, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 05/12/2022, 13:00

Người nuôi biển nhận thức được bảo vệ môi trường nuôi

VŨ ĐÌNH THUNG
(nongnghiep.vn)
Trước thực trạng môi trường nguồn nước nuôi ngày càng suy giảm, người nuôi tôm hùm tại các tỉnh Nam Trung bộ đã ngày càng ý thức bảo vệ môi trường nguồn nước.
Lồng nuôi tôm hùm ken dày trên đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: V.Đ.T.

Ý thức người nuôi ngày càng được nâng cao

Theo chiếc tàu được làm bằng chất liệu composite dùng để phục vụ cho việc nuôi tôm hùm của Lê Thanh Hải ở xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) đi ra vùng nuôi đầm Cù Mông. Vừa đi, anh Hải vừa kể, hiện nay mật độ nuôi lồng bè ở vùng này rất lớn, do vậy việc xả thải các nguồn từ sinh hoạt, trên bờ rồi thức ăn thừa cho tôm hùm là điều khó tránh khỏi.

Để bảo vệ môi trường nước đảm bảo cho tôm hùm nuôi, chính quyền ở đây đã thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức vệ môi trường. Chính từ nhiều bài học mà người nuôi phải trả giá mà giờ đây người dân đã chuyển biến rõ rệt.

Theo anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) cho biết, nhận thức được vài trò môi trường nước nuôi, bây giờ cứ cho tôm ăn sau 2 tiếng là làm vệ sinh lồng nuôi, thu gom thức ăn thừa. Tôi phải bơi vào từng lồng để làm vệ sinh, trong quá trình làm vệ sinh lồng, tôi quan sát lũ tôm ăn để phát hiện có con nào có biểu hiện bị bệnh không, nếu phát hiện tôm bị bệnh thì bắt ra cho vào lồng khác để theo dõi, chăm sóc, cũng là để tránh lây lan cho lũ tôm trong lồng.

Thực tế lâu nay cho thấy, mỗi buổi sáng, người nuôi nào cũng lặn xuống biển để làm vệ sinh cho từng lồng nuôi của mình. Chất thải gom lại từ những lồng nuôi có người cho lên ghe, chở vào bờ để tiêu hủy.

“Riêng tôi, tôi phòng bệnh cho tôm bằng cách làm vệ sinh lồng kỹ lưỡng mỗi ngày. Khi làm vệ sinh lồng tôi theo dõi sinh trưởng, phát triển của lũ tôm, nếu phát hiện có tôm bệnh là bắt ra ngay. Bên cạnh đó, những lúc uống rượu giải mỏi với những bạn nuôi trong vùng, tôi thường lấy câu chuyện cần mang chất thải sau khi làm vệ sinh lồng tôm vào bờ xử lý để gìn giữ môi trường nguồn nước nuôi để tự bảo vệ cho nhau, ai nấy đều đồng tình”, anh Lê Thanh Hải bộc bạch.

Theo người nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), trong bối cảnh nguồn nước nuôi ngày càng suy giảm, điều cần làm trước mắt là người nuôi phải tự ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước nuôi. Thực tế lâu nay cho thấy, mỗi buổi sáng, người nuôi nào cũng lặn xuống biển để làm vệ sinh cho từng lồng nuôi của mình. Chất thải gom lại từ những lồng nuôi có người cho lên ghe, chở vào bờ để tiêu hủy, không chỉ thu gom thức ăn thừa mà người nuôi ở đây còn thu gom rác thải nhất là rác thải nhựa trên biển mang vào bở.

Người nuôi tôm hùm phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường nước nuôi. Ảnh: Đ.T.

Bảo vệ môi trường cần có giải pháp đồng bộ

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III, đối với nuôi trồng thủy sản, môi trường nước ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản. Do đó, chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi thủy sản, quyết định hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của thủy sản nuôi. Việc duy trì chất lượng nước tốt rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển tối ưu của các đối tượng thủy sản nuôi. Đây chính là khâu quan trọng giúp thành công trong nuôi biển, đặc biệt trong nuôi thâm canh, công nghiệp.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, nguồn nước bị suy giảm có nhiều nguyên nhân như chất thải của các khu dân cư, khu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… và cũng do chính chất thải của hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Do đó, để đảm bảo môi trường vùng nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cần phát triển các vùng nuôi trong vùng quy hoạch, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, có thể mở rộng diện tích nuôi ra các vùng biển mở, vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu lớn; chuyển đổi ngành nghề cho người dân đang nuôi ở các vùng chưa theo đúng quy hoạch chung; siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Đồng thời, cần tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi. Đối với người nuôi cần chủ động, mạnh dạn đầu tư công nghệ, quy trình sản xuất hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi. Đặc biệt chú ý áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học. Có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, để bảo vệ môi trường vùng nuôi, cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình nuôi hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao chất lượng quan trắc và dự báo môi trường nuôi trồng thủy sản, duy trì và phát triển các điểm quan trắc môi trường. Thực hiện tốt chế độ báo cáo và chia sẻ thông tin quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động này. Có biện pháp nghiên cứu thay thế hoá chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác quản lý việc thu gom và xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, thu gom ra thải nhựa trên biển, đông thời thu gom rác thải và quản lý chặt nguồn nước thải trên bờ xả thải xuống biển..

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất