, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/02/2023, 20:00

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: “Đừng vội áp văn bản hành chính xuống lễ hội để xoa dịu dư luận”

TIẾU TÙNG ghi
Tới nay, hội làng La Cả (thuộc huyện Hoài Đức, nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã duy trì được gần 130 năm, được tổ chức vào mỗi dịp mùng 7 đến 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Nổi bật nhất lễ hội là màn đánh hổ, diễn lại sự tích dân làng cùng Đức thành hoàng làng Đương Cảnh Công diệt trừ hổ ác. Dân làng dự lễ xô vào giằng xé lốt hổ vừa để biểu lộ sự trừng phạt hổ dữ, vừa giành lấy một mảnh lốt để “lấy khước”. Trước đây, màn giằng xé kia vẫn diễn ra êm thấm nhưng sau này lại bị dư luận góp ý nhiều về độ dã man trong màn đánh hổ. Năm nào dân làng cũng bị nhắc.

Để truyền thống không bị đứt đoạn, dân La Cả “cực chẳng đã” phải “viết lại” kịch bản màn đánh hổ. Lúc tới đoạn kịch tính nhất để kết liễu con hổ, diễn viên đóng vai con hổ chạy trốn mất, dân làng vẫn cứ đốt đuốc đi tìm.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Mặc dù dân làng La Cả đã “lách” một cách nghệ thuật và tài tình để hội làng “đến hẹn lại lên” nhưng trong thẳm sâu, trong suy nghĩ của cá nhân tôi, vẫn có gì đó mất mát. Một điều gì đó đã không còn nguyên nữa khi tính nguyên bản lễ hội này bị can thiệp mà giảm đi. Thay vì đường hoàng vui hội làng, thờ cúng thành hoàng làng, tổ tiên, họ phải “lách” ánh mắt của những cái gọi là “văn minh” và dư luận, của khách thập phương đến tham gia lễ hội để làm “lệch” đi lễ hội của bản thân họ.

Có một thời gian dài, hoạt động lễ hội bị đứt quãng do chiến tranh. Sau này, có một số lễ hội được khôi phục lại khác với lễ hội ban đầu. Sau này nữa, khi kinh tế phát triển, người ta còn làm mới lễ hội theo nhiều cách khác nhau. Thậm chí, khiến tôi cảm thấy giật mình. Tôi ví dụ lễ hội Tràng An (Ninh Bình), nhìn qua thì rất đẹp, long trọng, rất bài bản nhưng đáng tiếc, lễ hội không dành cho người dân địa phương mà hướng tới mục đích du lịch là chính. Người thực hành lễ hội là diễn viên. Lễ hội biến thành sân khấu chuyên nghiệp.

Điều này cũng bình thường trong bối cảnh hôm nay; có điều, nếu du khách không hiểu thì dễ bị ngộ nhận đó là bản chất của lễ hội này. Lẽ ra, chủ thể của lễ hội lúc nào cũng phải là người dân bản địa. Ban chủ tọa phải là các cụ cao niên, những người được sinh ra và lớn lên ở đó. Họ sẽ là người đọc văn tế trước tổ tiên của họ chứ không phải người nơi khác đến đây và làm công việc đó. Điều này vui hay không không vui? Đúng hay không đúng?

Cách đây vài ngày, tôi mới đọc được thông tin, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cho dừng lễ đánh trận phết. Chính quyền cho hay, do trước Tết, nước tràn vào bãi đánh trận nên có nhiều bùn, không đảm bảo cho an toàn lễ hội. Lại có người nói, do những năm trước, số người tham gia lễ hội quá đông, một số thời điểm tạo ra cảnh tượng tranh cướp hỗn độn, phản cảm, không lành mạnh khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc. Đây rõ ràng là một câu chuyện không mấy vui vẻ gì.

Tất nhiên, cũng có những lễ hội truyền thống đã trở nên lạc hậu, bộc lộ những yếu tố không còn phù hợp với xã hội mới, cần dẹp bỏ. Tuy nhiên, cũng không nên vì một số ít lễ hội như vậy mà “cào bằng” và ứng xử thiếu sự bình tĩnh lẫn chiều sâu văn hóa với số di sản lễ hội còn lại.

Tôi muốn đặt một câu hỏi nhỏ: bây giờ, lễ hội dành cho ai? Cho người dân địa phương, cho khách du lịch? Truyền thông, dư luận trong một thế giới phẳng có ảnh hưởng/ can thiệp như thế nào đối với hoạt động lễ hội của ông cha. Tôi nghĩ, ở thời nào cũng thế, đừng quên, cộng đồng người dân địa phương mới là trung tâm và chủ thể của lễ hội truyền thống. Tôi, bạn, hay những người khác, chỉ là khách qua đường. Chỉ khi nào trả lời và thấu suốt câu hỏi đó, thì hoạt động lễ hội và quản lý lễ hội mới chạy trên một đường băng như nó vốn là.

Lễ hội Đồng Kỵ

Nước ta có hơn 7000 lễ hội truyền thống. So với ngày xưa, ngày nay, hoạt động lễ hội thu hút đông người tham gia, thậm chí nhờ truyền thông quảng bá, số lượng người đến năm nay “xô đổ” kỷ lục người đến những năm trước đó. Điều đó dẫn đến tình trạng ban quản lí không đủ năng lực, kiến thức lẫn công cụ để quản lý; trong khi đó, chuẩn hóa lễ hội (vì nhiều lý do về tính chất vùng miền, thói quen, tập tục…) là điều không hề dễ dàng.

Vì thế, khi chưa hiểu hết ngọn nguồn, đừng “lên đồng” đòi dẹp bỏ. Nên bình tĩnh, khách quan và tôn trọng trong sự đa dạng. Cũng không nên gấp rút dẹp bỏ hay đừng vội áp những văn bản hành chính khô khan, cứng nhắc xuống lễ hội để xoa dịu truyền thông và dư luận. Lắm khi chúng ta thiếu vắng cả sự đối thoại, đồng cảm lẫn hiểu biết trong hoạt động và quản lý lễ hội.

Tôi bắt đầu điền dã và “săn” ảnh tư liệu về lễ hội từ những năm 2000. Nhìn chung, không khí lễ hội khi đó hãy còn mộc mạc, đơn sơ và nhiều chan hòa, không rơi vào tình trạng chen lấn, chặt chém, xô bồ như hiện nay. Hiệu ứng truyền thống và dư luận cũng… chưa chạm đến những làng quê thanh bình.

Tới nay, gần hai mươi năm kể từ ngày đầu đi lễ hội, dầu có nhiều nét khác, có cả một nỗi buồn nhỏ xen lẫn niềm tiếc nuối nào đó, tôi vẫn bị choáng ngợp bởi sức hấp dẫn của nó. Lễ hội chính là cái “vốn giắt lưng” của dân tộc này để đi ra, hòa vào sự đa dạng của văn hóa bên ngoài lãnh thổ. Nếu không có cái vốn ấy, chúng ta biết lấy gì mà đối thoại, mà để đàng hoàng, tự tin…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất