, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 05/11/2021, 17:10

Nhiều đề tài nghiên cứu giống "con bò tót lai" bị bỏ đói

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
(nongnghiep.vn)
Con bò tót lai là sản phẩm của một đề tài nghiên cứu ở phía Nam nhưng khi kết thúc, nó bị bỏ đói, gầy rộc đi vì không xin được đề tài tiếp nối...
Những đề tài nghiên cứu sau 5 năm thường dang dở, và rất khó để tiếp tục hoàn thiện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu "tổng công trình sư"

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của ta bị “băm chặt”, ngắt quãng, bỏ đói cũng hệt như thế. Khi tôi đưa ra nhận định trên, PGS.TS Khuất Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp tỏ ý đồng tình.

Rồi anh lý giải chuyện tại sao ngày trước Viện mình bán được bản quyền giống mà giờ thì lại không: "Cái đích cuối cùng của chúng tôi vẫn hướng đến là giống để sản xuất, thương mại, nhưng năm 2020 là giai đoạn cuối của các chương trình, nhiều đề tài bắt buộc phải kết thúc, không đủ thời gian để ra được giống mà chỉ ra dòng triển vọng. Các dòng triển vọng của Viện hiện có rất nhiều nhưng kết thúc đề tài rồi, không còn tiền để triển khai nữa".

Với cây lúa, ngô, cây đậu tương thời gian sinh trưởng ngắn, một năm còn 2 - 3 vụ, chứ với cây ăn quả lâu năm như xoài, nhãn, vải… thì theo kế hoạch 5 năm một, khó mà ra được giống tốt. Các nhà khoa học thường vướng ở chỗ xin được đề tài về một loại cây nào đó, sau 5 năm kết thúc mà không xin được nữa lại xin sang nghiên cứu cây khác, lại mất 5 năm nữa, rồi cứ thế… Bởi vậy, không có chuyên gia kiểu như "tổng công trình sư".

Bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều đối tượng nghiên cứu như ngô, lúa, hoa, cây ăn quả… Các cán bộ khác trong Viện cũng tương tự như thế, đối tượng nghiên cứu phụ thuộc vào khả năng xin đề tài. Có những khi rất tiếc bởi có những dòng triển vọng rồi, chỉ một khâu nữa là ra giống thôi nhưng không thể, bởi đâu phải hễ xin đề tài là được? Phải đúng thời điểm, đúng mục tiêu, đúng khung chương trình… Bởi thế, những dòng triển vọng, những vật tư, vật liệu trung gian không phát triển được, rất lãng phí.

Ở nhiều nước, nhà khoa học nếu được giao cho nghiên cứu về một loại cây nào đó thì làm suốt cả đời, gồm tất cả những vấn đề liên quan như nghiên cứu cơ bản, chọn tạo giống, tổ chức hội nghị, hội thảo đến thương mại... Tiền nghiên cứu được cấp theo một chu kỳ rất dài, đến khi người này nghỉ hưu lại chọn trong số những cộng sự của mình một người có thể cầm trịch để tiếp nối.

Hiện nay, Viện đang có kho dữ liệu rất khổng lồ gồm 600 dòng lúa với các tập đoàn kháng rầy nâu, kháng bạc lá, kháng đạo ôn, chịu hạn, chịu mặn... đã được giải mã gen nhờ Đề tài Nghị định thư hợp tác với Anh.

Giải mã hệ gen đầy đủ của các giống lúa sẽ có rất nhiều cơ hội để có thể nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, cũng rất khó để khai thác chúng dù sẵn máy móc hiện đại, vì phải có các chuyên gia giỏi về tin sinh và các đề tài để tiếp nối.

Nghiên cứu một giống sắn mới tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Chúng tôi không được đào tạo về tin sinh, còn các chuyên gia tin sinh mà trả lương 5 triệu đồng/tháng thì họ lại không chịu về Viện để làm, bởi bên ngoài chuyên gia tin học người ta đang trả lương 30 - 50 triệu đồng/tháng...", PGS.TS Khuất Hữu Trung cho biết.

Cũng theo anh Trung, Viện Di truyền Nông nghiệp là đơn vị nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Số lượng giống của Viện được công nhận không hề thua kém so với các viện nghiên cứu khác, thậm chí còn đa dạng hơn, gồm rất nhiều loại như lúa, ngô, sắn, hoa, cây ăn quả, mía, nấm… nhưng việc thương mại không dễ dàng chút nào.

Trước đây, giống lúa DT 10 của Viện từng “nổi đình, nổi đám” giờ chỉ còn một diện tích nhỏ để làm bún, bánh bởi không đáp ứng được với nhu cầu về chất lượng ngày càng cao của đời sống. Nhiều giống khác Viện làm ra khá tốt nhưng cũng khó để phát triển vì kinh doanh thương mại thì các viện thua các công ty ở mạng lưới phân phối, khả năng marketting...

Dù Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam luôn chỉ đạo nghiên cứu là phải gắn với ứng dụng. Nhưng tuyển người làm kinh doanh giỏi về rất khó, còn cán bộ khoa học mà đi làm kinh doanh thì đất nước sẽ có một nhà khoa học rởm và một nhà kinh doanh tồi.

Hụt hơi đuổi theo

Áp lực về giống trước đây không lớn bởi sự cạnh tranh ít, bây giờ đòi hỏi cao hơn về cả năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu, hơn nữa lại có rất nhiều giống của ngoại nhập. Ví dụ như trong chọn tạo giống ngô chẳng hạn. Trong khi nước ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến trước mình nên tạo ra giống với năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu tốt thì ta ra một giống vượt qua được họ là rất khó.

Nghiên cứu đã khó, việc chuyển giao ra thương mại các sản phẩm nghiên cứu của các viện ngày càng khó hơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các loại cây trồng khác như giống hoa, giống rau, giống cây lương thực, một số giống cây ăn quả, họ nghiên cứu rất bài bản, mất hàng chục năm để tạo ra nên rất tốt, ta cũng khó mà đuổi kịp. Còn đối với những cây bản địa, cây đặc sản như cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây rau, hoa… thì ta mới có thể hơn vì đơn giản là họ không có những giống đó.

Cho nên, làm giống giờ đây, dù các nhà khoa học có mặn mà, đam mê, thích sáng tạo, thích có một thứ gì đó để đời cũng khó mà làm được.

“Các công ty giờ đây cũng xin được các đề tài nghiên cứu khoa học, tự chọn tạo giống hay nhập nội giống về khảo nghiệm, phần nào khó thì họ thuê người của các viện nghiên cứu công lập nên những nhà khoa học trở thành người làm thuê”.

(PGS.TS Khuất Hữu Trung)

Cách đây 15 - 20 năm, các giống đều được xã hội hóa theo kiểu Nhà nước cho tiền, nhà khoa học nghiên cứu và ra giống thì tự phát triển. Hồi ấy sản phẩm của Viện Di truyền Nông nghiệp chủ yếu là giống thuần và đều được xã hội hóa. Nhóm tác giả của giống được toàn quyền sở hữu, một là phối hợp với các công ty để khai thác thương mại, hai là tự khai thác thương mại.

Đến giai đoạn khi bán bản quyền với cơ chế Nhà nước và Viện thu 70%, nhóm tác giả được hưởng 30%, đơn vị cũng bán bản quyền được một số giống nhưng giá trị chuyển nhượng không lớn, chỉ khoảng 100 - 200 triệu đồng.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp mua về cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hoặc vì một lí do nào đó cũng không phát triển được, rồi nợ luôn cả tiền mua bản quyền nên các nhà khoa học cũng chẳng biết làm thế nào.

Nói về chuyện Nghị định 70 trong thực hiện các đề tài chọn tạo giống, theo anh Trung phải có những hội nghị, hội thảo để bàn cụ thể hơn. Về logic, tiền của Nhà nước đầu tư thì sản phẩm làm ra phải do Nhà nước sở hữu.

Tiến sỹ Võ Thị Minh Tuyển, Trưởng Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai (trái) đang trao đổi với đồng nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của đề tài nghiên cứu không hẳn là giống mà là sản phẩm trung gian như dòng triển vọng, dòng mang gen (gen năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh…) hay những quy trình kỹ thuật, đặc biệt là các sản phẩm không nhìn, không sờ thấy được như các gen, các đoạn trình tự, các vector… 

Khi kết thúc đề tài, theo quy định phải bàn giao lại tất cả các sản phẩm. Vậy, cơ quan nào có đủ những máy móc, thiết bị để giữ các sản phẩm trung gian của toàn bộ các đề tài? Hơn nữa, chúng nếu không tiếp tục được nghiên cứu, phát triển thì cũng chẳng có giá trị. Cho nên quy định phải rất chi tiết, cụ thể hơn, chứ cứ chung chung phải bàn giao lại thì quá khó.

Ở Viện Di truyền Nông nghiệp, cũng đã họp bàn về việc bàn giao những sản phẩm trung gian của các đề tài để quản lý, nhưng vẫn rất lúng túng. Nếu yêu cầu chủ nhiệm đề tài nộp về Viện, các dòng lúa, ngô còn bảo quản được 5 - 10 năm, đối những cây có dầu như lạc, đậu tương, chỉ một vài năm là mất sức nảy mầm thì xử lí thế nào?

"Những sản phẩm hạt của các dòng, còn các sản phẩm là cây in vitro, bình nuôi cấy mô đặc biệt là các gen, các đoạn trình tự, các vector… thì tủ lạnh âm 20 - 40 độ C đâu để bảo quản, rồi kho để chứa nữa. Mà lưu giữ những thứ đó để làm gì? Ai là người khai thác chúng nếu như không có đề tài tiếp? Chẳng biết làm thế nào nên chúng tôi đành phải để cho các chủ nhiệm đề tài tự lưu giữ, tự bảo quản, tự khai thác...", PGS.TS Khuất Hữu Trung nêu thực tế.

TS Võ Thị Minh Tuyển, Trưởng Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai đã từng chuyển giao các giống lúa như DT45, DT66, DT80 cho các doanh doanh nghiệp kể: Giá bán bản quyền cách đây hơn 10 năm rất thấp. Ngoài khoản nộp cho Viện, cho Bộ môn, rồi tổ chức liên hoan một bữa, còn lại mỗi tác giả cũng chỉ nhận được 1 - 2 triệu đồng.

“Bán không được bao nhiêu nên cũng không có động lực, mà chủ yếu là nhà khoa học khi có đề tài thì phải trả bài. Lương thấp nên việc chúng tôi làm hoàn toàn là do đam mê. Nhưng hiện tại, thế hệ trẻ thì thường không nghĩ thế nên quân số của Bộ môn, của Viện mới giảm dần theo các năm.

Chưa có Nghị định 70 đã thế, giờ nếu áp dụng thì các nhà khoa học lại càng không mặn mà. Bộ môn chúng tôi đang có nhiều sản phẩm trung gian là 1 tập đoàn gồm hơn 100 dòng triển vọng nhưng đề tài, dự án xin tiếp để nghiên cứu, chọn tạo thành giống rất khó, còn tác giả bỏ tiền túi ra để làm tiếp cũng là điều không thể nên chỉ cất trong kho lạnh".

(TS Võ Thị Minh Tuyển)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất