, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/10/2019, 17:42

Nhà nước kiến tạo phát triển mô hình tối ưu

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Để cải cách thể chế, quan trọng nhất là lựa chọn mô hình thể chế. Trên thế giới, các mô hình thể chế đưa lại thành công và thịnh vượng không thiếu.

Thể chế và văn hóa

Các nước Mỹ, Úc, Canada… đều đã từng là thuộc địa của nước Anh, và đều đã rất thành công khi áp dụng mô hình thể chế của Anh cho đất nước mình. Di sản lớn nhất của nước Anh chính là mô hình thể chế của nước này. Các nước cựu thuộc địa của Anh đã tận hưởng được mô hình thể chế của Anh nên đều rất phát triển. Tuy nhiên, nhận xét trên lại có vẻ không hoàn toàn đúng cho Ấn độ, Pakistan và nhiều nước châu Á - Phi từng là thuộc địa của Anh.

Tại sao mô hình thể chế của nước Anh lại chỉ phát huy tác dụng ở một số nước, còn ở một số nước khác thì không? Câu trả lời nằm ở nền tảng văn hóa của các nước. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các nước Mỹ, Úc, Canada… có nền tảng văn hóa tương đồng với nước Anh. Và người Anh đã không chỉ xuất khẩu thể chế, mà còn di dân và xuất khẩu văn hóa tới những nước này. Trong khi đó, nước Anh đã không thể xuất khẩu văn hóa của mình sang Ấn Độ, Pakistan và các nước cựu thuộc địa khác, vì thế mà mô hình thể chế của nước Anh đã ít phát huy tác dụng.

Điều tương tự cũng có thể thấy ở các mô hình thể chế nhà nước phúc lợi. Mô hình thể chế của các nhà nước phúc lợi Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần lan, Na Uy…) được coi là thịnh vượng và tốt đẹp nhất đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Ở các nước này, người dân sinh ra đã được nhà nước chăm lo đầy đủ về mọi mặt, cuộc sống của họ hết sức an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Thế nhưng mô hình thể chế tốt đẹp này lại không thể nhân rộng ra ngoài vùng Bắc Âu được. Lý do là vì thiếu nền tảng văn hóa của Bắc Âu không thể vận hành được một mô hình như vậy. “Biết thế nào là đủ” là một nét văn hóa rất đặc biệt của những người dân Bắc Âu. Những người dân này sẵn sàng đóng thuế cho nhà nước đến 70 - 75% thu nhập của mình mà không hề tâm tư, suy bì. Bất cứ ở một nơi nào khác trên thế giới, mức thuế như trên sẽ triệt tiêu động lực làm việc. Các ví dụ trên khẳng định nền tảng văn hóa là rất quan trọng để một mô hình thể chế có thể thành công.

Nền tảng văn hóa của Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?

Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…). Ăn cơm bằng đũa, viết chữ tượng hình (Việt Nam đã từng có chữ nôm là chữ tượng hình) chỉ là một vài biểu hiện ra bên ngoài của văn hóa Đông Bắc Á. Cái nằm sâu bên trong ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách hành xử của cư dân ở vùng này là tinh thần và tư tưởng Nho giáo. Một trong những đặc điểm nổi bật là truyền thống khoa bảng. Học hành, thi cử để làm quan là con đường phấn đấu được coi trọng nhất. Đây cũng là nền tảng văn hóa để nhà nước có thể tuyển dụng được những người tài giỏi nhất cho nền quản trị công.

Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là nhà nước Kinh tế phát triển (KTPT) (developmental state) - mô hình thể chế đưa lại sự phát triển kỳ điệu cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài loan và gần đây là cả Trung Quốc. Sự thành công của các nước này cho thấy mô hình nhà nước KTPT rất phù hợp với nền tảng văn hóa của các nước Đông Bắc Á, trong đó có Việt Nam.

Nội hàm của khái niệm “nhà nước KTPT”

Khái niệm “nhà nước KTPT” được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều được xem là những nhà nước KTPT.

Những nét đặc trưng của nhà nước KTPT được tác giả Chalmers Johnson đưa ra là:

- Một bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả.

- Bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả.

- Nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường.

- Có Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp.

Nhiều người cho rằng, nhà nước KTPT là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.

Mô hình nhà nước KTPT là tối ưu cho Việt Nam

Do là một nước có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước KTPT có thể là tối ưu cho Việt Nam.

Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước KTPT. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Như vậy tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước KTPT đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, vấn đề là đất nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa là chúng ta không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.

Công bằng mà nói, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về mô hình nhà nước KTPT chưa thật sự hình thành ở nước ta. Sự lựa chọn của chúng ta trong quá trình đổi mới nếu không phải do may mà đúng, thì cũng chủ yếu là đi theo sự đòi hỏi khách quan của tình hình hơn là trên một nền tảng lý thuyết vững chắc.

Rủi ro của việc lựa chọn mô hình nhà nước KTPT

Lựa chọn mô hình nhà nước KTPT là tối ưu cho đất nước ta, tuy nhiên rủi ro của lựa chọn này là hoàn toàn không nhỏ.

Trước hết là rủi ro về năng lực. Chúng ta có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam phải là gì? Đây quả thực là những câu hỏi không dễ trả lời. Thiếu một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa khó lòng hoạch định chính sách phát triển đúng đắn được. Để có được một đội ngũ lãnh đạo như vậy, thu hút người tài vào trong Đảng là rất quan trọng. Đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng ta trong thời gian sắp tới.

Rủi ro thứ 2, do đã hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định về tự do thương mại song phương và đa phương, nên không gian chính sách còn lại của Nhà nước ta cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ là rất nhỏ hẹp. Bị ràng buộc bởi vô vàn những cam kết quốc tế, Nhà nước rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Để vượt qua rủi ro này, quan trọng là phải nâng cao năng lực thiết kế các hàng rào kỹ thuật, các hàng rào về thủ tục. Điều này có vẻ như đang đi ngược với những cố gắng cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, thì hàng rào kỹ thuật là rất cần thiết để ngành công nghiệp non trẻ này của đất nước không bị cạnh tranh quốc tế bóp chết từ trong trứng nước. Tận dụng các khoảng trống chính sách cũng rất quan trọng ở đây. Các hiệp định tự do thương mại không hạn chế Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực (ví dụ như an ninh, quốc phòng). Tại sao chúng ta không đầu tư vào đây, khi cần thiết thì vẫn có thể chuyển giao các thành tựu nghiên cứu cho các lĩnh vực dân sự?

Rủi ro thứ 3, quỹ thời gian để xây dựng thành công mô hình nhà nước KTPT còn lại không nhiều. Với áp lực của hội nhập và dân chủ hóa, mô hình coi trọng phát triển kinh tế hơn mở rộng dân chủ và nhân quyền như nhà nước KTPT chưa chắc đã có được sự chấp nhận của đông đảo công chúng. Để vượt qua thách thức này, truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không có một nền tảng kinh tế - xã hội phù hợp (với đa số dân chúng là tầng lớp trung lưu) và một nền tảng văn hóa chính trị trưởng thành, những cải cách dân chủ manh động không khéo lại chỉ dẫn đến đổ vỡ và bất ổn xã hội mà thôi.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất