, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/01/2019, 17:16

Nguyên tắc trong hợp tác xã

NGUYỄN TRỌNG KHÁNH

Tiếp thu, vận dụng những nguyên tắc trong HTX liệu có phải chỉ là lý thuyết, giáo điều hay chính là điều kiện tiên quyết để phát triển HTX?

Khi nhắc đến các nguyên tắc của Hợp tác xã (HTX), người nghe, những người hoạt động trong lĩnh vực HTX, đa phần đều có cảm nhận đã biết rồi, quá quen thuộc. Nhiều người thậm chí còn cho rằng đó là những lý thuyết, giáo điều. Tuy nhiên, trên thực tế, để hiểu rõ và áp dụng, chuyển hóa những nguyên tắc đó vào các hành động cụ thể trong quá trình xây dựng và phát triển HTX thì không phải ai cũng làm tốt.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết mong muốn giới thiệu một số nguyên tắc trong HTX đã và đang được áp dụng, cải thiện từ khi ý tưởng về HTX được ra đời ở nước Đức vào thế kỷ thứ 19 do ngài Friedrich Wilhelm Raiffeisien sáng lập. Bài viết cũng giới thiệu về việc áp dụng và biến những nguyên tắc đó thành những hành động cụ thể thông qua một vài ví dụ từ các HTX ở Philippines, một đất nước có sự phát triển gần tương đồng so với Việt Nam.

Những nguyên tắc trong HTX

Nguyên tắc nền tảng/nguyên tắc thành lập: Nguyên tắc khuyến khích, thúc đẩy các thành viên.

Khuyến khích, thúc đẩy các thành viên ở đây được hiểu một cách đơn giản, là: khi một nhóm người có chung nhu cầu hoặc vấn đề cần giải quyết mà họ không thể hoặc không muốn nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài, thì họ tập hợp lại với nhau.

Lúc này, điều quan trọng đầu tiên là họ cần đối xử, hợp tác với nhau trên tinh thần tương trợ, khuyến khích và thúc đẩy lẫn nhau để giải quyết nhu cầu chung, giải quyết những khó khăn chung và cùng nhau phát triển. Nguyên tắc này được coi là bất di bất dịch đối với các HTX.

Nguyên tắc này được các HTX tại Philippines áp dụng trên thực tế thông qua các dịch vụ mới, có thể là dịch vụ tài chính, dịch vụ nông nghiệp (tạo khu vườn mẫu, khuyến khích các thành viên tham gia hoạt động nông nghiệp), dịch vụ tiêu dùng. Hoặc chỉ đơn giản khi HTX có việc thì mỗi người đều tham gia hỗ trợ, thực hiện trên tinh thần xây dựng. Mấu chốt ở đây là họ luôn khuyến khích lẫn nhau để cùng phát triển.

Những nguyên tắc cơ bản:

* Tự lực (Self-Help): Tự lực là tự vận động, chủ động “cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Khi một nhóm người có chung nhu cầu ngồi lại với nhau để tự giải quyết nhu cầu và khó khăn của mình, họ chủ động làm việc theo một ý tưởng chung, một nguyên tắc chung mà không trông đợi vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

HTX đa dịch vụ Lamac ở Philppines được thành lập vào năm 1973 ở một vùng núi không đường, không điện, không nước sạch, bởi 70 người nông dân với số vốn khởi điểm chỉ PHP 3.500 (tương đương 70 USD tại thời điểm đó). Mục đích ban đầu của họ là để cung cấp những nhu yếu phẩm cơ bản cần thiết cho các gia đình.

Để có thêm tiền hoạt động, ban đầu HTX Lamac đã tổ chức các nhóm đi hát thánh ca tới từng nhà để gây quỹ. Sau đó, họ cử các thành viên trong HTX tham dự những cuộc thi dành cho nông dân và HTX do các tổ chức chính phủ hoặc xã hội dân sự tài trợ, qua đó dành các giải thưởng để có tiền phát triển thêm dịch vụ.

Tuy có những bước ban đầu khó khăn như vậy, nhưng hiện nay, HTX Lamac đã xây dựng được một khu nghỉ dưỡng lớn, phát triển được những dịch vụ tín dụng, tiêu dùng, nông nghiệp cho các thành viên. Điểm nổi bật là họ còn xây dựng riêng trường đào tạo về HTX để con em của các thành viên tới học nhằm tiếp tục phát triển HTX. Hiện Lamac có 95.000 thành viên, trong đó 15.000 là thành viên trẻ.

Ngoài HTX Lamac, các HTX ở đây rất chủ động trong việc tự giải quyết vấn đề mình đang gặp phải, họ chủ động bàn bạc đưa ra giải pháp, hướng phát triển, hoặc chủ động tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này thể hiện rõ tinh thần “Tự trợ giúp”.

* Tự quản lý (Self - Governance): Tự quản lý là việc mọi kế hoạch cần được xây dựng bởi chính các thành viên của HTX. Họ tự xây dựng điều lệ, kế hoạch, tự vận hành các hoạt động trong kế hoạch đó để đạt được mục tiêu chung.

Trong chuyến khảo sát các HTX tại Philppines, người viết được nghe các HTX trình bày về thực trạng, những khó khăn đang gặp phải. Có một điều thú vị, là khi các HTX trình bày về những khó khăn của mình, ngay sau đó, họ đưa ra các giải pháp để giải quyết những khó khăn của mình gồm: giải pháp nhằm tự giải quyết, giải pháp cần tới sự hỗ trợ của bên ngoài để có thể giải quyết vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn.

* Tự chịu trách nhiệm (Self - Responsibility):

Ban Quản trị HTX chịu trách nhiệm trước các thành viên về những hoạt động đã được các thành viên ủy quyền. Quan trọng nhất là sự cam kết, tự chịu trách nhiệm của các thành viên. Các thành viên cần thể hiện rõ sự cam kết đối với sự phát triển của HTX, điều đó thể hiện qua việc cùng nhau đồng hành trong những lúc thành công cũng như khó khăn của HTX.

Một ví dụ thường thấy ở Việt Nam là người dân chỉ muốn tham gia vào HTX khi thấy HTX phát triển, còn khi HTX gặp khó khăn hay thua lỗ thì họ rời bỏ HTX chứ không chịu trách nhiệm với những khó khăn mà HTX đang gặp phải.

Đối với các HTX tại Philippines ở ví dụ kể trên, khi chúng tôi hỏi trong trường hợp các HTX đưa ra những giải pháp cần tới sự hỗ trợ từ bên ngoài mà không được đáp ứng thì giải quyết thế nào, các HTX đều trả lời rằng: “Có thể sẽ mất thời gian, tốn nguồn lực hơn, nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau tự giải quyết vấn đề của mình nếu như không có sự hỗ trợ từ bên ngoài”.

Nguyên tắc phát triển bền vững:

Xác định sự gắn kết trong hoạt động của HTX và thành viên theo hai chiều. Điều này được hiểu đơn giản là khi một nhóm người đã tự nguyện ngồi lại với nhau thành lập ra HTX để phục vụ cho nhu cầu của họ thì họ cần tương tác và thúc đẩy nó ngày càng lớn mạnh để phục vụ tốt hơn những nhu cầu của thành viên.

Cụ thể như việc cam kết sử dụng các dịch vụ mà HTX cung cấp. Các thành viên cần đảm bảo tuân thủ những giao dịch đã thỏa thuận với HTX, tránh tình trạng đã cam kết sử dụng dịch vụ nhưng không thực hiện.

Ví dụ, thành viên đã cam kết cung cấp sản phẩm cho HTX, nhưng khi thấy giá thị trường cao hơn thì lại bán ra ngoài mà không giao hàng cho HTX. Việc không thực hiện cam kết sẽ khiến HTX mất uy tín với đối tác, không đảm bảo được chi phí cần thiết để duy trì hoạt động và phát triển. Sự tương tác hai chiều là tổng hợp của các nguyên tắc tự lực - tự quản lý - tự chịu trách nhiệm của các thành viên trong HTX.

Một ví dụ về các HTX tại Philippines sẽ làm rõ hơn về sự tương tác này. Cụ thể, các thành viên của HTX Lamac sẵn sàng không nhận phần được chia lãi trong một khoảng thời gian nhất định, họ quyết định góp phần tiền đó để HTX đầu tư xây dựng từng phần của khu nghỉ dưỡng mới, xây dựng các trang trại hữu cơ mẫu, hay trường đào tạo HTX. Các HTX ở Philippines đều có cách làm tương tự.

Hiểu, tuân thủ, thực hiện các nguyên tắc của HTX không chỉ đơn thuần là lý thuyết. Thực tế cho thấy việc đưa vào áp dụng các nguyên tắc này ở các nước phát triển, hay như các nước đang phát triển trong khu vực đã tạo ra sự phát triển rõ rệt trong lĩnh vực HTX.

Hiện nay, việc hiểu, thực hiện và áp dụng những nguyên tắc HTX, bao gồm các nguyên tắc theo Luật HTX 2012, các nguyên tắc theo Liên minh HTX Thế giới hay theo Liên đoàn HTX CHLB Đức chưa đạt hiệu quả tại Việt Nam.

Có một thực tế, khi những người nông dân, những cán bộ HTX, thậm chí những cán bộ thuộc các cơ quan chức năng hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phát triển HTX ở Việt Nam được hỏi về những khó khăn và giải pháp cho những khó khăn, câu trả lời đa phần sẽ là: Cần có sự hỗ trợ của một cơ quan nào đó! Vì thế, theo tôi, điều kiện tiên quyết để phát triển HTX tại Việt Nam là đào tạo để có thể đưa vào thực tiễn những nguyên tắc của HTX.

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất