, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/12/2020, 10:56

Nguồn vốn lớn cho cuộc chơi lớn

THỤY KHUÊ

Với EVFTA - “con đường cao tốc” cho hàng hóa Việt vào thị trường châu Âu, các sản phẩm nông thủy sản (mà Việt Nam vốn có thế mạnh) hoàn toàn có khả năng chinh phục được một sân chơi lớn với quy mô dân số hơn 500 triệu người và GDP lên tới 15.000 tỉ USD. Nhưng tham gia cuộc chơi lớn, cần có tiềm lực tài chính dồi dào.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng.

Băn khoăn của Phó Thống đốc

Tại cuộc hội thảo về vấn đề này hồi cuối tháng 11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, muốn xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường EU, Việt Nam cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, cũng chính ông Tú cho biết, dư nợ dành cho lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Cụ thể, trong tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay (gần 9 triệu tỉ đồng), dư nợ tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn không lớn, chỉ khoảng 2,16 triệu tỉ đồng và dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao là một con số rất khiêm tốn, khiến cho lãnh đạo ngành ngân hàng “cũng rất suy nghĩ”: 27.000 tỉ đồng.

Vấn đề chuỗi liên kết trong nông nghiệp cũng là một trăn trở khác của vị Phó Thống đốc. Cách đây khoảng 5 năm, có 22 dự án chuỗi liên kết thí điểm được rót vốn mạnh mẽ; sau đó tiếp tục mở rộng ra một số doanh nghiệp; nhưng đến nay, dư nợ cũng mới chỉ ở mức 5.000 tỉ đồng.

“Rõ ràng, chủ trương của Đảng và Nhà nước rất ủng hộ; cơ chế chính sách không thiếu; các tổ chức tín dụng cũng đã có mạng lưới rộng khắp, vậy mà tại sao vốn vào 2 lĩnh vực nói trên vẫn chưa gia tăng được?” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu vấn đề.

Cần nói thêm rằng, không phải “nhà băng” thiếu vốn! Ông Nguyễn Minh Tú cho biết, theo chỉ thị của Thủ tướng, hiện nay các ngân hàng đã bố trí hai gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao với tổng giá trị 100.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được 27%.

Là người trực tiếp theo dõi công tác tín dụng cho nông nghiệp, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) giải thích, không phải ngân hàng không muốn cho vay vốn, mà do việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua còn gặp một số vướng mắc. Đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân vẫn xảy ra tương đối phổ biến. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả. Đó là chưa kể sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Khách quan mà nói, con số 46 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận trong cả nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,6% số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và 0,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỉ trọng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam cũng luôn ở mức thấp (khoảng 1% tổng vốn đầu tư). Dù đã nhận diện tầm quan trọng của liên kết, hợp tác giữa 6 nhà (Nhà nông, Nhà nước, Nhà băng, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và “Nhà” HTX/hiệp hội) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhưng trong nhiều trường hợp, quan hệ này còn thiếu chặt chẽ, bền vững; các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay…

Tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.790.536 tỉ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019; trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%. Trong đó, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỉ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

 

Các “Nhà” cùng nỗ lực

Với vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, đặc biệt là trước những biến động to lớn như đại dịch Covid-19 trong suốt một năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp vừa có nhiệm vụ đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước; tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho đất nước. Muốn làm tròn vai, việc chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất được đặt ra như một yêu cầu tất yếu. TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, cơ cấu sản xuất cần được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Cụ thể là tăng tỉ trọng các ngành, sản phẩm như thủy sản; rau, hoa, quả nhiệt đới; đồ gỗ và lâm đặc sản.

Bên cạnh đó, cần áp dụng các quy trình sản xuất theo chuỗi tiên tiến (VietGAP, Global GAP...); chuyển mạnh mẽ từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết quy mô lớn theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nông nghiệp hữu cơ. Một thuận lợi lớn hiện nay là EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA. Trong đó, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thuộc ngành hàng nông, thủy sản chiếm 62% (hàng rau quả chiếm 49%, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến và các sản phẩm khác chiếm 38%.

Nhưng cũng đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU nên mời các tổ chức chuyên môn đánh giá chất lượng sản phẩm của mình, cung cấp các chứng nhận “hợp khẩu vị” thị trường EU như chứng chỉ về sản phẩm hữu cơ, thương mại công bằng, sản phẩm bền vững. Tận dụng các hình thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số để thay thế các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống là một khuyến nghị đáng lưu ý khác.

Tất nhiên, trong khi ngành nông nghiệp nỗ lực làm mới mình để trở nên hấp dẫn hơn, thì các tổ chức tín dụng - bên cấp vốn - cũng không thể chỉ ngồi im chờ đợi khách hàng đến vay vốn. TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, các tổ chức tín dụng cần xây dựng, đổi mới chính sách và qui trình cấp tín dụng nông nghiệp - nông thôn đối với từng phân khúc khách hàng; đảm bảo đúng qui định nhưng đơn giản hóa thủ tục. Tổ chức tín dụng cũng cần thiết kế các sản phẩm đặc thù, nhất là sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị; cơ cấu lại các kênh phân phối và mạng lưới đại lý…

Nhiều chuyên gia cũng chia sẻ đề xuất về việc Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát tổng thể lại chính sách cho vay để xây dựng một nghị định riêng về cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam; xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự có chế tài xử lý cụ thể với chủ thể tham gia trong chuỗi khi vi phạm hợp đồng cam kết cũng như bộ quy tắc ứng xử (mẫu): các nguyên tắc thỏa thuận, ràng buộc; nghĩa vụ, trách nhiệm, khai trừ ra khỏi chuỗi… của các thành viên trong chuỗi giá trị của con tôm/cá tra/lúa gạo/rau quả theo văn bản mẫu. Sau khi thành viên trong chuỗi thảo luận, có thể điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp.

Về phần mình, các hiệp hội ngành hàng cũng cần phát huy vai trò bảo vệ lợi ích hợp pháp cũng như phân xử những xung đột lợi ích của các thành viên trong chuỗi giá trị.

EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA, trong đó sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thuộc ngành hàng nông, thủy sản chiếm 62% (hàng rau quả chiếm 49%, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến và các sản phẩm khác chiếm 38%.

 

THỤY KHUÊ

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất