, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 20/04/2022, 09:40

Nhật Bản và những bài học về cuộc sống xanh lành từ nông nghiệp truyền thống

NHÃ UYÊN
Nhật Bản vốn không phải một quốc gia nổi tiếng bởi tài nguyên thiên nhiên, càng không phải là một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Tuy nhiên trong giai đoạn gần đây, người dân Nhật Bản đã quan tâm hơn đến nông nghiệp truyền thống từ thời kỳ Edo (1603 - 1868), đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng 11/03/2011 tại Nhật.
Azby Brown kể về cuộc sống xanh và lối làm nông truyền thống từ thời Edo trong “Sống đủ" (Nxb Thanh Niên, Lại Hồng Vy dịch, 2020)

Vai trò của “phân xanh" và hệ thống nông nghiệp khép kín

Theo những gì Azby Brown kể về cuộc sống xanh và lối làm nông truyền thống từ thời Edo trong “Sống đủ" (Nxb Thanh Niên, Lại Hồng Vy dịch, 2020), một trong những điểm nổi bật của quy trình làm nông kiểu truyền thống tại Nhật Bản thời kỳ Edo là việc sử dụng phân xanh.

Ngày nay phân xanh được hiểu là các loại cây giàu đạm như lúa mạch đen, yến mạch, cây họ đậu… được trồng luân canh với các loại cây khác nhằm làm tơi xốp đất. Bên cạnh sử dụng phân xanh, người ta còn “tấp ủ" - được tác giả định nghĩa là “phủ một lớp cỏ cây để bảo vệ bề mặt đất". Cách làm này giúp “giảm xói mòn, giữ độ ẩm cho mặt đất, hạn chế tác động của những cơn mưa lớn, hạn chế cỏ dại và giúp duy trì nhiệt độ cân bằng của đất". Đồng thời, cũng góp phần bổ sung chất hữu cơ và giúp cho đất đai thêm màu mỡ nhờ tạo môi trường hấp dẫn các loại giun đất cũng như những sinh vật có lợi khác. 

Ở một công đoạn khác, “ủ phân" cũng được nhắc đến như một cách “tạo môi trường cho các vi sinh vật phát triển và sản xuất ra phân bón giàu dinh dưỡng". Ngày nay, cách tận dụng nguồn phân bón hữu cơ như thế được xem như một phương thức hiệu quả để con người bớt phụ thuộc vào các sản phẩm công nghiệp, qua đó giúp bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của chính mình. 

Cứ như thế, người ta cũng tiến hành tái chế các vật dụng trong đời sống để tiết kiệm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu hiện có. Những vật dụng từ việc làm nông hoặc đồ đan rơm, cói… đều có thể được tái chế để biến thành phân ủ hay tấp ủ cho cây. Kim loại không còn sử dụng được có thể được biến tấu thành những món đồ khác nhau như nồi vỡ thì làm thành lưỡi liềm, liềm gãy lại được đánh thành dây xích và móc. Tương tự, gỗ có thể biến tấu từ cán rìu thành thìa, củi đun… và tro thì trở thành phân bón. 

Như vậy, một quy trình khép kín được hình thành với việc tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thiên nhiên để tạo thành nguồn dưỡng chất phục vụ lại cho nông nghiệp.  

Chuyện về hệ thống nước và việc tiết kiệm nước

Azby Brown cũng kể câu chuyện về văn hóa tưới tiêu của người Nhật thời kỳ Edo. Theo đó, hệ thống kênh tưới tiêu được xây dựng thời kỳ này được xem là những cảnh quan cổ xưa nhất ở vùng nông thôn Nhật Bản. Và cho dù có thêm những dự án tưới tiêu lớn khác được thực hiện, người nông dân vẫn dùng hệ thống cũ vốn đã được cha ông họ sử dụng. 

Đặc biệt, hệ thống cấp nước ở Nhật được xây dựng theo hệ thống từ trên xuống theo các tầng địa hình khác nhau. Nước chảy từ những nguồn tự nhiên như sông suối, chảy vào bể chứa và sau đó được xả ra ruộng. Người Nhật tin rằng cách làm này sẽ giúp giữ lại bùn và chất hữu cơ cũng như có tác dụng lọc và làm sạch nước. 

Hệ thống tưới tiêu được xem là một nét văn hóa của vùng nông thôn Nhật Bản

Ngoài việc xây dựng hệ thống tưới tiêu chuyên nghiệp, việc tiết kiệm nước cũng là một yếu tố được nhấn mạnh. Người Nhật truyền thống luôn ý thức được cần tận dụng nước với nhiều mục đích trước khi để nước chảy đi. Nhiều hộ gia đình hiện đại ở Nhật Bản có máy bơm được thiết kế nhằm chuyển nước tắm đã qua sử dụng đến máy giặt. Bằng cách này, không những họ có thể tận dụng nguồn nước tối đa trước khi xả chúng xuống hệ thống nước thải mà còn tiết kiệm được số tiền nước đáng kể vì giá nước ở Nhật rất cao. 

Xu hướng về với ruộng vườn tại Nhật 

Xu hướng gần gũi và quay về với thiên nhiên đã tồn tại ở nhiều cộng đồng tại Nhật Bản từ những năm 1960. Nhiều gia đình sống và làm việc ở thành phố, nhưng có nông trại nên thường về thăm ruộng vườn vào cuối tuần. Dạo gần đây, nhiều gia đình đã học cách trồng trọt, chăn nuôi để trở thành nông dân, hoặc nông dân bán thời gian. 

Khái niệm “nông dân bán thời gian” này dành để chỉ những người vừa làm thêm các công việc đồng áng để tăng thêm nguồn thực phẩm lành mạnh cho gia đình, vừa duy trì thực hiện những công việc khác tùy theo đam mê của mình. Xu hướng nghỉ việc/nghỉ hưu sớm hoặc không tìm việc mà chuyển về nông thôn để làm nông bán thời gian này được Azby Brown xem là một xu hướng sống tích cực vì đã tạo nên một sự chuyển biến về nhận thức tích cực đối với nhiều giai tầng ở mọi vùng, miền trên cả nước. 

Vẫn còn đó rất nhiều câu chuyện khác từ “ruộng và rừng" ở nước Nhật thời kỳ Edo đã trở thành bài học lớn không chỉ cho người Nhật hiện đại mà còn cho tất cả chúng ta. Giữa thời đại công nghiệp hóa, giữa những xáo trộn bất an mà guồng xoay cuộc đời mang lại, trở về với thiên nhiên và những phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống có lẽ là một hướng đi mới để con người có thể tìm được sự cân bằng trong thực tại. 

Trong những năm gần đây, xu hướng trở thành nông dân hoặc “nông dân bán thời gian” cũng đã xuất hiện ở một bộ phận người trẻ tại Việt Nam. Điều này đã được minh chứng rất rõ nét trong một dự án sách tên là “Di cư xanh" (Giang Phạm, 2021) như một tuyển tập hình ảnh tư liệu và câu chuyện về hành trình “bỏ phố về làng" - tìm về nơi nông thôn, rừng núi để trồng trọt, chăn nuôi và sống cuộc đời gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên của những người trẻ ở Lâm Đồng, Hà Nội, Cần Giờ (TP.HCM)… 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất