, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/03/2022, 16:03

Nhiều mặt hàng thực phẩm đua nhau tăng giá tại TP.HCM

HOÀNG TUYẾT
(baotintuc.vn)
Những ngày qua, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã kéo theo giá thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tăng hàng loạt. Trước tình trạng hàng hóa “té nước theo xăng”, người tiêu dùng phải tính toán, đắn đo, cân nhắc nhiều hơn trong chi tiêu.
Chú thích ảnh
Các mặt hàng rau xanh, củ quả tại các chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh đang thiết lập bảng giá mới.

Thiết lập bảng giá mới

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, hiện nay các loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh đã thiết lập mặt bằng giá mới và vẫn đang có chiều hướng tăng. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, nhiều mặt hàng đã tăng từ 5.000 -10.000 đồng/kg theo giá xăng dầu. Cụ thể,  mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg như rau xà lách cuộn có giá 65.000 đồng/kg, trước đó chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, bông cải xanh – trắng cũng tăng thêm 5.000 đồng/kg và đang ở mức 55.000 đồng/kg, các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo...) tăng hơn 4.000 đồng/kg với mức dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản cũng đua nhau tăng giá “phi mã”. Điển hình, tôm thẻ loại lớn khoảng 15 con một kg có giá 270.000 đồng/kg, trước đây chỉ ở mức 220.000 đồng/kg; mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000 – 280.000 đồng/kg; cá thu và cá bớp cắt khúc tăng thêm 20.000 đồng/kg với giá 250.000 – 270.000 đồng/kg.

Chú thích ảnh
Do các chi phí đầu vào tăng nên tiểu thương phải tăng giá bán để cắt lỗ.

Không chỉ mặt hàng rau củ, quả và hải sản đang tăng giá, các mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống cũng đã được thay đổi giá mới với mức tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba rọi rút xương có giá 130.000 đồng/kg, đã tăng 10.000 đồng/kg so với tháng 2; thịt nạc dăm và thịt vai có giá 100.000 - 110.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với tháng 2)...

Theo lý giải của các tiểu thương tại các chợ truyền thống, họ phải tăng giá bán do chi phí đầu vào tăng. Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán rau xanh tại chợ Phước Long B, thành phố Thủ Đức lo lắng: "Nếu giá hàng hóa, thực phẩm cứ tăng thì sức mua cũng sẽ yếu đi vì người dân cắt giảm chi tiêu. Còn nếu tiểu thương tăng giá bán thì không có lời, thậm chí còn lỗ và phải đóng cửa". 

Cũng theo chị Nguyễn Thị Lan, sau khi tăng giá một số loại rau củ quả, lượng hàng bán ra đã giảm 50% so hơn trước. Thay vì bình thường khách hàng đi chợ sẽ mua 1 kg, nhưng do giá tăng nên người nội trợ chỉ mua 1/2  số rau để giảm chi tiêu. Việc giảm sức mua cũng sẽ khiến các tiểu thương gặp khó khăn hơn. 

Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng hải sản đang tăng cao, anh Lê Văn Hải, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thủy hải sản Vũng Tàu tại chợ Hoa Cau (thành phố Thủ Đức) cho biết, xăng dầu lên giá liên tục làm cho chi phí đánh bắt và vận chuyển cũng tăng chóng mặt. Anh Hải tính toán: "Nếu lấy hàng tận gốc thì con cá này nó phải chịu 2 – 3 lần vận chuyển, còn sang tay thì một mình nó phải qua đến 4 – 5 thương lái. Chính vì vậy, khi hàng hóa về đến chợ thì đã được đội giá thêm các chí phi đi kèm. Vì vậy, xăng dầu tăng giá tất nhiên sẽ kéo theo các mặt hàng thủy hải sản tăng theo. Tuy nhiên, tôi cũng không dám điều chỉnh giá bán tăng liên tục vì muốn chia sẻ gánh nặng với khách hàng cũng như là giữ khách, nếu không người dân sẽ chuyển sang mua mặt hàng khác rẻ hơn".

Chú thích ảnh
Người dân chọn mua các thực phẩm có giá cả phải chăng để tiết kiệm chi tiêu.

Choáng với giá cả hàng hóa, thực phẩm đang tăng giá từng ngày, chị Hồ Thanh Mỹ (ngụ Quận 3) nói: “Ngày trước, cầm 500.000 đồng đi chợ là có thể mua thực phẩm đủ dùng cho cả nhà 5 người trong 1-2 ngày. Còn hiện nay, 50.000 đồng đi chợ không mua đủ thực phẩm cho 1 ngày. Vì vậy, để tiết kiệm chi tiêu, thay vì mua nhiều thực phẩm tươi sống như trước, tôi đã tính toán chuyển sang mua rau, củ nhiều hơn, tất cả đều giảm số lượng cần mua. Đối với mặt hàng nào tăng giá cao, tôi sẽ không mua và chuyển sang mua mặt hàng khác với giá rẻ hơn".

Siêu thị áp dụng giảm giá, khuyến mãi 

Trước tình hình giá xăng tăng khiến giá chí phí bị đội lên cao, đại diện Hội Lương thực – thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ phải điều chỉnh mức giá sản phẩm. Đây là giải pháp không mong muốn nhưng không còn cách nào khác.

Tuy nhiên, nhằm giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, một số mặt hàng sẽ giữ giá ổn định trước và sau Tết. “Tình trạng tăng giá hàng hóa tại các chợ truyền thống hiện nay chỉ là sự tăng giá cục bộ do giá chi phí đầu vao tăng giá. Tuy nhiên, tại các điểm bán lẻ hiện tại hàng hóa vẫn dồi dào, giữ giá ổn định. Vì vậy, người dân khi mua hàng cần chọn các địa điểm mua hàng bình ổn giá để có giá cả hợp lý", ông Nguyên Phương cho biết thêm.

Hiện nay, tại hệ thống các siêu thị vẫn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, do mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8% nên có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT. Ngoài ra, cũng trong tháng 2/2022 hệ thống này áp dụng chương trình giảm giá đến 50% cho khoảng 2.000 sản phẩm nhu yếu, do 5 nhóm hàng thiết yếu luân phiên tham gia giảm giá gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm - hóa mỹ phẩm, may mặc thời trang và dụng cụ nhà bếp – hàng gia dụng.

Tương tự, tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C và các siêu thị Tops Market đã giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% cùng nhiều chương trình giảm giá khác. Theo đó, tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C sẽ có trên 20.000 sản phẩm (gồm thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng…), được áp dụng giá bán mới, giảm 2% thuế VAT. Tại hệ thống siêu thị Tops Market, giá bán được cập nhật theo thuế VAT mới cũng được áp dụng đối với khoảng 12.000 sản phẩm.

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện Central Retail tại Việt Nam cho biết, đơn vị đã chuẩn bị và đàm phán với các nhà cung cấp từ trước Tết, theo đó cam kết đảm bảo giá cả các mặt hàng này vẫn bình ổn giá,  không xảy ra trường hợp hụt hàng hay đội giá. Ngoài ra, tại các hệ thống siêu thị của đơn vị còn áp dụng khuyến mãi cho nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm... để chia sẽ khó khăn với người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, việc giá xăng dầu tăng giá khiến một số mặt hàng cũng tăng theo, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng. Tuy nhiên, Sở mong các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ giữ giá bình ổn để giữ sức mua, đồng thời có thể chia sẻ khó khăn với người dân trong mùa dịch. "Sắp tới, Sở sẽ xin ý kiến đóng góp về cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt hơn vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường và giữ giá bình ổn cho người dân", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất