, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/12/2022, 17:00

Nhân rộng cẩm tú cầu tím ở Lạc Dương

VĂN VIỆT
(baolamdong.vn)
Nhiều năm lập vườn ươm gắn với sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hoa, cây cảnh, anh Lê Đoàn Đình Thắng ở đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt đã chọn lựa và nhân rộng nguồn giống cẩm tú cầu màu tím nguồn gốc từ Hà Lan phù hợp với điều kiện canh tác ở các vùng nông nghiệp ngoài trời ở huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt.
Anh Lê Đoàn Đình Thắng trong vườn hoa cẩm tú cầu tím ở xã Đạ Sar, Lạc Dương.

Những ngày lập đông năm 2022, vườn ươm 2.000m2 trên đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt của chủ nhân Lê Đoàn Đình Thắng (sinh năm 1984) xuất vườn các loại cây cảnh, hoa chậu, hoa cắt cành với số lượng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường mới đáp ứng nhu cầu khách hàng địa phương và khách du lịch. Trong đó, đáng quan tâm với các “gói hàng” là những bó hoa cẩm tú cầu tím quý hiếm được anh Lê Đoàn Đình Thắng tổ chức thu hoạch tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương trên diện tích 5.000m2 canh tác ngoài trời.

Được biết, để hình thành khu vườn chuyên canh cẩm tú cầu tím ở đây, anh Thắng đã mua hom giống gốc Hà Lan về trồng thử nghiệm ban đầu vài chục rồi vài trăm mét vuông, từ đó từng bước bổ sung, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật chăm sóc tối ưu nhất trong thời gian 3 năm liên tục - từ năm 2012 đến năm 2015. 

“Nhận được 10 hom giống cẩm tú cầu đầu tiên từ Hà Lan đưa về, tôi trồng xuống luống đất cao khoảng 30cm trên diện tích vài chục mét vuông ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương sau 2 tháng có 7 cây ra rễ, phát triển cành lá. 3 cây còn lại đều chết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tiếp tục bón phân, tưới nước chăm sóc, bơm thuốc phòng, trừ sâu bệnh đối với 7 cây sống, kết quả một năm sau mỗi cây đồng loạt nở hoa màu tím từ 3 cành trở lên. Từ đó, tôi quyết định nhân giống đại trà”, anh Thắng nhớ lại. 

Để minh chứng, chủ nhân Lê Đoàn Đình Thắng đưa phóng viên tham quan khu vườn cẩm tú cầu tím tại Thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đang vào thời kỳ kinh doanh, mỗi ngày năng suất thu hoạch trên dưới 1.000 cành. Kích thước mỗi cành hoa cẩm tú cầu tím đo được trung bình chiều cao 80cm, đường kính đóa hoa hơn 30cm, hoa đượm màu tím sắc nét, rực rỡ. Giá bán mỗi cành hoa cẩm tú cầu tím vào thời điềm cuối tháng 11/2022 đạt trung bình 15.000 đồng/cành, gấp 3 lần giá mỗi cành hoa cẩm tú cầu màu xanh dương. 

Bên cạnh đó, chủ vườn Lê Đoàn Đình Thắng còn sản xuất và cung cấp hàng trăm ngàn cây giống cẩm tú cầu tím theo nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua đó, anh Thắng đã thường xuyên trao đổi, chuyển giao những kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cẩm tú cầu tím của mình cho người trồng mới.

Cụ thể, cẩm tú cầu tím trồng trong điều kiện môi trường khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt và Lạc Dương bằng hình thức giâm cành với mật độ 4.000 gốc cây/1.000m2, trồng trên từng luống đất cao trên dưới 30cm. Do thời gian sinh trưởng đến một năm sau mới đi vào thu hoạch cắt cành, nên cẩm tú cầu tím thường được trồng xen với các loại cây ngắn ngày khác. Thời điểm thu hoạch hoa cẩm tú cầu cắt cành liên tục từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau; còn lại từ tháng 4 đến tháng 8 cắt gốc, tập trung dinh dưỡng cho cây phát triển cành hoa mới.

“Cẩm tú cầu tím là loại cây rất cần tưới đủ nước, nhất là vào mùa khô hàng năm phải tưới phun mưa mỗi ngày 2 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 15 phút. Việc phòng, chống sâu bệnh cần chủ động các biện pháp khác nhau, trong đó chú ý đến thời điểm chuyển mùa khô sang mùa mưa và ngược lại”, anh Thắng chia sẻ. 

Hạch toán trong thời điểm cuối tháng 11/2022 với giá tiêu thụ 15.000 đồng/cành hoa cẩm tú cầu tím, mỗi năm canh tác trên diện tích 1.000m2 đạt doanh thu khoảng 180 triệu đồng. Trừ các chi phí đầu tư về giống, vật tư, lao động…, còn lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Chị Phạm Hương - chuyên phân phối các giống hoa nhập khẩu từ châu Âu và châu Á, nhận định rằng, giống hoa cẩm tú tím Hà Lan đã chứng tỏ thích nghi với các vùng sinh thái của huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt, bởi vậy có thể nhân rộng thành những cánh đồng vừa sản xuất hoa thương phẩm vừa phục vụ khách tham quan trải nghiệm.

Còn chủ nhân Lê Đoàn Đình Thắng cho biết, trong năm 2023 sẽ nhân rộng thêm một khu vườn sản xuất hoa chậu cẩm tú cầu tím để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong và ngoài địa phương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất