, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/07/2022, 13:40

Nhiều dịch vụ tài chính hướng đến người lao động

MINH HUY
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt – đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa – các nhà mạng viễn thông, ngân hàng và các công ty tài chính đã tìm nhiều cách để người dân khu vực này có thể tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ tài chính hiện đại. 

Khách hàng sử dụng Mobile Money: hơn 60% ở nông thôn

Từ tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QÐ-TTg về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Sau hơn 1 năm triển khai với sự tham gia của 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VNPT, Mobile Money đã góp phần thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ, hướng đến nhóm đối tượng khách hàng không có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng.

Đại diện Viettel cho biết, tận dụng tiềm lực sẵn có là sóng viễn thông phủ tới 99% diện tích Việt Nam và hệ thống hạ tầng phục vụ phủ tới 11.000 phường, xã trong đó có các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, Viettel đảm bảo bất kỳ nơi đâu có sóng dịch vụ là người dân có thể tiếp cận được dịch vụ Mobile Money, kể cả khi không có Internet lẫn điện thoại thông minh. Theo đó, với Viettel Money, người dùng chỉ cần có số điện thoại là thực hiện được mọi giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng trên hệ sinh thái do Viettel cung cấp với hơn 300 tiện ích dịch vụ và các tính năng được cá nhân hóa theo nhu cầu của người dùng. Ðể đưa dịch vụ đến gần khách hàng, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, Viettel đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi tập trung vào các dịch vụ thiết yếu của người dùng như hoàn tiền khi thanh toán điện nước, chuyển tiền mua bán, len lỏi vào từng ngõ ngách của các thôn, xã để việc chi tiêu, thanh toán không dùng tiền mặt trở nên gần gũi hơn với người dân. 

Đại diện Mobifone thì cho biết đang tập trung hướng dịch vụ Mobile Money đến nhóm khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa để họ được tiếp cận dịch vụ tài chính đơn giản và phổ cập. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay, trong hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng Mobile Money, khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo chiếm đến 60%. Có hơn 3.000 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money đã được thiết lập, trong đó điểm kinh doanh thuộc địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo chiếm khoảng 30%.

Ông Lê Anh Dũng, Vụ Phó Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tiềm năng của Mobile Money là rất lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Thời gian tới, các doanh nghiệp thí điểm Mobile Money sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thanh toán dịch vụ công, giải ngân trợ cấp Chính phủ cho các khoản an sinh xã hội qua dịch vụ Mobile Money. “Chúng tôi kỳ vọng Mobile Money sẽ phát triển mạnh mẽ, thực chất để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; qua đó, tạo sự gắn kết và bổ trợ cho hệ thống ngân hàng hiện hữu để tạo nên hệ sinh thái thanh toán số năng động, bao trùm, phục vụ tốt hơn cho người dân”, ông nói. 

Không chỉ nhà mạng, các ngân hàng như Agribank cũng đưa ra nhiều giải pháp cho khách hàng cá nhân tại các địa bàn nông thôn hoặc nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Khách hàng khu vực này được cấp hạn mức tín dụng thấu chi tới 30 triệu đồng để thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất... Đây là động thái nhằm khuyến khích và tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân ở nông thôn cũng như tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính của ngân hàng. Sacombank với mô hình One stop - một điểm đến đa dịch vụ – cũng đã giúp khách hàng có thể dùng bất kỳ ứng dụng thanh toán (app) nào trên điện thoại để thanh toán dịch vụ một cách đơn giản, tiết kiệm được thời gian. Nhờ vậy, lượng giao dịch online của khách hàng thời gian qua tăng mạnh. Một số điểm giao dịch ở vùng sâu, vùng xa của Sacombank có lượng giao dịch online tăng tới 98%. 

Nhiều dịch vụ hướng tới khách hàng bình dân

Mặc dù các dịch vụ tài chính ngày càng gần gũi hơn với người lao động nhưng nhìn chung, phân khúc khách hàng là người lao động phổ thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo thống kê, Việt Nam hiện có đến 33,4 triệu lao động có việc làm phi chính thức, phần lớn là hộ kinh doanh cá thể, công nhân thời vụ, nông dân, lao động tự do hoặc làm việc tay chân tại các công trình, dự án… Điểm chung là họ không có việc làm ổn định, không ký hợp đồng lao động chính thức nên không có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng trong khi họ lại là đối tượng dễ bị tổn thương, luôn có nhu cầu vay vốn để chi tiêu hoặc trang trải cuộc sống. 

Nhìn thấy “khoảng trống” này, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính đã tiến hành thiết kế nhiều sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với phân khúc nói trên. Mới đây, chuỗi F88 vừa chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chuỗi cửa hàng cho vay tiền mặt nhanh bằng cầm cố tài sản trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích phục vụ tầng lớp lao động bình dân. Ngoài cho vay, hiện F88 còn đẩy mạnh hỗ trợ thanh toán trực tiếp các loại hóa đơn điện, nước, Internet, truyền hình cáp, học phí, chuyển tiền, nạp- rút tiền qua ví điện tử… 

Ông Phùng Anh Tuấn - CEO của F88, cho biết các dịch vụ này đã có trên các ứng dụng ngân hàng số nhưng theo khảo sát, hiện có tới 69% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính. Do không thể sử dụng ngân hàng số nên hàng tháng, họ phải đi nhiều nơi để thanh toán nhiều loại hóa đơn khác nhau vừa phiền hà, vừa mất thời gian. “Với lợi thế hơn 600 phòng giao dịch trên toàn quốc và dự kiến sẽ đạt mức 1.000 phòng giao dịch vào đầu năm 2023, các chuỗi cửa hàng “đa dịch vụ - một điểm đến” của F88 có mặt tại nhiều khu dân cư, trở thành một cửa hàng tài chính tiện ích quen thuộc với người lao động bình dân, có thể giúp họ thanh toán tất cả các dịch vụ này mà không cần có tài khoản ngân hàng”, ông Tuấn cho hay. 

Bên cạnh đó, F88 còn hợp tác với các công ty bảo hiểm xây dựng và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đặc biệt phù hợp với phân khúc khách hàng bình dân. Cụ thể như: trợ cấp nằm viện; chăm sóc sức khỏe toàn diện; tai nạn cá nhân... có mức phí thường niên chỉ từ 150.000 đồng/năm nhưng quyền lợi lên đến 1,5 tỷ đồng. Đây cũng là giải pháp cho những người lao động phổ thông - đối tượng thường chưa có dự phòng tài chính nhưng lại thường xuyên đối diện với rủi ro trong cuộc sống. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất