, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 18/11/2021, 10:15

Nhà kính trồng cà chua tại Pháp

TƯỜNG NGUYỄN
Những dãy nhà trắng tinh tươm, những vòm lá xanh mát dịu và những chùm quả đỏ au treo lủng lẳng trên cành… mọi thứ đều sạch sẽ, chỉn chu, trông tựa như đang lạc vào khu vực phòng thí nghiệm y khoa. Toàn cảnh mặt bằng của ngành công nghiệp trồng cà chua nhà kính thế hệ mới là thế.

Nơi đây, theo ông Laurent Bergé, Chủ tịch Hiệp hội Tổ chức các nhà sản xuất cà chua và dưa chuột quốc gia Pháp (AOPN), hiện cung cấp ra thị trường hơn 85% sản lượng cà chua toàn nước Pháp, một quốc gia mà người dân tiêu thụ cà chua ở mức khoảng 13kg/người/năm.

Những năm gần đây, các chủ nhà kính này đã nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp canh tân theo quy trình ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, như đa dạng hóa chủng loại, nghiên cứu hương vị quả nhằm đáp ứng sở thích của người tiêu dùng, sử dụng côn trùng diệt sâu bọ thay dần cho thuốc hóa học, tiết kiệm nước tưới, sử dụng phần mềm tính toán để giảm lượng tiêu thụ năng lượng, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo…

Tất cả những thay đổi đa dạng nói trên nhằm mục đích đưa quả cà chua thoát khỏi hình ảnh một “sản phẩm sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp” - nếu chỉ trông thấy từ xa toàn cảnh những khu nhà kính bí ẩn - và sản xuất rau củ không thuận theo tự nhiên qua các loại rau quả trái mùa.

Song, phương pháp canh tác này vẫn bị chỉ trích từ những nhà bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, những khu nhà kính bề thế kia hoàn toàn không phải là những cấu trúc đơn giản được dựng lên trên những cánh đồng.

Nhìn lại quá khứ

Tại Pháp, mọi người đều công nhận rằng “ông tổ” của người sản xuất nông sản bằng canh tác nhà kính như thế chính là những người trồng rau màu của thủ đô Paris vào thế kỷ 19. Thời đó, họ dựng nên những giàn khung có kết những “quả chuông thủy tinh” để trồng rau trong đó, với mục đích là tăng sản lượng trên cùng một diện tích canh tác nhỏ và để có được sản phẩm trái vụ bán đắt tiền hơn, kiếm lời nhiều hơn. Ông Laurent Bergé, một nông dân trồng theo kiểu nhà kính, giải thích: “Mô hình trồng trọt trong nhà kính đã ra đời như thế, với mục đích là để có sản phẩm trái vụ bán ra thị trường Paris”.

Nhà kính trồng cà chua là những cấu trúc đồ sộ và phức tạp được dựng lên trên những cánh đồng. Nhà kính vận hành tiêu hao năng lượng nhiều và gây ô nhiễm nên bị các tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích. (Nguồn: Reporterre)

Tuy nhiên, khi đó “nhà kính” chỉ mới còn là những khung giàn có độ cao thấp. Đến thập niên 50 - 60 thế kỷ 20, chiều cao mới được nâng lên, bắt đầu từ các nhà vườn ở miền Nam, nơi được xem là “vựa cà chua” của nước Pháp nhờ khí hậu nắng ấm. Sau đó là đến vùng Bretagne ở miền Tây nhảy vào cuộc. Kết quả là đã có hơn một nửa sản lượng cà chua tiêu thụ trên toàn nước Pháp vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước được sản xuất tại Bretagne, và hẳn nhiên là được trồng trong nhà kính. Đến thập niên 80, phương pháp thủy canh ra đời, với hai thương hiệu nổi tiếng cung cấp rau trồng thủy canh cho các siêu thị là Hợp tác xã Savéol (1981) và Công ty rau củ quả Les paysans de Rougeline (1990).

Cũng từ đó, chiều cao của các khu nhà kính không ngừng được tăng lên (đến hiện nay là 7,5m), và càng ngày càng được hiện đại hóa: tăng cường độ chiếu sáng, tiết kiệm tối đa năng lượng, không sử dụng chất bảo vệ thực vật. Mấy năm trở lại đây, là việc phát triển hệ mạch cảm biến để theo dõi quá trình sinh trưởng của cây nhằm theo dõi xem chúng có bị stress hay không và để biết được thời điểm nào thì cây cần được sưởi hoặc tưới nước…

Đến đầu năm 2000, vùng Bretagne đã có thể hãnh diện đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới, với những khu nhà kính kỹ thuật cao thuộc thế hệ mới nhất.

Cơ sở hạ tầng nhà kính rất “ngốn” năng lượng

Trung tâm kỹ thuật liên ngành về rau củ quả của Pháp (CTIFL) đã đánh giá tổng lượng tiêu thụ điện năng của các nhà kính là 3,3Twh (Terawatt giờ) vào năm 2016, tức nhiều gấp ba lần lượng điện tiêu thụ của thành phố Lyon. Tuy nhiên, có điều đáng mừng là mức tiêu thụ điện để trồng ra được 1kg cà chua đã giảm 25% cũng vào năm 2016 nhờ sản lượng của các nhà kính đã tăng, có thể lên đến 60kg/m2. Thêm nữa là 3/4 số lượng nhà kính được sưởi bằng gaz, một nguồn năng lượng hóa thạch.

Kỹ thuật trồng trong nhà kính cần rất nhiều nhân công nên được xem như nguồn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động và giúp phát triển kinh tế. Hiệp hội của ông Bergé cho biết đã tuyển dụng được 6.000 lao động từ các tổ chức thành viên. Hợp tác xã Savéol là đơn vị tuyển nhiều lao động đứng thứ ba tại vùng Bretagne vào năm 2017 và vùng này cũng được chính quyền địa phương ưu ái trong việc cấp phép mở rộng quy mô nhà kính, đến nỗi những chủ nhà kính được gọi là những “lãnh chúa” trong vùng.

Cửa sông Elorn ở vùng Bretagne bị ô nhiễm nguồn nước do chất thải chứa đầy nitrate từ các khu nhà kính trồng cà chua. (Nguồn: Reporterre)

Tuy nhiên, có một tổ chức bảo vệ môi trường đã lên án mô hình trồng trọt bằng nhà kính trong vùng Bretagne, đó là tổ chức mang tên À quoi ça serre? (tạm dịch: “Nhà kính để làm gì?”). Những thành viên của tổ chức này kiên quyết đưa ra ánh sáng hiện trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các nhà kính. Họ đã phát hiện ra những nguồn nước thiên nhiên bị ô nhiễm; họ thu thập dữ liệu trong những khu đất chứa chất thải từ nhà kính là thân cây sau thu hoạch xen lẫn với những khung giá đỡ bằng nhựa. Tất cả hỗn hợp chất thải đó thấm đầy loại dưỡng chất cho cây cà chua phát triển, đặc biệt là chất nitrate.

Trước tình hình đáng báo động do tổ chức À quoi ça serre? nêu ra và kiến nghị, chính quyền địa phương đã đóng cửa các khu nhà kính có liên quan. Hồ sơ được chuyển lên cấp trên có thẩm quyền. Cuối cùng, vào tháng 7/2021, tổ chức bảo vệ môi trường nói trên cũng đạt được một giao ước từ các chủ nhà kính về việc xử lý các khu chất thải lộ thiên. Ông Franck Oppermann, một thành viên của tổ chức À quoi ça serre?, xác nhận: “Đã có những tiến bộ trong việc cải thiện tình hình, các chủ nhà kính giờ đây không còn có quyền tự do muốn làm gì thì làm như trước nữa. Chúng ta sẽ không cấm các khu nhà kính hoạt động, mà chỉ yêu cầu họ tuân thủ đúng quy định”.

Cuối cùng, sáng lập viên của tổ chức À quoi ça serre?, ông David Derrien, nêu đề xuất: “Chúng ta có thể di dời các khu nhà kính trồng cà chua ra khu công nghiệp hơn là đặt chúng trong vùng nông thôn”.

Vẫn chưa biết đề xuất này được tiếp nhận như thế nào.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất