, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 22/03/2022, 09:33

Nhà máy đường “cầu cứu” nông dân vì thiếu hụt mía

LÊ KIÊN dịch
(Nguồn: Kathmandu Post)
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu mía, chủ các nhà máy đường ở Nepal đã quay sang cầu cứu nông dân khi họ quyết định chuyển đổi cây trồng.
Cây mía là cây trồng chủ lực của nông dân vùng Tarai, Nepal - Ảnh minh họa

Mệt mỏi vì thường xuyên phải đi đòi tiền các chủ nhà máy đường, nông dân trồng mía ở Rautahat, Nepal quyết định chuyển đổi mô hình từ trồng mía sang trồng các loại cây khác, dẫn đến sản lượng cây mía sụt giảm nghiêm trọng.

Một người dân ở Rautahat cho biết: “Sau khi chúng tôi chuyển đổi mô hình cây trồng, các chủ nhà máy đường đã trực tiếp đến gặp chúng tôi để thương lượng và động viên chúng tôi trồng mía trở lại. Họ cũng đưa ra các chương trình hỗ trợ khác nhau”.

Việc chủ các nhà máy đường ở vùng đồng bằng Tarai chậm trả tiền thu mua cho nông dân xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những người trồng mía thậm chí đã tổ chức các cuộc biểu tình để yêu cầu chủ nhà máy phải thanh toán tiền nợ. Những người nông dân ở Rautahat ngày càng trở nên thất vọng và họ quyết định chuyển đổi mô hình.

Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên do thiếu nguyên liệu là Nhà máy đường Baba Baijunath, đây là nhà máy duy nhất trong huyện đã thông báo ngừng hoạt động. Chủ nhà máy này cho biết, họ đã phải đóng cửa một tháng rưỡi trước khi kết thúc vụ ép do thiếu nguồn nguyên liệu.

Nhà máy tọa lạc ở thành phố Katahariya, có công suất ép khoảng 2.000 tấn mía trong một vụ và khoảng 20 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên năm nay, nhà máy buộc phải đóng cửa sớm sau khi chỉ ép được 600 tấn mía. Thông thường mùa ép bắt đầu vào tháng 2 và kéo dài đến giữa tháng 5.

Việc trồng mía ở các huyện phía đông Tarai đã giảm trong 6 năm trở lại đây do nhiều nhà máy đường không trả tiền đúng hạn cho nông dân. Ảnh: Kathmandu Post

Ông Baiju Babara - chủ sở hữu của Nhà máy đường Baba Baijunath cho biết, họ phải đóng cửa nhà máy này vì sản lượng mía trong huyện năm nay giảm. “Nhà máy thông thường hoạt động cho đến cuối tháng 4. Tuy nhiên do năm nay không có đủ nguồn nguyên liệu mía nên chúng tôi quyết định đóng cửa sớm hơn một tháng rưỡi”. Ông Baiju nói.

Shree Ram - một nhà máy đường khác ở quận Rautahat cũng đã đóng cửa được hơn một năm. Nhà máy này thành lập vào năm 1992, thu mua mía của nông dân ở Bara, Parsa và Rautahat, có công suất ép 300.000 tấn mía trong một vụ.

Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường - ông Kapil Muni Mainali cho biết: “Tất cả có 10 nhà máy đường đang hoạt động trên cả nước buộc phải đóng cửa vì thiếu mía. Cây mía từng là cây chủ lực thu lợi nhuận phổ biến của nông dân ở vùng phía nam Tarai. Thời gian gần đây, người dân đã bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây khác vì không thu được lợi nhuận cao từ việc trồng mía. Nhiều nông dân thậm chí phải bán mía theo hình thức tín dụng với giá rẻ mạt. Trước sự việc này, chính phủ và các chủ nhà máy đường đã làm việc cùng nhau để ấn định mức giá hỗ trợ tối thiểu cho nông dân”.

Theo thông tin từ cơ quan quản lý thị trường, giá mía ở Nepal đã không tăng đáng kể từ năm 2005, thế nhưng giá đường lại tăng từ 62 Rupi/kg lên 90 Rupi/kg trong vòng 3 năm qua.

Việc trồng mía ở các huyện phía đông Tarai đã giảm rõ rệt trong vòng sáu năm qua sau khi chủ các nhà máy đường thanh toán tiền không đúng thời hạn cho nông dân. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Rautahat, khoảng 6 - 7 năm trước có gần 18.000 nông dân tham gia trồng mía, tuy nhiên con số này đã giảm xuống còn 6.000 người trong thời gian gần đây. 

Với số lượng nông dân trồng mía liên tục giảm, chủ các nhà máy đường đã cố gắng thuyết phục động viên người nông dân quay trở lại trồng mía bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau. Thậm chí, họ đã thanh toán trước tiền mía cho nông dân trong vụ mùa này. Đại diện nhà máy cho biết họ đã xuất hóa đơn cho nông dân và đưa ra kế hoạch thanh toán sớm. 

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Rautahat - ông Ashok Jaiswal chia sẻ: “Họ cũng đã cung cấp giống và phân bón cho nông dân. Mới đây, nhà máy đã bàn giao một thiết bị máy thu hoạch mía, đây là loại máy hiện đại giúp bà con nông dân thu hoạch mía nhanh hơn”.

Ông Jaiswal cũng lạc quan chia sẻ thêm: “Sẽ có nhiều nông dân trồng mía hơn trong những năm tới. Trước đây, nông dân gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền nên họ đã ngừng trồng mía. Còn bây giờ khi được hỗ trợ, mọi thứ sẽ khác”. 

Với những nỗ lực từ chính phủ và chủ các nhà máy, ngành sản xuất đường của Nepal được kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực trong tương lai gần. Vụ thu hoạch năm nay, tổng sản lượng của tất cả các nhà máy đường trên cả nước đã đạt 120.000 tấn. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn và chỉ đạt 50% so với nhu cầu sử dụng đường hàng năm của Nepal là 350.000 tấn. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất