, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 20/12/2020, 13:23

Nguồn vốn ngân hàng là "lực đẩy" kinh tế tập thể

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài trước đó.

 

Đóng góp nhiều hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng cả nước vẫn có 1.014 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác thành lập mới. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 HTX, trong đó hơn 54% HTX hoạt động có hiệu quả (năm 2012 con số này chỉ là 10%). Kinh tế hộ gia đình, cá thể đóng góp rất lớn vào GDP một phần là nhờ 6 triệu người tham gia HTX. HTX cung cấp đầu vào (giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ làm đất, gặt hái, bảo quản sau thu hoạch…); khâu trung gian (chuyển giao, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn kỹ thuật) và đầu ra là thu mua sản phẩm nông nghiệp nên đã giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, không bị tư thương ép giá, nhờ đó, thu nhập được cải thiện, hiệu quả sản xuất được nâng lên, đóng góp tới 30% vào GDP. Ngoài HTX, hiện cả nước có khoảng 101.500 tổ hợp tác, thu hút 1.341.000 thành viên tham gia, tăng hơn 57% so với năm 2003, doanh thu tăng 75,7% so với năm 2003. Theo báo cáo của Liên minh HTX, các HTX thu hút 1.215.000 lao động (báo cáo của 55/63 địa phương), liên hiệp HTX thu hút hơn 25.200 lao động. Đáng chú ý là thành viên HTX, tổ hợp tác có thu nhập ổn định và cao hơn so với những người không tham gia…

Theo tính toán, kinh tế tập thể đóng góp trực tiếp vào GDP một đồng, thì sẽ gián tiếp đóng góp vào GDP 2 đồng qua kinh tế hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ thì kinh tế tập thể đóng góp vào GDP 12%, gồm 4% đóng góp trực tiếp và 8% đóng góp gián tiếp. Tức là, đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP còn cao hơn cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tư nhân).

Vai trò của tín dụng

Để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là giảm 0,5% lãi suất trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó áp dụng đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ. Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/09/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó: (i) HTX và Liên hiệp HTX được các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 01 đến 03 tỷ đồng; (ii) các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% - 80% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết.

NHNN cũng đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các HTX như: (i) Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; (ii) Xây dựng và ban hành quy trình nội bộ, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ trong quá trình thẩm định cho vay qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; (iii) Nghiên cứu các sản phẩm, chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; (iv) Đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn...

Trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Agribank đã có nhiều giải pháp để các HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn trước. Nhờ vậy, dư nợ của Agribank tăng dần qua các năm. Bình quân dư nợ cho vay 01 HTX là 3,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của NHNN để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa, gạo, cà phê, thủy sản,... cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân.

Bên cạnh đó, Ngân hàng HTX Việt Nam (Co.opBank) cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là hỗ trợ chăm sóc thành viên Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) thông qua công tác điều hòa, cung ứng vốn cho các Quỹ khi cần thiết. Co.opBank mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng các dự án tài trợ quốc tế để cung ứng các sản phẩm thiết thực cho QTDND thành viên, trong đó phải kể đến việc ứng dụng, đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ core banking áp dụng cho các Quỹ, đưa thêm những công cụ chuyển tiền điện tử, thanh toán nội bộ giúp đa dạng hóa hoạt động, nâng cao uy tín thương hiệu cho hệ thống QTDND. Có thể nói, với vai trò là “trụ đỡ” cho sự phát triển của hệ thống các QTDND, trong năm 2019, huy động vốn và cho vay của Co.opBank đều đạt mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 10,07% và 2,82%. Trong đó, cho vay hệ thống QTDND chiếm tỷ trọng khoảng 28% tổng dư nợ của Co.opBank, hỗ trợ kịp thời nhu cầu mở rộng tín dụng của các QTDND hoạt động hiệu quả, an toàn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 1,41%. Co.opBank cũng tập trung triển khai dự án QTDND - Ngân hàng điện tử CF-eBank nhằm cung ứng và phát triển sản phẩm dịch vụ mới cho hệ thống QTDND…

Co.opBank là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Liên minh HTX Việt Nam, hoạt động của Co.opBank và hệ thống QTDND những năm qua đã góp phần cùng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX tiếp tục đổi mới, phát triển, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Tags

Bình luận


user-avt

Ca Mai

10:10, 13/10/2021

Tác giả quá xuất sắc khi phân tích vai trò vốn đối với kinh tế tập thể. Vì hiện nay khu vực kinh tế tập thể đang rất cần vốn để đẩy mạnh trong thời công nghiệp 4.0..

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất