, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/02/2021, 15:28

Người Việt ở Canada đón Tết cổ truyền giữa đại dịch

TÔN THẤT HÒA (Canada)

Một năm nhiều biến động vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 được biết đến ở Canada vào giữa tháng 2/2020 và đến 17/03/2020 thì toàn tỉnh Ontario, nơi gia đình tôi sinh sống chính thức bị phong tỏa.

Gia đình anh Tôn Thất Hòa (Canada) với bánh Tét tự làm

Đến tháng 09/2020, khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, các hoạt động xã hội bắt đầu được tái khởi động, học sinh quay lại trường học cho năm học mới thì số ca nhiễm tăng nhanh trở lại. Cao điểm của đợt bùng dịch lần thứ hai này là từ cuối tháng 11 đến nay, với số ca nhiễm mới trên toàn tỉnh trung bình là 6.000 ca mỗi ngày. Chính quyền liên bang và tỉnh bang đã ra lệnh cho phong tỏa và giới hạn nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu để ngăn chặn lây lan, giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và cơ sở y tế vốn đã quá tải từ đầu đại dịch.

Tôi làm việc ở trường học, phụ trách về tư vấn tuyển sinh, định hướng giáo dục và nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh đến từ Việt Nam. Công việc của tôi may mắn không bị ảnh hưởng, vẫn được trả lương đầy đủ trong khi nhiều người khác bị cho nghỉ việc hoặc phải tìm công việc mới.

Hiện nay, Canada xếp thứ 24 trong danh sách các nước có số ca nhiễm nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Canada cũng là một trong những nước đầu tiên nhận được các lô vắc-xin Pfizer BioNTech, Moderna, AstraZeneca… và đã bắt đầu tiêm ngừa. Số vắc-xin Canada đặt mua từ các nhà sản xuất nổi tiếng trên toàn thế giới nhiều hơn dân số hiện nay của đất nước (khoảng 38 triệu dân). Hy vọng đại dịch sẽ được khống chế và cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021 này.

Vẫn cố gắng đón cái Tết tươm tất

Mỗi năm, cộng đồng người Việt Nam ở Canada nói chung có nhiều lễ hội đón Tết truyền thống xa quê. Tùy theo mỗi nơi có đông hay ít đồng bào Việt Nam, quy mô tổ chức cũng có khác. Ngày Tết Việt Nam ở Canada không phải là ngày lễ lớn của cả nước nên mọi người vẫn phải đi làm, học sinh, sinh viên vẫn đi học. Các hoạt động đón năm mới truyền thống thường được chọn tổ chức vào ngày cuối tuần trước khi Tết đến để mọi người đều có thể tham gia. Bà con tập trung tham gia các hoạt động vui chơi như bầu cua tôm cá, múa lân múa rồng, ăn các món truyền thống như bánh chưng, bánh tét, hạt dưa, mứt gừng và giao lưu văn nghệ. Đây cũng là dịp mọi người mặc áo dài, đội khăn đóng chụp hình lưu niệm cùng đồng hương để nhớ về quê hương.

Các chùa và nhà thờ do cộng đồng người Việt Nam phụ trách cũng có lễ đón Giao thừa theo giờ của Canada. Bà con cũng tập trung để làm lễ cầu an trong năm mới, có đốt pháo, múa lân, có lì xì, chúc mừng năm mới.

Năm nay, do đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại nên tất cả các hoạt động tổ chức lễ hội hay gặp gỡ đồng hương, bạn bè sẽ phải gác lại theo lệnh của chính phủ Canada. Mọi hoạt động sẽ chỉ quây quần bên trong mỗi gia đình.

Ở mỗi gia đình, tùy theo hoàn cảnh mà đón Tết. Các gia đình, như gia đình tôi chẳng hạn, vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng, bánh tét, nấu thịt kho, chả giò và cũng lì xì cho hai con nhỏ như khi còn ở Việt Nam. Tôi vẫn duy trì việc cúng đưa Ông Táo, cúng đón Ông Bà trưa 30 Tết. Đêm Giao thừa theo giờ Việt Nam, chúng tôi thường gọi điện về cho hai gia đình lớn ở quê nhà để chúc Tết. Trong gia đình tôi, truyền thống Tết của cha ông vẫn được duy trì, gìn giữ. Tôi nghĩ các gia đình Việt Nam khác ở Canada nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đều như vậy.

Tết năm nay, chỉ biết cầu mong cho mọi người, mọi nhà năm mới được bình an, sức khỏe, thịnh vượng. Cầu mong dịch bệnh sớm chấm dứt để sang năm sẽ có nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi, được về quê hương đón Tết. Không đâu cho bằng quê nhà!

TÔN THẤT HÒA (Canada)

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất