm tên tuổi ông trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xin được gọi ông thêm một mỹ từ: NGƯỜI NÔNG DÂN CHÂN CHÍNH.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất