, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 11:01

Nhà tranh vách đất và ký ức tuổi thơ!

NHẬT LINH

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, nhiều nhất là hình ảnh những ngôi nhà mà gia đình tôi từng ở, những vùng đất mà tôi đã đi qua. Tôi không nhớ chính xác và cũng không bao giờ hỏi lại bố mẹ, nhưng dễ chừng phải gần 20 ngôi nhà trong khoảng 19 năm, cho tới khi tôi đi học đại học. Có ngôi nhà bố mẹ tôi mua, nhưng nhiều ngôi nhà chúng tôi thuê ở, có căn thời gian dọn tới và dọn đi chỉ trong vòng một buổi chiều!

Những ngôi nhà ấy, đa phần, trong trí nhớ tôi, lúc rõ ràng, khi lại mờ nhạt! Nhưng lạ lắm, ngôi nhà tranh vách đất ở thôn Vân Cát, xã Nam Vân, huyện Nam Ninh, thành phố Nam Định thì luôn luôn hiển hiện rõ ràng, như tôi mới ở hôm qua thôi.

 

Bố mẹ cùng bốn chị em tôi ở ngôi nhà này khoảng những năm 1993-1996, khi đó xã Nam Vân, cách thành phố Nam Định 2km, nhờ có cây cầu mới Đò Quan bắc qua nên cũng sầm uất, phát triển hơn. Trong một ngõ nhỏ thanh bình, những ngôi nhà xung quanh đa phần là nhà mái ngói hay giàu có nữa là nhà mái bằng. Riêng nhà tôi vách làm bằng đất, lợp bằng tranh, nền bằng đất, bóng láng, nhà có ba cửa gỗ ra vào.

Nắng miền Bắc tháng 5, tháng 6 như đổ lửa, đi ngoài đường mặt đường bốc hơi, thấy loáng thoáng bóng người phía trước, nhưng bước vào nhà là mát rượi. Tôi không thể nào quên cảm giác mát rượi đó. Nó không phải kiểu mát ớn lạnh như khi bị máy lạnh phả vào mặt, rét rét như bước vào mấy khách sạn mấy sao, cũng không phải cái mát của quạt điện. Đây là cảm giác mát rượi, như mang hơi nước và dịu nhẹ. Êm ái và dễ chịu. Trưa hè, không cần chiếu, bốn chị em tôi lăn qua lăn lại giữa nhà mà ngủ ngon lành.

Mấy lần gió, bão, vách tường bị nứt, bố mẹ tôi gọi thợ về, nào rơm, nào bùn, trộn trộn, trát trát. Cả đám trẻ con bâu vào, đòi trộn, đòi trát nhưng chẳng bao giờ người lớn cho mó tay vào. Bao năm, ký ức vẫn vẹn nguyên hình ảnh và vẫn còn như thoảng thấy mùi bùn ngai ngái, nồng nồng, thơm mùi lúa gạo từ rơm.  

Ngay cổng vào nhà là cây thị to tướng, đến mùa trĩu trịt quả, vàng ươm, thơm lừng. Trẻ con chúng tôi khi đó rất ít ăn thị, chủ yếu là để ngửi, để đầu giường hít hà. Thị chín, rụng đầy ngõ nhưng bản tính trẻ con, đành hanh, trưa nào hai chị em gái cũng thức canh, rồi cãi nhau chí chóe, không cho trẻ con hàng xóm hái.

Trước nhà là giếng. Bên trái giếng là cây dâu da xoan. Xanh thì chấm với muối bột canh, chín thì cứ thế mà ăn, chua chua, ngọt ngọt. Ngon lắm!

Đằng trước giếng là cái ao. Xung quanh ao có mấy cây ổi găng. Tôi chưa ăn loại ổi nào ngon như ổi găng. Trái nhỏ nhỏ, vừa mềm nhưng cũng có độ cứng, độ giòn, vỏ xanh ngả chút vàng. Cắn một miếng ổi găng, cảm nhận rõ ràng hương thơm, vị ngọt, giòn của đất quê. Cành ổi vốn giòn, ngả hết xuống ao nên lần nào tranh nhau trèo hái cũng ngã lộn cổ xuống ao, uống no nước (vì không biết bơi) mà không bao giờ hãi. 

Cái ao đấy, bố tôi hay thả một số loại cá như cá mè, cá chép, cá rô xuống. Lâu lâu, bố lại lôi cái vó to tướng ở trên gác bếp xuống, bảo là “hôm nay cho cả nhà ăn tươi”. Mỗi lần cất vó, được con cá nào, bố đứng ở dưới ao, ném lên sân. Mấy chị em tranh nhau bắt bỏ vào một cái thùng nhựa. Cá mè, bao giờ cũng nấu món cá mè hoa chuối. Sau này, tôi ít khi được ăn món này, cá mè ở chợ giờ to quá, nhìn có cảm giác lo sợ.

Giữa nhà và sân giếng là một cái sân to. Chị em tôi đã trải qua tuổi thơ, tuổi thiếu nữ ở đó. Biết bao kỷ niệm. Những trò chơi như ô ăn quan, đánh chuyền, chơi nhảy dây, chơi chồng nụ chồng hoa… ngày nay đã chỉ còn là ký ức. Trẻ em giờ chơi điện tử, nhà banh… chứ không chơi như trẻ con ngày xưa. Cái sân đấy, giờ vẫn còn trong mấy bức ảnh chụp hai thằng nhóc em, ngồi trong cái chậu nhôm to to, bên cạnh dựng chiếc xe Simson đỏ đỏ...

À, ở sân, ngày xưa cũng phơi rơm, rạ. Nhà tôi không làm nông, nhưng hàng xóm làm, mùa gặt thì sang phơi nhờ. Hôm nào trời mưa, các bác nhờ thu hết vào một đống rất ngứa. Nhưng nhờ thế mà có kỷ niệm với mùi rơm, mùi rạ. Mùi thơm thơm, nồng nồng, ấm ấm. Sau này, tôi còn hay nhớ cả mùi phân trâu trên con đường nhỏ dẫn vào nhà. Đặc biệt, mùi phân trâu sau cơn mưa. Không hiểu sao lại ấn tượng với mùi đó thế.

Nhà tôi ở nhiều nơi, chuyển nhiều nhà. Nhưng trong ký ức, ngôi nhà đó để lại nhiều niềm thương yêu nhất. Có lẽ, vì nơi ấy, mấy chị em đã sống một khoảng thời gian êm đềm, bình an. Cũng có lẽ, vì cảnh ngôi nhà, tôi vẫn thường nhớ và tưởng tượng giống như trong một câu chuyện cổ tích nào đó với thị, với dâu da xoan, nhà tranh, vách đất…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất