, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 04/01/2022, 07:30

Người xa xứ giữ hồn trống Đọi Tam

ĐỨC QUÂN - NHƯ QUỲNH
Dù tha hương, nhưng ông Lê Ngọc Hiển (58 tuổi, quê xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vẫn luôn gắn bó với nghề làm trống Đọi Tam của quê mình. Hơn 24 năm an cư lập nghiệp tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, giờ đây cơ sở sản xuất trống của ông Hiển đã vang xa và được nhiều người biết đến.
Những chiếc trống Đọi Tam được ông Hiển xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Lập nghiệp nơi xa xứ

Chúng tôi gặp ông Hiển trong căn nhà rộng khoảng 100m2, xung quanh bao phủ hàng trăm chiếc trống với đủ loại kích cỡ khác nhau được bố trí một cách gọn gàng, ngăn nắp. Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, cái nôi của làng nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng. Do điều kiện kinh tế khó khăn, ông Hiển học đến lớp 7 thì nghỉ và dần dần đi theo con đường làm trống của gia đình.

Năm 18 tuổi ông được gọi nhập ngũ vào một đơn vị ở thành phố Huế, sau đó tiếp tục chuyển công tác vào huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hơn 10 năm gắn bó với môi trường quân đội, ông được xuất ngũ về quê. Thấy mảnh đất Quảng Nam có thể phát triển nghề làm trống, cưới vợ xong ông quyết định cùng gia đình vào đây mưu sinh.

Những ngày đầu, hai vợ chồng ông thuê phòng trọ để ở và mở một xưởng làm trống nhỏ chưa đến 20m2. Vừa làm trống, ông vừa lặn lội đi khắp nơi chào hàng. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm trống, ông Hiển đã dần góp tiếng vang cho chiếc trống Đọi Tam.

“Làm trống đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, chăm chút. Đặc biệt muốn cho ra một chiếc trống “có hồn” thì người thợ phải có khả năng cảm âm tốt và có niềm yêu thích, say mê với âm hưởng của tiếng trống thì mới cho ra một sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Mỗi chiếc trống lại có kích cỡ, độ vang khác nhau tùy vào yêu cầu của khách hàng, vì thế thời gian để hoàn thành một sản phẩm cũng khác nhau. Có cái 2 ngày, cái đến cả tháng”, ông Hiển chia sẻ.

Gặp khó bởi đại dịch và truyền nhân

Những năm qua, ngày càng nhiều người biết đến trống của ông Hiển. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của ông Hiển làm ra 70 - 80 chiếc trống Đọi Tam, bán cho các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM… Tại cơ sở của ông Hiển, trống có kích thước nhỏ trị giá 60 nghìn đồng, trống trung bình từ 3 - 5 triệu đồng, có những chiếc trống hơn 100 triệu đồng. Nhờ vào nghề làm trống Đọi Tam tổ tiên để lại, mỗi năm ông thu về hơn 200 triệu đồng, giúp gia đình ngày càng khấm khá.

Anh Khải - con ông Hiển đang nối nghiệp làm nghề trống của cha.

Nhưng hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cơ sở làm trống của ông Hiển cũng vắng lặng hơn. Trống chủ yếu bán vào các dịp lễ, Tết. Nay dịch bệnh không được tụ tập đông người nên các lễ hội cũng tạm dừng, khiến việc buôn bán trở nên rất khó khăn. Hầu hết thợ thầy đã về quê, mỗi ngày chỉ còn ông Hiển và con quần quật làm trống, sửa chữa trống hư hỏng, gia công trống cho người dân có nhu cầu để kiếm thêm thu nhập trong thời dịch. “Những năm trước, vào dịp Tết Trung thu làm không kịp bán cho khách, giờ thì chất đống đầy nhà. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi để cơ sở sớm trở lại hoạt động như lúc trước” - ông Hiển tâm sự.

Anh Lê Ngọc Khải (24 tuổi, con ông Hiển) vừa xuất ngũ được 2 năm nay. Từ nhỏ anh đã được ba truyền nghề cho nên mọi công đoạn làm ra chiếc trống anh đều am hiểu. “Nghề làm trống rất nặng nhọc, suốt ngày tiếp xúc với bụi từ gỗ, mùi sơn, âm thanh tiếng trống… nên mỗi ngày tôi đều phải chăm chú học hỏi kinh nghiệm từng chi tiết từ ba để làm ra chiếc trống đạt chất lượng, chuẩn âm với mong muốn sau này sẽ giữ được cái nghề của tổ tiên” - anh Khải nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất