, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 10/04/2023, 06:00

Nhân lực nông nghiệp công nghệ cao đang nơi nao?

HOÀNG LY
"Nông - lâm - ngư là các ngành nghề bị truyền thông bỏ quên và giới trẻ vẫn nghĩ làm nông là chỉ… lội ruộng. Từ lý do này, khi người trẻ “quay lưng”, ngành nông nghiệp đối diện với nguy cơ khủng hoảng nhân lực chất lượng cao.

Người trẻ lạnh lùng với nhóm ngành nông – lâm – ngư

“Em chê ngành nông nghiệp lạc hậu, sao em không nghĩ chính mình sẽ góp phần xóa bỏ sự lạc hậu ấy?”, chuyên viên tư vấn tuyển sinh đã đặt câu hỏi với học sinh tại một ngày hội hướng nghiệp ở TPHCM. Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa tuyển sinh đại học, ngành giáo dục lại chứng kiến sự đìu hiu vắng vẻ ở các nhóm ngành “lỗi thời”. Bị thí sinh “ghẻ lạnh” nhất chính là nhóm ngành nông - lâm - ngư, tiếp sau là nhóm sư phạm. Mùa thi 2022, nhóm nông - lâm - ngư chỉ tuyển được 49,1%, giảm hơn 13% so với năm 2021.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp và Chuyển đổi số doanh nghiệp nhận xét: “Có thị trường khổng lồ nhưng thực tế tuyển sinh nhóm ngành này rất đáng buồn, khó tuyển sinh, tuyển được chất lượng cũng thấp, thậm chí điểm chuẩn thấp nhất trong các ngành đào tạo”. Đáng nói, sự sụt giảm trong tuyển sinh này đã liên tục trong nhiều năm nay, báo động lỗ hổng nhân lực mỗi năm thêm lớn. Nhưng dường như các trường đại học ngành nông - lâm - ngư chỉ thay nhau kêu cứu, chứ không năng động đổi mới các chương trình đào tạo để thu hút thí sinh, các cơ quan bộ ngành không thực hiện các chương trình marketing hợp lý, tóm lại là thấy hổng nhưng không ai ra tay “vá”. Điều này sớm tạo ra nghịch lý: bên trên liên tục hô hào đầu tư cho nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm xương sống, đẩy mạnh nông nghiệp lên hiện đại qua việc số hoá, vận dụng AI… Nhưng ai sẽ thực hiện công cuộc đó? Dồn trách nhiệm chuyển đổi số lên vai nông dân, buộc họ lập tức phải làm chủ công nghệ cao rõ ràng là một ảo tưởng.

Vì sao giới trẻ chê nông nghiệp?

Theo đánh giá của các chuyên viên hướng nghiệp, những ngành nghề mất sức hút thường do đầu ra thiếu việc làm, song với nhóm nông nghiệp điều này ngược lại: tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay rất cao. Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông - lâm - ngư than khó khi muốn bổ sung nhân sự chất lượng cao, đặc biệt trong nhu cầu bức thiết phải áp dụng các kỹ thuật công nghệ, cơ giới hóa kết hợp kỹ thuật số, dùng AI thay thế con người trong sản xuất, dịch vụ, quản lý chất lượng...

Sau các ngày hội tư vấn tuyển sinh, các chuyên viên tư vấn thường nói rằng, thí sinh thiếu thông tin về bức tranh nông nghiệp Việt. Họ “chê” nghề nông vì ngại... học xong phải về quê lội ruộng, lương thấp, môi trường làm việc lạc hậu.

Trong mắt phụ huynh và học sinh, làm nông gắn với cây và con, đòi hỏi thực địa một nắng hai sương ở vùng sâu vùng xa. Trừ nhóm ngành bác sĩ thú y gần đây “hot”, do nhu cầu nuôi thú cưng tại thành phố lớn tăng vọt, thì nhìn chung mức lương của kỹ sư nông - lâm - ngư khi mới ra trường được ghi nhận khoảng 5 tới 7 triệu đồng, cơ hội tăng lương trong vòng 5 năm sau đó không đáng kể. Đầu tư cho con học đại học 5 năm trời để rồi quay lại làm nông dân chân lấm tay bùn là điều dường như phi lý.

Xu hướng, lối sống, môi trường bạn bè cũng ảnh hưởng lớn tới việc chọn nghề của giới trẻ. Khi truyền thông liên tục đặt giá trị vật chất và sự hào nhoáng của một số ngành nghề lên cao và coi đó là thành công, cũng ảnh hưởng tới việc chọn nghề. Rất nhiều phụ huynh giãi bày nỗi lo con họ không có đam mê hay khát vọng cho tương lai mà đều chung câu cửa miệng “con thích làm gì mà dễ nổi tiếng và nhiều tiền”.

Thực tế, việc học sinh, phụ huynh mặc định làm nông nghiệp chỉ là “phơi mặt” trên đồng ruộng cũng có phần lỗi lớn của truyền thông. Rất hiếm các kênh truyền thông tin giúp người trẻ hiểu và yêu nghề truyền thống của cha ông. Rất ít các tấm gương nông dân thành đạt xuất hiện trên mạng xã hội. Càng ít các thí sinh và phụ huynh biết trong khối cơ sở đào tạo nông nghiệp hiện cũng có nhiều ngành học hiện đại như tự động hoá hay trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp.

Cần lắm người giỏi cho nông nghiệp thông minh

Nông - lâm - ngư được mặc định là nhóm nghề không có tính khám phá, thiếu sự mới mẻ; trong khi tâm lý tuổi trẻ nói chung là hừng hực giấc mơ thử sức, sáng tạo... Đây cũng là lý do, đối lập với nhóm ngành ế thì nhóm công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) càng lúc càng hot.

Thời nào cũng vậy, tuổi trẻ thì nhiều khát khao được thử thách và trải nghiệm. Không hẳn lười “lội ruộng”, mà các em chưa thấy việc lội ruộng đó có khiến mình hữu ích có giá trị, hay được ghi nhận là thành công, ít nhất qua mức lương và quan niệm của xã hội.

Chúng ta đã thống nhất với nhau rằng, chuyển đổi số là cuộc chuyển đối phải bắt nguồn từ tư duy, nhưng rõ ràng chúng ta thiếu chính sách thu hút lao động trẻ, thường là những người am hiểu công nghệ đến với nông nghiệp. Đó là nhân định của TS Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam. Ông Tùng nhận xét: “Nếu người trẻ rời xa nông nghiệp, ngành này sẽ khó đạt được mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra”.

Để nông nghiệp hiện đại, không phải cứ đặt mua máy móc hay cài đặt ứng dụng mắc tiền là xong. Chưa nói tới việc thiết kế hay lập trình theo nhu cầu, chỉ việc sử dụng chiếc máy bay không người lái (drone) hay robot cảm biến để theo dõi nhiệt độ, độ ẩm phục vụ tưới tiêu, một hệ thống quản lý dữ liệu từ nông trại tới bàn ăn hay một trợ lý ảo cho một vấn đề khác… đều cần người rành rẽ CNTT vận hành. Bên cạnh đó, bức thiết phải có đội ngũ cán bộ quản lý ngành “cứng” về AI, cùng một lực lượng nòng cốt hướng dẫn cho người nông dân quen với các thiết bị cách thu thập hay nhập dữ liệu…

Năm 2019, ĐH Bách Khoa Hà Nội là nơi đầu tiên trong cả nước tuyển sinh chương trình Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thì tới năm 2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng ra mắt ngành học Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Hiện, các cơ sở đào tạo như Thường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM... đều có nhiều ngành đào tạo kỹ sư CNTT, có những ngành học chuyên về AI như “IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng” của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, theo GS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, AI và công nghệ nói chung chỉ là công cụ. Người học cần có kiến thức cụ thể trong từng lĩnh vực thì mới có thể áp dụng cho từng dự án cụ thể.

Số hóa hay tự động hóa trong nông nghiệp sẽ khác trong công nghiệp hay các ngành nghề dịch vụ. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể, thay vì trông chờ tuyển được kỹ sư giỏi từ các ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin nói chung. Nhìn vào thực trạng bức tranh đào tạo có thể thấy, các lứa sinh viên đầu tiên chuyên sâu về AI hiện chưa ra trường. Như vậy cần ít nhất 5 - 7 năm nữa mới có thể nói là có một thể hệ trẻ tiếp quản những vấn đề mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) trong nông nghiệp.

Đầu tư mạnh và có kế hoạch cụ thể trong tuyên truyền, đào đạo ngay từ hôm nay, may chăng nông nghiệp Việt sẽ vá được lỗ hổng thiếu hụt nhân sự công nghệ cao trong khoảng 5 - 7 năm tới. Nếu không, vẫn chỉ là chuyện hô hào với nhau trong các hội nghị hội thảo mà thôi!

Nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, một số kiến nghị đã được các trường khối nông - lâm - ngư nêu ra với Bộ NN&PTNT:

- Đề xuất chính sách miễn giảm học phí (như đối với khối sư phạm, an ninh quốc phòng);

- Thiết kế mối liên hệ thân thiết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội thực hành, thực tập, tiếp cận kiến thức thực tế và thời sự ngành;

- Ký kết “bao thầu” đầu ra cho sinh viên yên tâm về việc làm khi ra trường.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất