, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/02/2023, 07:00

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến: Những nhà quản lý văn hóa không có sự day dứt, không có hoài vọng...

ĐẬU DUNG thực hiện
Tranh xa xứ. Tranh lưu lạc. Tranh thất tán. Gọi bằng cách gì đi chăng nữa thì cũng chỉ những tranh không về, không được sống trong quê hương đã tạo tác ra chúng. Ở Việt Nam, mỗi lần nghe bên nước ngoài có đấu giá tranh Việt, lại thấy buồn không thôi. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến gọi đó là “những vẻ đẹp một đi không trở lại” của văn hóa Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964, bà Nguyễn Hải Yến “đầu quân” về Viện Mĩ thuật Việt Nam dưới thời ông Nguyễn Đỗ Cung mới được bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám giao làm viện trưởng viện này ở 35 Cao Bá Quát (Hà Nội), đồng thời thành lập và quản lý Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Công việc ban đầu của bà là đến Thư viện quốc gia chép tư liệu; sau đó nghiên cứu về lịch sử cổ đại, tham gia các buổi khai quật khảo cổ; rồi được phân công đi “săn lùng” các bức tranh cận đại, tìm cách “mua” về trưng bày và nghiên cứu trong bảo tàng. “Ăn” với tranh, “ngủ” với tranh từ đó tới nay.

Tranh Việt nhưng đâu còn của mình

Phóng viên: Mỗi lần đọc tin tức ở nước ngoài về các cuộc đấu giá tranh Việt, cảm xúc của bà ra sao?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: Có vui buồn và có cả mừng tủi. Vui mừng vì tranh nước mình được người ta biết đến, được ghi nhận. Tuy nhiên, lại hụt hẫng vì tranh Việt nhưng nó đâu còn của mình nữa.

Đã từng có những “cơ hội vàng” nào bị bỏ qua của văn hóa Việt Nam, thưa bà?

Nhiều nhưng có hai lần đáng tiếc nhất. Đức Minh (Bùi Đình Thản) là một nhà sưu tập rất nổi tiếng của Hà Nội. Trước khi ông mất, trong những năm cuối của thập niên 1960, ông từng bày tỏ mong muốn hiến toàn bộ bộ sưu tập lẫn căn nhà ở số 53 Quang Trung cho nhà nước với điều kiện lập một bảo tàng mang tên ông tại chính căn nhà đó. Đáng tiếc, ước muốn của ông không thành. Một bảo tàng mang tên bảo tàng Đức Minh thời đó là một điều xa vời. Bộ sưu tập quý “tan đàn xẻ nghé”, không còn tính hệ thống nữa. Cho tới bây giờ, qua tám, chín thế hệ giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hình như, tôi chưa thấy ai tỏ ý tiếc rẻ mà nhắc lại hay lật lại câu chuyện buồn này.

Một câu chuyện khác nữa là trong những năm cuối đời, từ Pháp, họa sỹ Lê Phổ có ý định hiến tặng một phòng tranh (khoảng 20 bức) mang tên ông cho nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, mong muốn đó không được phía Việt Nam chấp nhận.

Mỗi thời sẽ có những giới hạn do hoàn cảnh lịch sử chi phối, khi tôi kể lại không phải muốn đổ lỗi cho ai cả. Chúng ta “ôn cố tri tân”, nhắc lại chuyện đáng tiếc trong quá khứ để có những ứng xử văn minh hơn trong hiện tại. Để không chỉ hội họa, mà những hiện vật văn hóa quý khác, được “sống” trọn vẹn trên quê hương này. Để khi nói về văn hóa Việt Nam, ta có tác phẩm, có hiện vật bằng xương bằng thịt để vững dạ mà nói chuyện với bên ngoài, thay vì những tấm ảnh tư liệu, những câu chuyện lưu truyền, của ta nhưng không còn của ta nữa…

Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sỹ Tô Ngọc Vân là một trong những tác phẩm bị làm giả nhiều nhất (Ảnh chụp tranh gốc “Thiếu nữ bên hoa huệ” dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tô Ngọc Vân).

Nghe nói, có nhiều người mang tranh Nguyễn Phan Chánh đến cho bà ký?

Đúng thế. Tôi mà ký tất nhiên sẽ có một khoản tiền. Nhưng tôi bảo tranh của anh, của chị là tranh giả. Họ bảo: Có chữ Nho, có triện đóng, sao lại giả? Những bức tranh vẽ trên lụa Vân Nam (Trung Quốc) được Nguyễn Phan Chánh thực hiện vào những năm 1930 của thế kỷ trước; độ bền của lụa Vân Nam còn không bằng lụa Hà Đông nước ta, những bức tranh này không thể quá mới như vậy. Hiện, thống kê chưa đầy đủ, có khoảng mươi phiên bản Ô ăn quan trôi nổi trên thị trường; trong khi tác phẩm gốc chẳng biết đi đâu về đâu.

Năm 1931, Victor Tardieu mang bốn bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sang Đấu xảo Paris, giới mỹ thuật Pháp và thế giới choáng ngợp bởi một phong cách chưa từng thấy. Rất nhanh chóng, các bức tranh được giới chơi tranh Pháp mua hết. Trong một lần sang Pháp, nhà sưu tập Đức Minh vô tình bắt gặp bức Chơi ô ăn quan tại một cửa hàng bán đồ cổ và mua lại. Nghe tin, Nguyễn Phan Chánh đến, ôm lấy ông Minh vì cảm động. Năm 1983, ông Đức Minh qua đời, tranh được chia cho con cái và số phận của những tác phẩm đó ra sao đến giờ không ai rõ. Trong số đó, có hai họa phẩm vượt thời gian Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh và Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân.

Những bức tranh trở thành một thứ hàng hóa

Thời đó, bà được giao nhiệm vụ đi “mua” tranh đưa về trưng bày trong bảo tàng. Công việc đó có suôn sẻ không, thưa bà?

- Thời đó, không bao giờ tôi dùng chữ “mua”. Mình mà dùng những chữ thuộc hàng con buôn như “tranh nhà bác/ cô bán bao nhiêu tiền” thì họ đuổi ra khỏi cửa ngay. (Cười!).

Số tranh cận đại tôi mang về bảo tàng phần lớn đều đến từ những gia đình nề nếp của Hà Nội thời đó. Họ quý phái, tế nhị; khi mình đến trao đổi, cũng phải có tình có lý.

Ví dụ như?

Cách của người Hà Nội xưa là như thế này. Có một người bạn “mách” tôi nhà bà Phùng Thị Yến ở phố Cao Bá Quát có nhiều tranh Đông Dương nên tôi đạp xe đến. Cô giúp việc mở cổng. Ngày xưa đến nhà ai, mình không xồng xộc đi vào mà giả vờ ngắm cây ngắm hoa bên ngoài để gia chủ mặc quần áo hoặc làm nốt việc riêng gì đó; xong xuôi, người ta mới mở cửa chính mời mình vào.

“Chơi ô ăn quan”, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh (Ảnh tư liệu).

Bà Yến hỏi tên tôi?. “Thưa bác, tên bác giống tên cháu” – Lịch sự và chi tiết là thế. Sau khi bày tỏ ý định của mình, bà mới bảo: “Thôi được rồi, cháu ngồi đây. Quý vật tầm quý nhân”. Tôi nghe thế nên cứ ngồi im thôi. Lúc sau, cô giúp việc bê ra một khay có một ống nhổ bằng bạc bé bé và một cốc nước lọc và “mời cô xơi nước”. Như người khác, họ sẽ cầm cốc nước lên mà uống luôn. Nhưng tôi không. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có văn hóa (bà Nguyễn Hải Yến là con gái của học giả, nhà báo Nguyễn Tường Phượng - chủ bút tạp chí Tri Tân, xuất bản từ năm 1941 – 1946 - PV), từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách đối nhân xử thế. Tôi cầm cốc nước lọc nhấp một nhấp như súc miệng, nhổ vào ống nhổ hết sức tế nhị và nhẹ nhàng. Bà Yến là người kĩ tính, chuẩn mực nên thấy thế thì có thiện cảm. Một lúc sau, cô giúp việc mang trà sen ra mời khách. Nguyên tắc của người Hà Nội xưa là, để thưởng thức trà mạn sen, phải súc miệng để hấp thụ được trọn vẹn hương vị của trà. Phải hiểu giao tiếp văn hóa đó; nếu không, ai tiếp mình sẽ cho là mình không tương xứng để nói chuyện với họ.

“Thưa bác, cháu được giới thiệu gia đình bác có một số tranh, nếu bác nhường quyền sở hữu cho bảo tàng thì hay quá”, tôi thưa. Sau khi thử thách xong thì bà bảo tôi cứ về đi. Ngay hôm sau, cô giúp việc sang nhắn bà mời tôi sang nhà để nói chuyện. Trong bộ sưu tập của cụ, tôi chọn 3 bức tranh Hội đình Chèm (hiện vẫn đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Đây là một tác phẩm sơn mài gồm 5 bức được cụ Nguyễn Văn Tỵ vẽ vào năm 1942. Hai bức còn lại bị thất lạc. (Năm 2020, một trong hai bức được đưa ra đấu giá ở Pháp. Tranh đạt mức giá gần 22,6 tỉ đồng – PV).

Khi đồng ý rồi, bà Phùng Thị Yến cũng không ra giá. Sau khi mang tranh đi, hôm sau, tôi quay lại để cảm ơn bà: “Bảo tàng cảm ơn bác nhiều vì đã nhường quyền sở hữu cho bảo tàng. Bảo tàng có một chút ghi nhận sự giữ gìn tác phẩm để bảo tàng có được tác phẩm đẹp như thế này”, rồi nhẹ nhàng đưa một phong bì 500 đồng. Lương của tôi chỉ có mấy chục đồng một tháng nên 500 đồng hồi đó lớn lắm.

Ba bức Hội đình Chèm của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tôi từng nghe một họa sỹ nói, đại ý, thay vì bị các bảo tàng nhà nước “mua” như một bó rau ngoài chợ, họ thà bán tác phẩm cho các nhà sưu tập, các bảo tàng ở nước ngoài còn hơn…

Đúng là mỗi thời mỗi khác. Bây giờ, tiền bạc cũng quan trọng nhưng tôi nghĩ, có một điều không thay đổi: Họa sĩ thời nào cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi tác phẩm của họ được trưng bày tại bảo tàng trong nước, trước hết cho người Việt xem. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện hết sức tế nhị, hoàn toàn xuất phát từ tình cảm, sự hiểu biết để ứng xử có tình có lý với lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Nếu cần, phải đến rất nhiều lần để chinh phục, để mang được tác phẩm của họ về. Hình như, ở ta, những người làm quản lý và thực thi văn hóa không có những bước gian truân lẫn quyết liệt để có được tác phẩm của nghệ sĩ. Đến một lần không được thì thôi. Vì thế, ta dễ bỏ qua những “cơ hội vàng” để sở hữu những bức tranh quý. Vì thế cũng không có sự day dứt, không có sự hoài vọng… Tranh “chảy” ra bên ngoài cũng đúng.

Nhắc đến mỹ thuật Việt Nam, quốc tế chỉ nhớ tới tranh Đông Dương; tuy nhiên, dòng tranh này bị nhái, bị làm giả rất nhiều. Những gì quý giá nhất cũng phôi pha, mất hình mất dạng… Chúng ta chưa có luật Mỹ thuật, chưa có quỹ để mua tác phẩm nghệ sĩ, thiếu những tiếng nói mạnh mẽ, am hiểu về nghệ thuật. Ta cũng đang thiếu một bộ tổng phổ về lịch sử mỹ thuật viết lại hết sức chi tiết nguồn gốc, đường đi, mức độ hỏng… của từng tác phẩm để thế hệ sau còn biết. Tránh những câu chuyện thật – giả, u u minh minh, ảnh hưởng tới thị trường nghệ thuật đương đại nội địa.

Tác giả cũng phải “chuộc” tranh của chính mình về

Biết bà Nguyễn Hải Yến là người nghiên cứu mỹ thuật, nhiếp ảnh gia Lê Vượng có đưa bà một bức ảnh gia đình ông ấy chụp một tác phẩm của ông Lê Phổ - tên là Tuổi xuân xanh. Bức họa này được mang đi Paris dự một cuộc đấu xảo nào đó rồi bị thất lạc. Bẵng đi mấy chục năm, năm 1980, gia đình em gái ông Vượng qua Pháp chơi và đến nhà thăm Lê Phổ (bố ông Vượng với bố Lê Phổ là anh em ruột) cũng lại chụp ảnh kỉ niệm. Trong bức ảnh, trên tường treo bức Tuổi xuân xanh. Bà Yến nhờ ông Vượng hỏi chuyện ông Phổ tìm lại được bức tranh đó ra sao thì được hay, tác giả đã tìm thấy nó ở Lion, thông qua một triển lãm. Ông Phổ phải lặn lội từ Paris xuống đó gặp nhà sưu tập để xin chuộc lại bức tranh của chính mình.

Là người từng chứng kiến một trong những điều đẹp đẽ nhất của văn hóa Việt Nam, bà cảm thấy như thế nào?

Điều tôi đau khổ nhất, giờ đây, những bức tranh đó không còn là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa mà trở thành một thứ hàng hóa. Thậm chí, người ta không ngại ngần bằng mọi thủ đoạn để làm giả, miễn sao thu được tiền càng nhiều càng tốt.

Trong một hội thảo về sơn mài, tôi từng phát biểu, sơn mài có hai chức năng: hàng hóa và văn hóa. Những sản phẩm của các nghệ nhân, sản xuất hàng loạt, không có tên nghệ nhân, đó là hàng hóa. Còn tác phẩm, khi nghệ sĩ đặt tên cho tác phẩm, kí tên vào tác phẩm ấy, thì nó là ruột gan, là tâm hồn của nghệ sĩ, thậm chí tâm hồn của đất nước này.

Những người làm quản lý văn hóa phải hiểu điều đó, đừng có biến những giao tiếp văn hóa thành những giao dịch hàng hóa. Để có những ứng xử văn minh hơn, để tranh Việt “thoát” khỏi phận tranh lưu lạc, xa xứ, long đong không về được đất mẹ.

Cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến.

Câu chuyện kim ấn “Hoàng đế chi bảo” nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước. Một số người đặt câu hỏi: Sao nhà nước không hồi hương thanh bảo kiếm luôn cho đủ bộ?

(Khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30/8/1945, trong số hơn 200 ấn triện các loại đang còn lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng (bên trong Hoàng Thành Huế), vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền Cách mạng - PV)

Khi được hỏi về vấn đề quốc hữu hóa các cổ vật, bảo vật, tác phẩm mỹ thuật giá trị, tránh để “chảy máu” ra bên ngoài, nghệ sĩ Thế Sơn chia sẻ, đây là một vấn đề khó trong bối cảnh Việt Nam vì nó liên quan đến nhiều nguyên tắc hành chính, sử dụng ngân sách nhà nước khá phức tạp. Thực tế, ở các nước, rất nhiều bộ sưu tập quý do cá nhân, các gallery của các bộ sưu tập tư nhân đóng góp với điều kiện tên của họ được ghi một cách trang trọng ở đó. Không phải cái gì cũng do nhà nước mua về.

“Ở nước ta, hiện, có những bộ sưu tập đương đại cực lớn nhưng không mở được bảo tàng tư nhân”, Thế Sơn nói. Anh đề xuất: “Nhà nước cần tạo ra một cơ chế để thu hút sự đóng góp của các cá nhân, các nhà sưu tập yêu văn hóa nghệ thuật trên tinh thần cầu thị”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất