, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/02/2023, 06:00

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: “Tranh cũng như người, đi ra ngoài thì tâm tình cũng muốn về”

DU NGUYÊN ghi
Tranh cũng như người, đi ra ngoài thì tâm tình cũng muốn về. Chỉ có trong nước, trong cái sinh quyển mà nó được tạo tác, nó mới trở thành một cái gì đó gần gũi và sống động trong chính số phận của nó.

Trước khi mẹ tôi (bà Ngọc Trâm - con gái ruột của họa sư Nam Sơn, người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương) mất, gia đình có một cuộc ngồi lại với nhau. Mẹ tôi nói: bất cứ người họa sĩ nào vẽ tranh, cũng mong muốn đứa con tinh thần của mình đến được với số đông công chúng thay vì cất kín một xó xỉnh nào đó không ai biết; nên gia đình mới có dự định hiến tặng tranh của ông ngoại cho một bảo tàng nào đó ở Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi.

Có một thực tế rằng, một số tác phẩm quý vẫn đang ở Việt Nam nhưng vì nhiều lý do, chúng ta cũng chưa bao giờ có cơ hội được nhìn thấy. Ngay cả tranh của ông ngoại Nam Sơn của tôi cũng không ngoại lệ. Ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, có một bức tranh vẽ người thiếu nữ Nhật, tuy nhiên, bức tranh đó không đại diện cho tác phẩm của ông. Những tranh đại diện cho ông thì tôi không giữ mà cậu - em mẹ tôi giữ, tôi cũng chưa có cơ hội được nhìn thấy. Nó đang ở đâu tôi không biết. Đó cũng là một hình thức lưu lạc theo một nghĩa nào đó. Sự lưu lạc ngay trên đất nước mình đã là một điều gì đó đau đớn rồi.

Trong những bức tranh mà mẹ tôi được thừa kế, có một tác phẩm có thể xem là xưa nhất mà ông ngoại tôi vẽ vào năm 1923, cũng là một trong những tác phẩm xưa nhất của mĩ thuật Việt Nam – thời điểm trước khi trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương ra đời vào năm 1925. Tác phẩm đã có mặt tại cuộc đấu xảo mĩ nghệ - có lẽ là đầu tiên do hội Khai Trí Tiến Đức của Phạm Quỳnh tổ chức. Khi đó, ông Phạm Quỳnh đã nhận xét nét vẽ của ông Nam Sơn khí “tây” quá (hơi tây) và “quyết không hợp với con mắt người Nam ta”. Dù không phải đại diện cho tác phẩm của ông ngoại tôi nhưng qua tác phẩm đó, để biết, vào năm 1923 ấy, Thang Trần Phềnh, Ngô Đặng Đĩnh và Nam Sơn là ba người đầu tiên có tranh triển lãm ở Hà Nội. Đó cũng là một dấu mốc trong lịch sử mĩ thuật mà đất nước đã đi qua. Quan trọng chứ.

Tuy nhiên, ở vị trí là người hiến tặng, gia đình lại đầy những băn khoăn, trăn trở và cũng chưa biết nên hiến tặng cho bảo tàng nào. Trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ tác phẩm của các bảo tàng tại Việt Nam chưa thực sự được như chúng tôi mong muốn. Đã từng có tiền lệ, bảo tàng là nơi khơi mào chuyện chép tranh hoặc gây ra những tai nạn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tác phẩm. Tranh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh được/ bị chép đi chép lại không biết bao nhiêu lần là một ví dụ. Bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cụ Nguyễn Gia Trí bị hỏng trong quá trình bảo tàng vệ sinh tác phẩm là một ví dụ. Hay một câu chuyện khác, chiếc ấn vàng có hàng chữ “Hoàng hậu Chi Bửu” của Nam Phương hoàng hậu được trưng bày tại Viện Bảo tàng lịch sử từng bị 2 tên trộm cùng 19 đồng bọn đánh cắp. Tôi không rõ, khi gia đình hiến tặng tranh của ông Nam Sơn thì tranh có được an toàn không. Bảo tàng có đủ cơ sở vật chất kĩ thuật và chế tài để bảo quản, trưng bày, gìn giữ nó hay không. Nếu tặng cho bảo tàng ở Pháp, ít ra nó sẽ được bảo vệ kĩ càng hơn. Nhưng nếu hiến tặng cho một nơi chốn khác mà không phải Việt Nam, tôi nghĩ, đó cũng là một hình thức lưu lạc, tranh không về được, châu không về được hợp phố. Mới nghĩ vậy thôi mà đã buồn.

Thời gian qua, câu chuyện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước. Kim ấn hồi hương – đó là một điều vui mừng cho chính vận mệnh, số phận của nó. Rất nhiều bảo vật, tranh, cổ vật quý của đất nước đã một đi không trở lại. Trong chuyện này, nếu dư luận không lên tiếng, chưa chắc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc… Để thấy, tiếng nói của chúng ta rất quan trọng. Tương tự, những vấn đề liên quan đến tranh giả cũng thế. Chúng ta vẫn phải nói dù việc đó có bé nhỏ và nhọc nhằn, thậm chí là vô vọng đến mức nào đi chăng nữa.

Là người sống nhiều năm ở nước ngoài, tôi thấy rõ tâm tình của mình lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ. Tranh cũng như người, đi ra ngoài thì tâm tình cũng muốn về. Chỉ có trong nước, trong cái sinh quyển mà nó được tạo tác, nó mới trở thành một cái gì đó gần gũi và sống động trong chính số phận của nó.

Khi nói chuyện này, tôi chợt nhớ đến tác phẩm Hoài cố hương – một bức tranh rất đẹp của ông Lê Phổ. Không biết giờ đây, bức tranh ở đâu trên quả địa cầu này? Người sở hữu nó là người Việt Nam hay người nước nào?

 
“Hoài cố hương”, tranh Lê Phổ.
 

Trong suốt cuộc đời của mình, dù định cư tại Pháp từ năm 1937 và không còn về thăm lại quê hương sau đó, nhưng họa sĩ Lê Phổ luôn đau đáu tinh thần “hoài hương” rất rõ. Trong tranh của danh họa này, con người hòa mình vào tự nhiên và thường xuất hiện những bông hoa. Một nhà phê bình mỹ thuật quốc tế từng nhận xét Lê Phổ thể hiện nỗi nhớ quê hương bằng hàng ngàn bông hoa.

“Tôi ở Pháp 60 năm nay, tôi mang quốc tịch Pháp nhưng không lúc nào tôi không nhớ đến quê hương. Vì thế tôi đã để riêng ra 20 bức tranh lựa chọn rất cẩn thận để biếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, Lê Phổ từng chia sẻ trong những năm cuối đời. Tiếc là ý muốn của ông tan tành mây khói.

“Hoài hương” được cho là tác phẩm cuối cùng của danh họa Thái Tuấn. Thái Tuấn quê Thanh Hóa, lớn lên ở Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, định cư tại Pháp. Những năm cuối đời, ông về sống tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi rời Thanh Hóa, Thái Tuấn không trở về lần nào nữa. Người ta hỏi ông vì sao?

Ông bảo, quê hương đã ở trong hầu hết tác phẩm của mình rồi. Quê hương ấy là một cõi mơ, cõi đẹp. Người ta kể lại rằng, mỗi lần nhớ quê, ông lại vẽ tranh. Bức tranh này là niềm hoài nhớ của một người con xa quê, là bức tranh cuối cùng của một danh họa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất