, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/03/2023, 14:00

Nhập môn công nghệ in 3D

NGHIÊM QUẢNG
“Công nghệ in 3D nghe có vẻ hơi… cao siêu, nhưng không khó như nhiều người tưởng. Chỉ cần dành vài tiếng đồng hồ lắng nghe hướng dẫn cách sử dụng máy, cách tải hình ảnh 3D, tinh chỉnh vài thông số kỹ thuật… là đã có thể “nhập môn” công nghệ này”, ông Kal Hoang, giám đốc điều hành công ty W.E chuyên về công nghệ in 3D cho biết.

Ngày càng đông người theo học công nghệ in 3D

Ông Trường (55 tuổi, Q.12, TP.HCM) thuộc vào hàng “huynh trưởng” của hội 3D Sài Gòn. Vốn là người am hiểu về công nghệ nên 4 năm trước, ông đã tham gia cuộc chơi in 3D để lưu lại hình ảnh do mình và bạn bè thiết kế lên các vật dụng yêu thích. “Nghe nhắc tới 3D đúng là cao siêu đó nhưng để ứng dụng vào việc in những món đồ chơi nho nhỏ, lại quá đơn giản”, ông Trường chia sẻ. Theo lời của vị huynh trưởng này, “Cái khó nhất hiện nay là thiết kế mẫu. Muốn có mẫu “độc” thì phải tự thiết kế. Nếu không thì có thể tải file 3D trên các web chia sẻ miễn phí như: thingiverse.com, printables.com, thangs.com…”

Ngoài ra còn có nhiều site bán mẫu hình 3D: cgtrader.com, cults3d.com… với giá “kiểu nào cũng có” tùy theo độ tinh xảo và công phu của mẫu, có những mẫu được bán với giá 10 – 20USD/mẫu. Một số website nước ngoài bán hình 3D cứ mỗi tháng lại ra 3 – 4 mẫu mới bán với giá 2 – 3 USD/mẫu. Cũng có tay thiết kế chuyên dựng hình 3D từ hình 2D với mức giá từ 150 – 200 USD/hình tùy theo độ khó của sản phẩm.

Đệ tử nhập môn công nghệ in 3D đang tăng lên từng ngày. Theo ông Kal, hiện cộng đồng in 3D tại Việt Nam có chừng 100.000 người, đa phần là người có tuổi trên 40, có thời gian, siêng năng mày mò thiết kế mẫu. Còn giới trẻ tham gia cộng đồng in 3D chủ yếu là để kiếm sống như: nhận in dịch vụ, thiết kế mẫu để bán… Hiện có nhiều nhóm chơi in 3D là các công ty bất động sản. Thay vì mua hình mẫu về lắp ráp sa bàn, nay họ tự dựng phối cảnh 3D, sau đó in từng chi tiết để lắp ráp thành mô hình sản phẩm hoàn chỉnh, vừa nhanh, rẻ và đẹp hơn.

Thị trường còn hoang sơ

Nhiều sản phẩm được in từ máy in 3D đã xuất hiện ở góc độ: quà tặng, hàng mẫu dùng trong sản xuất, làm đề tài nghiên cứu, sa bàn mẫu, chi tiết máy móc không có linh kiện thay thế... Nhiều thương hiệu máy in 3D tại Việt Nam như: Mingda, Elegoo, Neptune, Creality, Anycubic… với mức giá từ 6 – 35 triệu đồng (chỉ nói về máy in 3D cá nhân) tùy theo lựa chọn công nghệ nào, công nghệ in bằng nhựa sợi (FDM) hay in bằng nhựa lỏng (resin).

Vì cộng đồng mua sắm máy in 3D còn ít nên nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc chơi chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng thị trường về máy móc cũng như dịch vụ hỗ trợ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những tên tuổi có dịch vụ tương đối hoàn hảo, từ bán máy in, nguyên liệu, in dịch vụ, hỗ trợ cộng đồng, có thể kể đến như: W.E, 3D S, 3D Thinking…

Ông Kal Hoang phân tích: “Đó là vòng tròn lẩn quẩn của thị trường in 3D tại Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đều quy mô nhỏ nên họ không đủ lực để phát triển, chưa kể sản phẩm 3D khó cạnh tranh về giá cả so với hàng sản xuất số lượng lớn bằng khuôn mẫu. Ý tưởng khai phá thị trường này có nhiều nhưng cần nhiều vốn đầu tư”. Cũng theo lời vị giám đốc này, nỗi cực nhất của doanh nghiệp kinh doanh in 3D hiện nay là khâu chăm sóc khách hàng.

“Nhiều lúc, tôi và nhân viên phải thức đến 2- 3 giờ sáng để hướng dẫn họ xài máy. Vì thị trường này còn mới, người ta chưa biết cách dùng máy. Lúc đó anh em phải chat, video call để giúp khách hàng”, ông Kal Hoang nói thêm.

Công nghệ in 3D, về lý thuyết, làm được “tất tần tật”, từ xây dựng nhà cửa cho đến sản xuất thực phẩm, thời trang, hàng trang sức, quà tặng, chi tiết máy móc bằng nhựa… Nhưng cuộc chơi này tại Việt Nam vẫn dừng lại ở mức khởi đầu. Nhiều doanh nghiệp nói rằng, phải ít nhất 5 – 7 năm nữa, công nghệ in 3D mới phổ biến khi nhiều công cụ phần mềm chuyên thiết kế hình mẫu 3D dễ sử dụng hơn, hàng hóa buôn bán rộng rãi hơn, có nhiều nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực này…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất