, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 12/02/2022, 10:46

Nhà thơ Y Phương dùng thi ca phô diễn vẻ đẹp văn hóa Tày

LÊ THIẾU NHƠN
(nongnghiep.vn)
Nhà thơ Y Phương qua đời lúc 20h ngày 9/2 thực sự để lại thương tiếc cho công chúng, bởi lẽ ông có biệt tài dùng thi ca phô diễn văn hóa Tày.
Nhà thơ Y Phương trò chuyện về thi ca tại một trường học năm 2019.
Nhà thơ Y Phương trò chuyện về thi ca tại một trường học năm 2019.

Nhà thơ Y Phương ra đi đột ngột ở tuổi 74. Tang lễ của nhà thơ Y Phương được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chiều 10/2 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau khi hỏa táng, tro cốt của nhà thơ Y Phương được gia đình đưa về yên nghỉ tại nơi ông sinh ra và lớn lên là làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Không biết buổi chiều bụi mù đất đỏ nào ở vùng Lộc Ninh – Bình Phước đầy cam go mưa bom bão đạn đã kích hoạt hồn thơ của chàng trai Hứa Vĩnh Sước để viết nên những vần điệu đầu tiên với bút hiệu Y Phương. Chỉ biết miền Đông Nam bộ trong cuộc chiến tranh khốc liệt thập niên 70 của thế kỷ 20, đã tạo ra một thi sĩ dân tộc thiểu số đặc sắc.

Những câu thơ thuở ban sơ vụng dại của Y Phương có thể giống như phút giây dừng chân nơi căn cứ Tà Thiết, có thể chỉ nhằm vơi đi niềm nhớ nhà nghìn trùng xa cách, có thể chỉ nhằm xoa dịu nỗi khắc khoải người lính trước giờ nổ súng sinh tử. Thế nhưng, mạch nguồn cảm hứng ấy cứ luân chuyển bền bỉ cho đến ngày công chúng nhận diện được một chân dung thi ca Tày vạm vỡ!

Trong tiến trình phát triển văn hóa Việt, tác phẩm các nhà thơ dân tộc thiểu số góp phần giảm bớt độ chênh lệch của những trực cảm về những giá trị tinh thần khác biệt. Nhà thơ Y Phương có mặt thật mới mẻ trên một bút pháp quen thuộc: khai thác mối quan hệ ngoại cảnh và nội tâm. Đời sống muôn màu đổ bóng vào trang thơ mà trình bày cái tình ngổn ngang của tác giả. Có cái tình hiện hữu: “Chiều oi nồng/ Nhớ cô bé nhà bên thổi bong bóng/ Làm tôi bên này/ Phập phồng” và có cái tình hư ảo: “Những cô gái áo chàm/ Lơ ngơ đi trên cỏ/ Ơ hay trời chẳng gió/ Áo chàm tung cánh bay”.

Cái tình ở thơ Y Phương khi trầm khi bổng, khi bâng khuâng khi nghẹn ngào ít nhiều chứng minh rằng, nhà thơ nhạy cảm bao giờ cũng giống như một ốc đảo cô đơn một cách kiêu hãnh giữa xã hội xô bồ, nhưng lại thường trực nhu cầu giao tiếp với những mảnh hồn lênh đênh. Ngoại cảnh càng trôi dạt thì nội tâm càng trắc ẩn, ngày “Vắng con” đã trống trải: “Sau Tết/ Các con trả phép/ Bánh mốc xanh/ Mía khô cong/ Gió, lửa, than và nắng/ Thi nhau rét” mà gặp “Nỗi buồn tha hương” lại thêm nghẹn ngào: “Con tàu chở hàng/ Chở người/ Và chính nó/ Ì ạch đi trong đêm/ Giá mà đừng mang thêm/ Nỗi buồn tha hương”.

Thơ Y Phương được nuôi dưỡng bằng nguồn cơn sum vầy của dân tộc Tày. Nhà thơ Y Phương tự trang bị một hệ mỹ cảm nhất quán, nếu như trong trường ca “Chín tháng” xác định “đêm như mực Tàu” thì bài thơ “Lời chúc” bổ sung “đôi mắt đen chữ Hán”. Hơn nữa, Y Phương kiên trì cho thơ nương tựa vững vàng vào xứ sở đã sinh thành và cưu mang bản thân. Ngọn gió Đông Khê, cơn mưa Tĩnh Túc, bóng nắng Tà Lùng, hạt dẻ Trùng Khánh, chén rượu Táp Ná đều có công bồi đắp cho dáng dấp thơ Y Phương. 

Và ân nghĩa quê nhà được Y Phương đáp đền bằng những câu thơ “Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ/ Mời rượu cả chum, mời quả cả cây” hoặc “Lên Cao Bình đâu cũng gọi nàng ơi/ Lên Cao Bằng đâu cũng nhớ người ơi” có sức mời gọi hướng về một khoảng không gian nước non kỳ ngộ. Mặt khác, Y Phương dùng chữ tạc nên những hình tượng con người vùng cao khó quên: “Bà cụ trắng như mưa/ Lầm lỳ bên ngọn lửa/ Rắn và đanh”.

Cuộc đời 74 năm của nhà thơ Y Phương tạo dựng một chân dung thi ca Tày đặc sắc.
Cuộc đời 74 năm của nhà thơ Y Phương tạo dựng một chân dung thi ca Tày đặc sắc.

Với cá tính bộc trực “tin nhau không nói nhiều lời”, thơ Y Phương ít bài dở và cũng ít câu thừa. Mọi câu thơ đều được tập hợp để chuyên chở những ý nghĩ, khiến thơ Y Phương không có những câu dan díu hòng đẩy đưa với người đọc. Trên một văn bản thơ, bên cạnh những câu rõ nghĩa cũng cần những câu mơ hồ giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn tác phẩm mà không bị bước hụt cảm xúc.

Một bài thơ hiển thị bằng ngôn từ cũng giống như một khúc nhạc được tấu lên, khán giả luôn thích tiếng tính tiếng tang, nhưng đôi lúc xao xuyến nhờ tiếng ngân chới với giữa tiếng tính và tiếng tang. Một câu thơ mông lung sương khói không chỉ kết nối những ý nghĩ chuyển tải trong bài thơ, mà còn làm cho công chúng tránh được thuyết vị lợi của nhà kinh tế khi tiếp cận nghệ thuật thi ca. Vì vậy, người yêu thơ khó tính sẽ thấy ở Y Phương sự sâu sắc và sự tinh tế, nhưng chưa thấy sự hào hoa! (Mà cũng lạ, tập tản văn “Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm” của Y Phương lại rất hào hoa!).

Cung đàn thơ Y Phương dù thưa thớt âm thanh nửa tính nửa tang vướng vít kẻ đam mê, nhưng vẫn có nhiều câu thơ chói sáng như “mẹ đã nằm cả hai con mắt”, như “chân tay thơm quê hương”, như “quảng trường rộng đủ một mình tôi nhớ”, như “cái nón mo tre như mặt trời lúc lắc”. Y Phương có câu thơ hay nhờ run rẩy thương cảm “người già trầm ngâm lâu như cơn mưa”, Y Phương có câu thơ hay nhờ quan sát tinh nghịch “sông Gâm ngày vắng teo/ sao xanh nhảy lên đèo” và Y Phương có cả những câu thơ hay nhờ duy mỹ dị thường “đất màu mỡ quờ tay ăn cũng được”.

Thơ Y Phương thăng hoa trên sự chuyển động liên hồi. Chuyển động của ý nghĩ và chuyển động của hình ảnh. Ngay tâm tư đắng đót cũng chuyển động: “Những mùa dài sông Bằng không chảy/ Tôm cá đi buồn bã như người”. Chiều kích nhà thơ Y Phương sẽ còn lớn hơn nếu có thêm những ấn tượng được lưu trữ trong ngưng đọng. Đọc thơ Y Phương, nếu đắm đuối “gạo chảy ngược lên núi/ muối chảy ngược lên núi” thì phát hiện trái tim Y Phương cũng chảy ngược lên núi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất