, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 27/09/2022, 11:36

Nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh dịch lúc giao mùa

NGỌC DUNG
(nld.com.vn)
Dịch cúm, sốt xuất huyết, Adenovirus, COVID-19 đang lưu hành khiến nhiều người mắc cùng lúc 2-3 loại bệnh, thậm chí cùng mắc nhiều bệnh trong một thời gian ngắn

Những ngày qua, tại nhiều chuyên khoa nhi rơi vào tình trạng quá tải bởi lượng bệnh nhi đến khám hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy… tăng mạnh. Số bệnh nhi nhập viện tăng gấp 2-3 lần so với ngày bình thường.

Không chủ quan với dịch cúm

Theo PGS-TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết thời điểm này đang bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đã ghi nhận nhiều người đồng nhiễm từ 2-3 bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, COVID-19, thậm chí là Adenovirus. Vừa qua, các trường hợp nhập viện liên quan đến cúm, đặc biệt là cúm đồng nhiễm, rất cao, sau khi nhiễm COVID-19 rồi mắc cúm hoặc ngược lại.

PGS Thái cho biết có nhiều người nhiễm COVID-19 đến lần thứ 3, thứ 4 là bởi vì trong khoảng thời gian đó người ta bị cúm, khiến miễn dịch giảm, do vậy dễ lây nhiễm COVID-19 tiếp và dễ bị nặng hơn. Bản thân cơ thể chúng ta khi gánh một tác nhân (ví dụ virus cúm), có thể tiêu hao hết cả đội quân miễn dịch chống lại bệnh đó. "Do vậy, đến lúc nhiễm thêm tác nhân tiếp theo, cơ thể không còn miễn dịch để chống đỡ nữa, tình trạng bệnh nặng lên. Điều này không chỉ đúng khi đồng nhiễm Covid-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác nữa như sốt xuất huyết hay Adenovirus" - PGS Thái khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, gần đây số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đã có một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà bệnh viện tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy. Cụ thể, trường hợp này là bệnh nhân nữ (78 tuổi), ở Hà Nội. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ 3, với triệu chứng khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều, đờm trắng, nôn nhiều. Bệnh nhân được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.

Nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh dịch lúc giao mùa - Ảnh 1.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhân mắc cúm A nặng ở Hà Nội. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm. TS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay virus cúm có 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. Về mặt triệu chứng lâm sàng, bác sĩ Thư cho hay chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi. Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với COVID-19. Đây là việc đầu tiên chúng ta phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp.

Tiêm vắc-xin để giảm bệnh nặng

Tại Hội thảo khoa học cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa đông xuân năm 2022-2023 do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, PGS-TS Bùi Vũ Huy, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu xảy ra vào mùa đông với bất cứ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, mô hình bệnh cúm phần nào được thay đổi nên cúm mùa có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc cúm vào mùa thu - đông vẫn sẽ cao hơn nhiều so với các thời điểm khác. Cũng theo chuyên gia, cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong.

PGS-TS Phạm Quang Thái cũng nhấn mạnh về hệ lụy khi đồng nhiễm cúm với một bệnh truyền nhiễm khác. "Nếu cùng đồng nhiễm 2-3 bệnh, nguy cơ bị nặng rất cao và khó khăn trong việc chỉ định dùng thuốc điều trị, bởi thuốc sử dụng được cho bệnh này nhưng lại không sử dụng được với bệnh kia" - ông nói. Do vậy, chuyên gia này cho rằng bằng mọi cách phải giảm nhiều nhất nguy cơ có thể, ví như cúm hay COVID-19 có thể dùng vắc-xin; các bệnh khác có thể dùng phương án vệ sinh phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc… Tất cả các biện pháp vừa đặc hiệu, vừa không đặc hiệu sẽ giúp cho việc bảo vệ sức khỏe nói chung. Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng cúm, vắc-xin COVID-19 mũi nhắc lại. "Không vắc-xin nào bảo đảm 100% vấn đề bảo vệ nhưng điều quan trọng nhất cho tới thời điểm này là các vắc-xin đều bảo đảm phòng các tình trạng nặng, tử vong và nhập viện" - PGS Thái nhấn mạnh.

Bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết virus cúm A và B thường gây ra những đợt bùng phát bệnh ở người theo mùa (nên thường được gọi là cúm mùa). Virus cúm A là virus cúm duy nhất được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm, như những lần dịch cúm toàn cầu. Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo để phòng bệnh thì tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất