, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 10/09/2022, 15:38

Nhiệt độ ở Trung Đông tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của thế giới

LÊ KIÊN
(MSN)
Một nghiên cứu về khí hậu mới đây cho biết, nhiệt độ ở Trung Đông đang nóng lên ở mức cao, gần gấp đôi so với mức trung bình thế giới và có nguy cơ gây ra các tác động tàn phá đối với con người cũng như nền kinh tế.
Các đợt nắng nóng, hạn hán và bão cát đã ập đến Iraq - một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong ảnh là một đứa trẻ đi dạo qua đầm lầy bị khô nẻ ở tỉnh Dhi Qar, miền nam nước này vào ngày 23/8/2022. (Ảnh: MSN/Hussein Faleh)

Theo Báo cáo được công bố trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Ai Cập vào cuối năm nay, nếu không có những chính sách thay đổi nhanh chóng, hơn 400 triệu người sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán kéo dài và tình trạng nước biển dâng.

Báo cáo nghiên cứu cho thấy, dựa trên dữ liệu giai đoạn từ 1981 – 2019, mức tăng trung bình mỗi thập kỷ ở khu vực Trung Đông và đông Địa Trung Hải là 0,45 độ C, trong đó mức tăng trung bình toàn cầu là 0,27 độ C.

Báo cáo cũng nêu rõ, nếu không có những thay đổi ngay lập tức, khu vực Trung Đông dự báo sẽ nóng lên 5 độ C vào cuối thế kỷ này, có thể vượt quá "ngưỡng quan trọng đối với khả năng thích ứng của con người" tại một số quốc gia.

Trung Đông được dự báo sẽ nóng thêm 5 độ C vào cuối thế kỷ này. (Ảnh: MSN/ Al-Rubaye)

Ông Jos Lelieveld thuộc Viện Hóa học Max Planck và Viện Cyprus cho biết: “Con người sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về sức khỏe và rủi ro sinh kế, đặc biệt là các cộng đồng kém may mắn, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai”.

Nghiên cứu này được thực hiện tại nhiều khu vực từ Hy Lạp và phía tây Ai Cập đến Lebanon, Syria, Iraq, các quốc gia vùng Vịnh Bahrain, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng như ở phía đông Iran.

Nông dân Ai Cập ở đồng bằng sông Nile, nơi các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. (Ảnh: MSN/Khaled Desouki)

Biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu đang là thử thách lớn 

Theo một báo cáo khác được công bố lần đầu tiên vào tháng 6 trên tạp chí Reviews of Geophysics, khu vực Trung Đông không chỉ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu mà còn trở thành khu vực có đóng góp lớn vào biến đổi khí hậu. Trung Đông cũng là khu vực nhiều dầu mỏ, đang trên đà trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, vượt qua cả Liên minh châu Âu trong nhiều năm.

"Vì hệ quả của biến đổi khí hậu là xuyên biên giới, cho nên sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia là điều cực kỳ cần thiết để đối phó với những tác động bất lợi có thể xảy ra". - Ông Jos Lelieveld cảnh báo.

Cũng theo báo cáo trên, tất cả các khía cạnh của cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều kiện khí hậu khô hơn, nóng hơn, có khả năng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư giàu - nghèo trong khu vực.

Các đài phun lửa đốt cháy khí thừa tại mỏ dầu khí Zubair, phía bắc Basra ở miền nam Iraq ngày 13/7/2022. Đây được xem là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên tình trạng biến đổi khí hậu. (Ảnh: MSN/Hussein Faleh)

Đại diện của gần 200 quốc gia sẽ nhóm họp vào tháng 11 tại thị trấn nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập để theo dõi tiến trình “Thỏa thuận Paris 2015”, trong đó các quốc gia hứa hẹn sẽ hạn chế sự nóng lên của trái đất thông qua việc cắt giảm lượng khí thải.

Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ trung bình trái đất đã ấm lên gần 1,2 độ kể từ thời kỳ công nghiệp. Vào tháng 5 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới của LHQ cho biết, nhiệt độ thậm chí có thể vượt qua ngưỡng 1,5 độ trong vòng 5 năm tới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất