, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/08/2022, 19:00

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Thị trường mỹ thuật Việt có nhiều tín hiệu tích cực

HOÀNG LINH LAN
(www.phunuonline.com.vn)
Ngày càng nhiều tranh của các danh họa Đông Dương đạt kỷ lục trên các sàn đấu giá quốc tế. Thị trường mỹ thuật Việt cũng sôi động khi chứng kiến không ít tranh Đông Dương hồi hương, nhiều gallery ra đời khắp trong Nam ngoài Bắc với hàng loạt triển lãm của các họa sĩ trẻ đương đại.

Cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi - với hơn 30 năm nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương - mang đến thêm những góc nhìn về tranh Đông Dương nói riêng và hội họa Việt Nam nói chung.

Giá trị tranh Đông Dương từ nhiều yếu tố

Phóng viên: Thưa ông, vì sao khi nhắc đến mỹ thuật Việt Nam thì thế giới nghĩ ngay đến mỹ thuật Đông Dương?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, nền mỹ thuật Việt Nam rất sơ khai, không có trường mỹ thuật nói riêng và chúng ta chỉ có mỹ thuật phục vụ cho mục đích tôn giáo tín ngưỡng (tranh thờ). Khi ông Victor Tardieu và ông Nam Sơn thành lập trường, mỹ thuật Đông Dương tạo được một nền hội họa vừa Đông vừa Tây mà lại rất Việt Nam, thành một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác với nền hội họa Trung Quốc và Nhật Bản.Khi nhìn thấy tranh Đông Dương, người ta biết ngay là tranh Việt.

Thị trường tranh Việt bắt đầu phát triển khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Bức tranh đầu tiên được triển lãm ở ngoại quốc là Chợ gạo bên sông Hồng của ông Nguyễn Nam Sơn, được Chính phủ Pháp mua vào năm 1930. Cũng từ đây, ta dần dà có những triển lãm lớn. Triển lãm gây tiếng vang nhất trên toàn cầu là triển lãm Thuộc địa vào năm 1931 ở Paris do ông Victor Tardieu đưa một số tranh Việt ra nước ngoài.

Sau năm 1931, liên tục có những triển lãm cho đến khi Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa, Việt Nam bước vào thời kỳ chiến tranh. Từ đó, thị trường tranh quốc tế ngày càng vắng bóng tranh Việt, cho đến gần đây, tranh Việt dần trở lại và khai hoa.

Hiện nay, tranh Việt Nam, nhất là tranh thời kỳ Đông Dương, có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế. Các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s hay Christie đã đặt sàn đấu giá ở Hồng Kông nhằm thuận tiện cho việc tổ chức các phiên đấu giá dành cho tranh châu Á. Trong đó, tranh Đông Dương luôn chiếm vị trí quan trọng.

Vừa rồi, nhà đấu giá Sotheby’s đã bảo trợ để tổ chức một cuộc triển lãm phi lợi nhuận, quy tụ 56 tác phẩm của "Tứ kiệt trời Âu: Phổ, Thứ, Lựu, Đàm" (là các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm), một hình thức PR thương hiệu rất hiệu quả.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và mẹ - bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - bên tranh cha ông - họa sĩ Nam Sơn - ẢNH: HARRY NGUYỄN HÙNG CƯỜNG
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và mẹ - bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - bên tranh cha ông - họa sĩ Nam Sơn - Ảnh: Harry Nguyễn Hùng Cường.

* Vì sao có trường mỹ thuật trước các nước trong khu vực nhưng thị trường tranh Việt Nam mãi gần đây mới thu hút được các nhà đầu tư?

- Vì các quốc gia khác trong khu vực phần lớn đều không trải qua chiến tranh. Khi mỹ thuật Việt Nam bước vào giai đoạn chiến tranh cũng là lúc nó bước vào giai đoạn tuyên truyền, phục vụ chính trị chứ không đơn thuần chỉ là mỹ thuật nữa. Qua thời chiến, đất nước vô cùng khó khăn, người ta phải lo cơm áo hơn là nghĩ đến vấn đề mỹ thuật, nói rộng ra là chăm lo cho cái đẹp. Chỉ đến khi kinh tế phục hồi, đời sống người dân ngày một khấm khá, đời sống văn hóa và tinh thần phát triển hơn, các món ăn tinh thần mới bắt đầu được chú trọng. Việc sưu tập tranh cũng xuất phát từ đó. Dù non trẻ, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã và đang có nhiều tín hiệu vô cùng tích cực.

* Ngoài lý do hiếm hoi, theo ông, còn nguyên nhân nào khiến tranh Đông Dương liên tục lập giá kỷ lục như vậy?

- Trường Mỹ thuật Đông Dương có môi trường giáo dục rất khắt khe. Trường dạy theo giáo trình của Trường Mỹ thuật hàn lâm Paris, mỗi khóa chỉ chọn 10-11 người, đào tạo kỹ càng. Bạn có thể so sánh với những khóa đào tạo cả trăm người như hiện tại. Chính kỹ thuật khiến tranh Đông Dương trở nên có giá trị. Bên cạnh đó, tranh Đông Dương còn có bề dày lịch sử cũng như giá trị thời gian, những họa sĩ Đông Dương giờ đây đều đã tạ thế.

Một nguyên nhân khác, theo tôi, xuất phát từ việc một số tranh được vẽ và bán ra nước ngoài, lưu giữ và bảo quản tốt. Tranh trong nước còn lại thì vì nhiều lý do như thời tiết, chiến tranh… không được lưu giữ nhiều. Các nhà đấu giá thấy tranh Đông Dương là món béo bở nên đã tích cực tăng thêm giá trị cho nó. Đó là lý do tranh ngày càng lên giá.

Tranh của bộ tứ Phổ, Thứ, Lựu, Đàm có giá cao hơn tranh của các họa sĩ thời Đông Dương khác vì họ đến Pháp, có điều kiện sáng tác hơn. Chẳng hạn như Lê Phổ, khi sang Pháp đã ký hợp đồng với một gallery. Nghĩa là dù không muốn, ông cũng buộc phải vẽ. Điều này lý giải vì sao khoảng thời gian đó ông có rất nhiều tranh đồng thời giải đáp thắc mắc của nhiều nhà sưu tập: Tại sao Lê Phổ có rất nhiều tranh? Có phải tranh giả hay không?...

Dù vậy, theo tôi, giá trị của tranh Đông Dương so với giá trị tranh của các nước Đông Nam Á vẫn chưa bằng. Nếu không có nạn tranh giả, tranh nhái, tranh chép, giá trị của tranh Đông Dương sẽ còn lớn hơn.

Bên tranh Trần Vĩnh Thịnh - ẢNH: HARRY NGUYỄN HÙNG CƯỜNG
Bên tranh Trần Vĩnh Thịnh - Ảnh: Harry Nguyễn Hùng Cường.

Cần thúc đẩy thị trường minh bạch

* Trước khi Sotheby’s mở phiên đấu giá phi thương mại tại TP.HCM, Việt Nam cũng có bốn nhà đấu giá tại Hà Nội và TP.HCM. Theo ông, vì sao họ thất bại?

- Nên thẳng thắn với nhau rằng đấu giá tranh chỉ là một chợ tranh, do đó cần sự đơn giản, tập trung và hiệu quả. Người Việt mình có thói quen làm quá lên, rườm rà, tưng bừng. Thay vì tập trung vào đấu giá còn có đàn hát và nhiều thứ khác. Người ta cứ nghĩ rằng hoành tráng lộng lẫy thì sẽ thu hút nhưng chất lượng lại bị bỏ quên.

Tại sao các nhà sưu tập Việt không đến các nhà đấu giá trong nước mua tranh mà tìm đến các nhà đấu giá tại nước ngoài mua rồi lại tốn công sức vận chuyển về? Vì nhà đấu giá trong nước không có kinh nghiệm tổ chức và hét khống giá. Ví dụ tranh Phạm Hậu, không phải tranh nào cũng ở mức 100 - 200 ngàn USD hay 1 triệu USD. Khi tranh không bán được, nhà đấu giá cảm thấy khó chịu vì không hiểu tại sao mình đã cố gắng hết sức và với môi trường thuận lợi như vậy lại thất bại.
Chưa kể mánh lới nhà đấu giá bán tranh cho cò để tranh có giá cao, xong mang tranh ấy đem ra đấu giá tiếp để đẩy giá tranh.
 

Nhà sưu tập biết tất cả mánh lới đó. Họ đã trả lời bằng cách mua từ những nhà đấu giá uy tín thay vì từ nhà đấu giá trong nước. Tuy vậy, cũng không thể trách các nhà đấu giá trong nước vì so với những nhà đấu giá có bề dày lịch sử, kinh nghiệm, họ cần một quá trình để 
trưởng thành.

* Ông đánh giá thế nào về việc Sotheby’s mở triển lãm tại Việt Nam lần này?

- Theo tôi, đây là một sự kiện hiếm có, nếu không nói là phi thường. Điều đặc biệt là Sotheby’s chỉ bảo trợ, còn tất cả khâu tổ chức cũng như giám tuyển là người Việt, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Hơn nữa, vui nhất là 100% tác phẩm triển lãm lần này đều từ các bộ sưu tập trong nước. Đây là lần thứ ba Sotheby’s đặt chân vào Việt Nam. Hai lần trước không thành có thể vì thời điểm chưa chín mùi.

Lần này, chúng ta đã đạt được trên 3 triệu USD cho một bức tranh, chứng tỏ thị trường đã vững chắc hơn.
Nếu Sotheby’s có thể lập văn phòng tại Việt Nam, điều này sẽ kéo theo những đối tác, nhà đấu giá khác. Nếu thành công, điều này tốt cho thị trường mỹ thuật Việt Nam cũng như là cơ hội để các nhà đấu giá trong nước noi theo, tổ chức lại mô hình đấu giá cho đúng đắn. Thị trường tranh vô cùng sôi động, nếu để người nước ngoài vào làm thì thật tiếc.

* Muốn xác định tranh thật/giả cần có nhà chuyên môn độc lập thẩm định. Tìm người như vậy ở Việt Nam có khó không, thưa ông?

- Việt Nam có một số nhà thẩm định giỏi, chỉ là nhà sưu tập phải chịu khó một chút. Có một điều cần rạch ròi: Thẩm định tranh là một nghề. Càng có nhiều nhà thẩm định giỏi, thị trường càng phát triển.

Ở Pháp có giám định miễn phí nhưng khi bán được tranh, nhà sưu tập phải chi bao nhiêu phần trăm trên số tiền bán ra, điều này có ghi rõ trong hợp đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam không có quy chế, công ty gì cả. Để minh bạch và thúc đẩy thị trường, cần có những công ty giám định tranh, mang tranh đến giám định hoặc mời chuyên gia và phải có quy định về số phần trăm lợi nhuận cho công việc thẩm định của họ.

Thị trường hiện nay đang bão bùng sóng gió vì nạn tranh giả. Nhà sưu tập cần có kiến thức để tự bảo vệ mình. Họ cần có sự cố vấn của giám tuyển cũng như các nhà nghiên cứu, hỗ trợ họ trước những nghi vấn dù rất nhỏ.

Trong mọi chiến dịch, có một câu nói luôn đúng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nhất là trong thế giới nhập nhằng “lập lờ đánh lận con đen” như hiện nay. Như chúng ta đã biết, chỗ nào có lợi nhuận, chỗ đó sẽ phát sinh gian thương. Vấn nạn tranh giả là vấn đề nhức nhối trên thị trường tranh Việt Nam.

Một tác phẩm lúc nào cũng có lịch sử của nó, nhất là những tác phẩm có tiếng thường để lại những vết tích, như giấy chứng nhận, những bài báo… Càng có nhiều những tài liệu này, tác phẩm càng minh bạch, giá trị vật chất càng cao”.

- Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

* Rõ ràng thẩm định tranh là một nghề không ít cám dỗ kèm nguy hiểm?

- Tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp gửi tranh qua Facebook nhờ thẩm định. Nếu là bạn bè thân thiết, tôi có thể nói đôi chút nhưng nếu không quen thì không thể nói. Nó không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là cả quá trình học hỏi của mình. Hơn nữa, thẩm định tranh cần sự thận trọng và cân nhắc. Nếu nói không đúng, tên tuổi bao năm gầy dựng của mình sẽ theo đó mà mất đi. Xem tranh qua mạng khó lắm. Vì khi giới thiệu tranh, tên tuổi người thẩm định gắn liền với bức tranh, đi kèm danh dự và uy tín của họ.

Nhiều người muốn bán được tranh nên sẵn sàng trả tiền rất cao cho nhà thẩm định để họ khẳng định là tranh thật. Hình thức này còn góp phần giết chết thị trường mỹ thuật nhanh hơn nữa. Số tiền lớn đến mức đủ khiến mình phải suy nghĩ, nhất là khi mình đang muốn có điều kiện để sống thoải mái hơn. Song, tôi từ chối vì tôi đã rời bỏ thời trang để làm mỹ thuật, phải quyết tâm để lại những điều mình học hỏi với hình ảnh tốt nhất trước khi qua đời.

Tôi còn có nền tảng gia đình, dòng họ. Nếu tôi làm sai sự thật, cám dỗ không mang lại lợi ích gì cho tôi và nền mỹ thuật Việt. Đây là vấn đề không phải riêng tôi gặp. Tôi nghĩ đây là điều cần nói ra để có được thị trường minh bạch và bền vững.

Mỹ thuật Việt đương đại có nhiều tín hiệu tích cực

* Ở góc nhìn của ông, tranh Đông Dương có giá cao tác động thế nào đến thị trường mỹ thuật đương đại

-Hiện nay, tranh Đông Dương ngày càng hiếm. Một ngày nào đó, dòng tranh này sẽ vào tay các nhà sưu tập kỳ cựu và sẽ dần không còn lưu chuyển trên thị trường hoặc hiếm hoi lắm, thảng hoặc một vài bức sẽ được bán với một mức giá rất cao. Chúng ta sẽ có trên thị trường tranh hậu hiện đại, rồi tranh đương đại với mức giá vẫn còn có thể chạm đụng được.

Trong tình thế hiện nay, có thể ví von thị trường tranh Việt Nam hiện đang ở tuổi dậy thì trong khi thị trường tranh các nước trong khu vực vẫn đang phát triển lớn mạnh. Đây là lý do vì sao tranh của các họa sĩ đương đại ở các nước Đông Nam Á có giá từ một đến vài triệu USD nhưng tranh của họa sĩ Việt Nam thì có giá thấp hơn đến mười lần, thậm chí chỉ có giá ở vài thị trường. Nói lên điều này cũng để lặp lại rằng, vẫn còn cơ hội cho các nhà sưu tập tìm đến dòng tranh Đông Dương.

Bên tranh Nam Sơn - ẢNH: HARRY NGUYỄN HÙNG CƯỜNG

Hiện thị trường mỹ thuật đương đại trong nước khá sôi động. Mỹ thuật đương đại đang trong thời kỳ tìm cho mình một con đường bị bóng lớn của mỹ thuật Đông Dương che lấp đi. Tuy bây giờ mức độ so sánh giữa họ với các bậc tiền bối chưa đặc sắc lắm nhưng hiện vẫn có nhiều tài năng của mỹ thuật đương đại như Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương…

Thế hệ họa sĩ trẻ hơn thì đang tạo xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn chất liệu và phong cách. Họ luôn có những con đường đi mới. Các phòng triển lãm nở rộ, nhiều họa sĩ trẻ có năng lực xuất hiện. Có họa sĩ 26 tuổi vừa triển lãm đã được mua hết tranh ngay hôm khai mạc.

Một số nhà đầu tư cho rằng tranh Đông Dương quá đắt trong khi họ vẫn muốn đầu tư vào tranh và yêu nghệ thuật. Khi đó, mỹ thuật đương đại chính là sự lựa chọn. Đây là tín hiệu tích cực. Tranh đương đại vẫn ở trong tầm với và chúng ta có thể chứng nhận được đó là tranh thật vì họa sĩ còn sống. Trải qua một vài thế hệ sau, đó sẽ là những bức tranh có giá.

Phía người thưởng lãm và thế hệ trẻ, tôi nhận thấy họ có sự hứng thú và dành thời giờ đến xem triển lãm. Nhiều gia đình, quán cà phê hay các khách sạn giờ đây không còn treo tranh chép hay tranh bờ hồ. Đó là một điều đáng mừng khác về mặt nhận thức.

Tất nhiên, để thị trường mỹ thuật Việt Nam có thể phát triển và thu hút đầu tư, cần thêm thời gian rất dài và cần nhiều yếu tố khác liên quan đến thị trường (tính thanh khoản, sự minh bạch, cơ chế và cả sự bảo vệ của pháp luật).

* Việt Nam có không ít họa sĩ đương đại tài năng nhưng vẫn không được biết đến nhiều. Theo ông tại sao lại như vậy?

- Như tôi có chia sẻ ban đầu, nguyên nhân khiến thị trường mỹ thuật Việt gần như chững lại là do chiến tranh. Suốt khoảng thời gian đó, mỹ thuật Việt dường như rẽ sang một dòng chảy khác. Dù thị trường mỹ thuật của các quốc gia khác sinh sau đẻ muộn nhưng không vướng chiến tranh nên vẫn lớn lên và phát triển xuyên suốt trong khi Việt Nam, sau thời gian gián đoạn, đang quay lại xác lập vị trí trên thế giới. Đây chính là một trong những điều kiện phát triển tiên quyết.

Nạn tranh giả đang giết dần giết mòn thị trường tranh Việt Nam, do chính người Việt hại người Việt. Thực tế có những lò giả tranh Đông Dương mà chỉ người Việt mới có thể làm giả.

Vì sao ư? Vì căn tính Việt, tâm hồn Việt và tranh lụa thì người ngoại quốc, kể cả người Trung Quốc cũng không thể bắt chước. Các tranh giả hầu như đều do người Việt vẽ rồi đưa vào các phòng trưng bày thị trường quốc tế như Pháp hay Mỹ. Các nhà sưu tập lại tưởng đó là tranh đã được kiểm chứng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa phòng trưng bày, nhà môi giới và người chép tranh rất phức tạp. Nhiều nhà sưu tập mua phải tranh giả nên rụt rè, không muốn rót tiền khiến thị trường không lớn lên được.

Tại triển lãm Hồn xưa bến lạ ảnh: nhân vật cung cấp
Tại triển lãm Hồn xưa bến lạ. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Yếu tố thứ ba bắt nguồn từ giáo dục. Phải tập cho các doanh nhân có xu hướng và thói quen treo tranh trong nhà để thể hiện đẳng cấp. Tại các quốc gia phát triển, việc xem hay bình tranh tại bảo tàng đã có trong chương trình học từ thời mẫu giáo.

Tôi nghĩ Việt Nam cần những điều như vậy để không chỉ bảo vệ nền mỹ thuật mà còn là giáo dục về cái đẹp và tính thẩm mỹ.

Cuối cùng, pháp luật cần có cơ chế chặt chẽ để bảo vệ nhà đầu tư cũng như hạn chế nạn tranh giả, đảm bảo tính thanh khoản, minh bạch cho thị trường, tạo điều kiện cần thiết cho một thị trường nghệ thuật vững mạnh… bằng cách: phát triển bảo tàng tư nhân, cơ chế bảo hiểm tranh…

* Các họa sĩ trẻ cần chuẩn bị gì để có thể đưa tranh ra thế giới?

- Bản thân họ phải thực sự có khả năng. Họ cần tìm cho mình một con đường mới mẻ, những sáng tạo mới thoát khỏi cái bóng của những người đi trước. Thứ nữa, cần người có tiếng nói giới thiệu, quảng bá họ - ở đây là những tên tuổi trong nghề hoặc các gallery. Họ cần có năng lực sáng tác dồi dào, có sự kết nối, giao lưu với bạn bè quốc tế và các nước bạn qua các tổ chức, triển lãm để trau dồi và giới thiệu năng lực cũng như được đỡ đầu. Cuối cùng, phải thành thạo ngoại ngữ. Không biết tiếng, tranh đẹp cách mấy cũng rất khó để truyền đạt và giao tiếp.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất