, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/02/2022, 07:00

Nhân chuyến thăm một miền quê xa xôi, thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống

LÊ MINH HOAN
Xin nói ngay, đây là một góc nhỏ miền quê của một đất nước xa xôi mà tôi vừa có chuyến đến thăm. Một góc nhỏ thôi, một ít thời gian thôi, những gì nhìn thấy được, nghe ngóng được, rồi hỏi han một chút, ngẫm nghĩ một chút, tích hợp một chút, cũng có thể là suy diễn một chút mà thật nhiều cảm xúc, thật nhiều điều liên tưởng. Một chuyến đi ngắn ngủi nhưng thêm một góc nhìn về một miền quê thôn dã giàu sức sống và thật đáng sống.
Hình minh họa.

Miền quê nơi đó đẹp như tranh thuỷ mặc. Những con đường làng quanh co rộng thoáng với những cây ven đường, cây bụi và cây tán, cây tầng cao và cây tầng thấp, những thảm cỏ xanh rờn, những bông hoa dại ven đường. Đúng là “cây chen lá, đá chen hoa”. Những con mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo, điểm xuyết những bụi thuỷ sinh thật tự nhiên. Giếng làng như giữ dấu tích của một thời ngày xưa bên cạnh những trụ bơm nước sạch công cộng. Những ngôi nhà kiên cố khang trang sạch sẽ. Những cửa hàng nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm mà đa phần được làm ra từ bàn tay, khối óc của những người làng để phục vụ du khách. Đặc biệt, một khu nhà cộng đồng rộng thoáng với nhiều phòng chức năng, những kệ sách, bản đồ giới thiệu lịch sử hình thành ngôi làng, những kệ trưng bày những dụng cụ làm nông, những sản phẩm tạo ra từ nghề nông. Đây là ngôi nhà chung để người làng lui tới để sinh hoạt văn hóa, học tập, giao lưu. Tính cộng đồng từ đây, tri thức hóa người làng từ đây, một cộng đồng cư dân làng hài hòa cũng được tạo lập từ đây.

Cảm nhận được làng quê này là của người làng này. Người làng mới là chủ thể tạo lập làng quê, hình thành văn hóa làng, phát triển kinh tế làng, kiến tạo không gian làng với những khung cảnh thanh bình, giàu sức sống. Người làng không biệt lập trong ngôi nhà của mình mà kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng, sức mạnh làng. “Lệ làng” thông qua những quy tắc ứng xử không phải để vượt lên “luật vua” mà thẩm thấu những quy phạm pháp luật dựa trên đặc điểm của làng, làm cho pháp luật được người làng tiếp nhận một cách tự nguyện, nhẹ nhàng, sáng tạo. Tính liên kết ngang những người làng cùng nhau làm chủ làng quê của mình, chính quyền chỉ giữ vai trò cung cấp dịch vụ công, tư vấn, hỗ trợ. Đó chính là thiết chế tự quản trong cộng đồng dân cư.

Đi xa rồi lại nhớ về quê hương. Người ta đẹp tới đâu thì cũng không bằng quê nhà vì “Quê hương mỗi người chỉ một”. Ai cũng có tình yêu quê hương xứ sở, nơi mình sinh ra, trải nghiệm thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, ra đi tìm kiếm cơ hội cho cuộc sống và làm việc. “Khi thương trái ấu cũng tròn”, con người chúng ta vốn dĩ vẫn vậy, làng quê mình dù sao vẫn đẹp. Song, đôi khi cũng cần nhìn về người để ngẫm về mình, để mỗi ngày một tốt hơn, để tránh tự bằng lòng trong một thế giới muôn màu. Thế giới này là sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau mà thôi.

Yêu thương là vậy nhưng rồi bỗng một ngày làng quê không còn gần gũi nữa, chỉ còn trong khắc khoải, trong tâm niệm, trong mơ hồ. Bôn ba chốn thị thành, hít thở không khí tất bật của người thành thị, hình ảnh làng quê chỉ còn mờ ảo như những cuộn khói mùa đốt đồng. Rồi cũng đôi khi trở về làng như một nghĩa vụ, như một cuộc du ngoạn. Ngắn thì sáng về chiều lại vội vã đi, dài thì ba hôm năm bữa cũng lại đi, để lại họ hàng thân thuộc, thửa ruộng, bờ ao. Có những người già thốt lên, tụi nó về rồi đi nhanh như người ta đi thăm bẫy vậy.

Quê mình đã có nhiều đổi thay từ khi nông thôn khoác lên mình chiếc áo mới. Đường làng mở rộng khang trang, nhà cửa kín cổng cao tường, làng hóa phố, phố trong làng. Những công trình công cộng được đầu tư phục vụ người làng: nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, trường học, trạm y tế, chợ mua bán, nơi chôn cất, khu xử lý rác, trụ sở hành chính. Rồi nào cấp điện, nào cấp nước, đèn điện sáng choang thay những ngọn đèn dầu khi tỏ khi mờ. Người làng hớn hở đón chào ngày khánh thành những công trình mới, háo hức trước quang cảnh mới, hòa vào nhịp sống mới. Đi xa lâu ngày trở về bỗng thấy lạ mà hình như quen, nhưng quen mà hình như sao thấy lạ.

Nhìn đây đó vẫn thấy hình như còn thiếu điều gì đã ăn sâu vào tâm thức, đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách người làng. À, hình như đó là cái hồn quê. Đây đó, bên cạnh những xã Nông thôn mới đã dựng được “cốt” mới nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ, thì có hình ảnh một vài nơi nhìn thấy hiện đại hơn nhưng cảm nhận được sự thô ráp, vô hồn như cô gái đẹp mà kém duyên. Nhiều công trình được xây dựng nhưng dường như xa lạ với người làng, thấy thiếu điều gì đó thân thuộc như hình bóng ngày xưa. Những hàng cây xanh mát vệ đường, luỹ tre nên thơ ngày nào bỗng bị thay thế một cách khiên cưỡng bằng những chậu hoa đẹp nhưng cảm thấy xa lạ với khung cảnh tự nhiên quanh làng.

Có phải do người ta giàu có nên mới có thể xây dựng làng quê đẹp đẽ như vậy. Hình như đúng mà hình như cũng chưa đúng. Hình ảnh làng quê thôn dã giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hòa thân thiện do chính người làng tạo lập. Đó sẽ là sức hút, khi ấy người rời làng sẽ quay về nhiều hơn, khách phương xa sẽ tìm đến thăm thú trải nghiệm đông đúc hơn, sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ nhiều hơn, thu nhập và chất lượng sống người làng sẽ được nâng thêm.

Điều làm nên hình ảnh nông thôn đầy sức sống chính là cách đặt con người vào đúng vị trí trung tâm, người làng tạo ra sức sống cho làng. Hình ảnh nông thôn với ruộng vườn sạch sẽ chính là điều người ta xem đó là phẩm cách của một địa phương, đất nước. Nông thôn là để phục vụ con người và chính con người đã cùng nhau tạo ra nông thôn theo cách riêng của mình. Người làng cùng kiến tạo, cùng quản lý để rồi người làng cùng thụ hưởng thành quả của mình. Khi ấy, nông thôn sẽ thực sự là nơi đáng sống, nơi đáng trở về, nơi đáng tìm đến!

“Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”! 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất