, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 14/02/2023, 19:30

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Cái gì phục vụ nhiều cho từng người dân thì nên làm”

CODET HANOI thực hiện
Những làng không có lễ hội, có thể họ giàu có nhưng chưa chắc đã vững bền. Hay nói như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc là họ dễ bị “xô giạt văn hóa”.

7.000 lễ hội, ít hay nhiều?

Thưa nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, vì sao nước Việt ta lại có nhiều lễ hội tới vậy?

NNC Nguyễn Hùng Vĩ: Ta có khoảng 7.000 lễ hội (trong đó địa bàn làng là chủ yếu) và có khoảng 100.000 đơn vị làng thôn, bản, phum, phố... Cứ hơn 14 đơn vị cấp làng mới có 1 đơn vị có lễ hội. Vậy ít hay nhiều? Các làng xây dựng kinh tế mới, các phố mới lập... rất ít lễ hội cổ truyền. Nghiên cứu những không gian không có lễ hội đó, chúng ta nhận ra đời sống tinh thần, đời sống xã hội rất mỏng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

Những làng không có lễ hội, có thể họ giàu có nhưng chưa chắc đã vững bền. Hay nói như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc là họ dễ bị “xô giạt văn hóa”. Việc này được báo động trên tất cả các quốc gia đang phát triển, đặc biệt các quốc gia nghèo.

Thời hiện đại của chúng ta, cứ cho là 1 thế kỷ đi, thì văn hóa luôn tồn tại bằng thế năng của 40 thế kỷ và lâu hơn nữa. Hệ giá trị văn hóa có thể ngàn năm vẫn tuôn chảy trong huyết quản một cộng đồng, nó tích lũy và bồi đắp liên tục. Tôi rất muốn làng tôi (mới thành lập 55 năm), và những làng xung quanh, có một hình thức lễ hội cộng đồng nào đó. Hôm nay là truyền thống của ngày mai. Nếu nhìn như vậy, con số 7.000 lễ hội với 54 dân tộc anh em thật nhỏ nhoi trong nhu cầu hạnh phúc của nhân dân.

Trong số các giá trị của lễ hội, phải chăng giá trị tinh thần là đáng lưu ý và quan trọng nhất, thưa ông?

Mỗi lễ hội có một ý nghĩa chủ đạo. Tập hợp lại, có thể nhìn nhận về một “hệ giá trị lễ hội”, ít nhất là các phương diện như sau:

- Tạo nên một cảm hứng chung của cộng đồng là cảm hứng hướng nguồn. Công đồng nào nhiều văn hóa hướng nguồn là cộng đồng tích lũy được nhiều năng lực tồn tại và phát triển nhất. Cộng đồng nào đơn sơ, đơn giản và ít cách thức, điều kiện hướng đến nguồn cội sẽ là những cộng đồng cần bảo vệ nhất, nếu không họ sẽ giảm dân số, kinh tế không phát triển và bị xô giạt văn hóa, khó tồn tại trong thế giới ngày nay.

- Giá trị cố kết cộng đồng khi hướng về cùng một cội nguồn, chung về một cảm hứng hoạt động, đồng thuận trong một cách thức tổ chức lễ và hội. Nghiên cứu văn hóa thế kỷ XXI nói đến một “cộng đồng tưởng tượng” để con người ta khẳng định tộc người này với tộc người khác, dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác... tạo nên một nhân loại phong phú về văn hóa, cũng như khẳng định được các bản sắc văn hóa.

- Lễ hội là thời điểm tích tụ và bùng nổ về văn hóa. Nó là một phương thức trình diễn tổng hợp của tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng lao động, thậm chí là triển lãm thành quả lao động. Đám rước, tế lễ, diễn xướng nghệ thuật, trò chơi, thi đấu, trình nghề, tiếp khách, mâm cỗ, trò diễn mô phỏng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật ẩm thực... Tất cả bừng lên trong cùng một thời điểm sống động và rộn ràng. “Đông như hội”, “vui như hội”, “nát nón xem bơi, tả tơi xem hội”... Một sinh khí dào lên, một động năng bật dậy từ cuộc sống làm ăn trầm mặc và lam lũ thường ngày. Dân có đáng tổ chức và hưởng thụ cái lễ hội mà mình tham gia trong tinh thần đồng thuận không? Hay chỉ từng người bỏ tiền vé vào nhà hát xem và nghe là đủ. Tôi nghĩ, có lẽ cái gì phục vụ nhiều cho từng người dân thì nên làm.

- Lễ hội là thời gian tiếp đón bạn bè, giao lưu xã hội. Quan hệ xã hội được rộng mở, vượt khỏi lũy tre làng.

- Lễ hội mang trong lòng nó niềm tự hào về làng quê, mở rộng là tình yêu quê hương, đất nước. Cái đó nuôi sống tâm hồn của cả cộng đồng.

- Cụ Phan Kế Bính, từ đầu thế kỷ XX, khi viết cuốn Việt Nam phong tục, đã thống kê việc nghỉ lễ ở châu Âu và lễ tiết Việt Nam và có nhận xét là nó tương đương nhau. Cụ nhận định, trong cuộc sống, cần những thời gian nghỉ ngơi, thoát khỏi lo toan, công việc thường nhật để hướng tới đời sống tinh thần. Lễ hội cũng chính là khoảng thời gian như vậy.

Sơ qua để thấy sự cần thiết việc thấu hiểu, bảo tồn, phát triển và quảng bá các di sản lễ hội quan trọng đến nhường nào.

Lễ hội là thời điểm tích tụ và bùng nổ về văn hóa - Ảnh: Lê Bích

Trước đó, đã có rất nhiều tranh cãi về lễ hội mang yếu tố tiêu cực, phản cảm và cho rằng một số lễ hội không còn phù hợp với thời nay, ý kiến của ông ra sao?

Tôi xin nói về những thứ tiêu cực chung chung nhất mà đã là lễ hội thì hầu như dễ mắc. Cái tiêu cực thứ nhất là lễ hội quá chen chúc, xô đẩy tạo thành tình trạng lộn xộn, phức tạp về an ninh và an toàn. Thường thì, các ban tổ chức lễ hội không lường được hết. Họ cứ muốn hội cho đông thôi.

Tiêu cực thứ hai là nạn cờ bạc. Vốn là một trò vui, trò thể thao trí tuệ có yếu tố may rủi và có thưởng nhưng đã phát triển theo xu hướng tiêu cực, đỏ đen, nghiện ngập, tan cửa nát nhà.

Tiêu cực thứ ba là nạn “chặt chém” trong các “dịch vụ” ngày hội. Nhiều nơi ban tổ chức đấu thầu cho các tổ chức, cá nhân những “dịch vụ” quá đắt đỏ tạo nên tâm lý ức chế cho những người tham gia, chứng kiến lễ hội. Người ta thường mượn câu “mỗi năm một lần” nhưng nếu quá đáng quá thì tất nhiên sẽ có hiệu ứng ngược lại, không còn “vui như hội” nữa. Yếu tố kinh tế, yếu tố thương mại bộc lộ những mặt tiêu cực của nó.

Tiêu cực thứ tư là nạn uống rượu quá say sưa trong dịp hội. Đây là một vấn nạn liên quan đến trật tự và an toàn giao thông, đến an ninh công cộng, đến sức khỏe và nhân cách cá nhân. Không vẻ vang gì khi Việt Nam trở thành một quốc gia thuộc loại hàng đầu về tiêu thụ chất uống có cồn trên thế giới.

Tiêu cực thứ năm là nhiều hành động hội hoặc là thái quá (như cướp lộc), hoặc là trái tinh thần nhân văn hiện đại (như mổ trâu chọi tại chỗ), chém lợn ở sân đình. Những hành động hội này qua truyền thông mạng, nó trưng diện một văn hóa Việt Nam phản cảm, xấu xí trên cộng đồng quốc tế.

Tiêu cực thứ sáu là xu hướng mê tín ngày càng bộc lộ. Xin xăm, bốc quẻ, bói toán nhiều lễ hội công khai lan tràn. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng phải bài trừ tệ mê tín. Khoa học kỹ thuật và tinh thần nhân văn mới giúp cho một xã hội phát triển. Về những tiêu cực này cần thiết phải có cách làm khác đi đối với lễ hội hiện nay.

Không có cái gọi là nguyên bản

Theo ông, có các giải pháp nào để bảo tồn và phát triển lễ hội một cách văn minh, lành mạnh nhất mà vẫn thu hút được khách du lịch?

Di sản tinh thần hầu như không có cái gọi là “nguyên bản” mà vận động không ngừng, tiếp biến. Nghiên cứu tài liệu ghi chép cũ, các tài liệu gọi là “hội lệ”, “ước khoán” xưa, ta cũng chỉ biết trong thời điểm đó, lễ hội được quan niệm và ghi lại như thế nào. Bởi vậy, việc nghiên cứu để thấu hiểu lễ hội và thấu hiểu quá trình vận động của nó là việc tiên quyết. Cần những tài liệu khả tín và phương pháp nghiên cứu hữu hiệu.

Từ đó, ta mới nhận định được những gì là giá trị của từng lễ hội để bảo tồn giá trị đó là chủ yếu, đồng thời phân định được những gì không còn phù hợp với tinh thần nhân văn hiện đại. Cũng từ đó, ta có thể phát huy, phát triển lễ hội theo nhiều cách khác nhau.

Hội phết Hiền Quang (Phú Thọ) - Ảnh: Lê Bích

Thay vì “chê bai, lên án”, chúng ta hãy sáng tạo hơn cho các lễ hội được hấp dẫn và văn minh mà không mất đi tính cội nguồn của chúng phải không, thưa ông?

Đúng thế. Tôi lấy ví dụ, thay cho việc chém lợn thật giữa đình, tại sao lại không dựa trên đó để viết nên các kịch bản có các trò diễn đi săn, thuần hóa và chăn nuôi, trò đuổi lợn, rước lợn biểu tượng trên một nền dân ca quan họ vô cùng đa dạng? Ai sẽ làm việc đó để tạo thành một truyền thống trình diễn đầy nghệ thuật và tính biểu trưng?

Nếu có một định hướng đúng đắn, những kế hoạch đầu tư hiệu quả và con người quản lý văn hóa, thực thi kế hoạch năng động thì việc phát triển không khó khăn. Và trên nền tảng đó, những định hướng quảng bá sẽ rất sáng sủa. Quảng bá là đem những bản sắc văn hóa của một cộng đồng cụ thể, phục vụ cho toàn thể nhân loại. Bản sắc văn hóa chính là nội dung số một cần quảng bá chứ không phải hành động bạo lực, tranh cướp, phản cảm để câu khách mới là nội dung quảng bá.

Sáng tạo hôm nay, những gì tạo nên giá trị chắc chắn sẽ là truyền thống tốt đẹp cho ngày mai. Lễ hội vốn đã phát triển, thay đổi, tiếp biến trong trường kỳ lịch sử thì với ngày nay, một lát cắt của lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể có những sáng tạo để quảng bá cho một biểu trưng văn hóa Việt Nam đẹp đẽ, nhân văn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất