, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 19/11/2022, 08:47

Nhiều nơi ở châu Âu phải gắn GPS lên cây đề phòng nạn trộm củi

QUANG MINH
(theo AP)
Khủng hoảng năng lượng khiến không ít người dân các nước ở châu Âu phải dùng củi để sưởi ấm khi thời tiết lạnh hơn, gây ra tình trạng thiếu hụt củi, đẩy cao giá bán và cả nạn trộm củi cùng những vụ lừa đảo.
Người Moldovia cưa củi để bán- Ảnh: AP

Gắn GPS lên cây đề phòng nạn trộm củi

Hiện nay nguồn khí đốt đang thiếu, tạo ra một cuộc khủng hoảng ở Moldova, nước nghèo nhất châu Âu. Lãnh đạo nước này đang lo ngại mùa đông có thể sẽ rất khắc nghiệt đối với nhiều người dân vì giá điện cao, với giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã tăng gấp ba lần so với hồi đầu năm 2021, dù đã giảm kể từ mức giá cao kỷ lục hồi tháng 8/2022. 

Nhu cầu sử dụng củi không chỉ xảy ra ở các nước nghèo như Moldova, cũng xuất hiện ở các nước giàu ở châu Âu đang chịu đựng cuộc khủng hoảng năng lượng - xảy ra bởi việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho khu vực này. 

Các khu rừng quốc gia của Đức, Ba Lan và Cộng hòa Czech đều ghi nhận nhu cầu sử dụng cao trong khi nguồn củi bán ra lại hạn chế vì vẫn duy trì nỗ lực quản lý rừng bền vững.

Lực lượng kiểm lâm Đức cũng đã ghi nhận tình trạng có đông người vào rừng đốn củi mà không biết đó là hành vi phạm pháp. Hiện tại, ngành kiểm lâm nước này phải gắn thiết bị định vị toàn cầu (GPS) để truy vết nguồn củi dự trữ. 

Để ngăn chặn nạn trộm củi, bang North Rhine - Westphalia (Đức) đang thử nghiệm việc gắn GPS lên các khúc cây mới đốn hạ. Người phát ngôn Nicole Fiegler cho biết, ở vùng này chưa hề xảy ra tình trạng trộm củi cấp độ lớn, nhưng việc giá củi tăng gần đây khiến những người giữ rừng nhỏ lẻ lo sợ bị tổn thất lớn nếu bị trộm nhiều lô củi. 

Ngành rừng bang Hesse láng giềng cũng đã dùng GPS để truy vết gỗ từ năm 2013, cho biết họ đã có thể giải quyết nhiều vụ trộm củi. 

Các khu rừng do nhà nước Czech quản lý chỉ bán củi để hộ dân tiêu thụ, đã phải hạn chế số lượng củi bán cho các cá nhân nhằm tránh tình trạng mua để đầu cơ. 

Còn tại Ba Lan, nhu cầu mua củi nhỏ từ các khu rừng thuộc nhà nước đã tăng 46% và củi lớn hơn tăng 42%, tính từ cuối tháng 8/2022, tức là trước mùa thu, khi nhu cầu dùng củi lên cao nhất. 

Michal Gzowski, người phát ngôn của Cục Rừng quốc gia Ba Lan, cho biết nhu cầu sử dụng củi tăng cao ở các vùng rừng vì đó là nguồn nhiên liệu rẻ tiền nhất. Ông còn nói có lẽ củi nhỏ là vật liệu sưởi ấm rẻ tiền nhất tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Gzowski cũng nhấn mạnh rằng nạn trộm củi đang tăng cao.

Củi viên ở Đức- Ảnh: AP

Báo động sự gia tăng nhóm lừa đảo rao bán củi cây 

Cảnh sát Áo thì báo động sự gia tăng đáng kể những nhóm lừa đảo rao bán củi cây và viên củi nhỏ trên mạng để lấy tiền của người “ngỡ” mua được nguồn sưởi ấm này. Trong khi đó, nhiều công ty ở Áo bị khám xét, bị nghi tham gia những vụ gian lận giá cả. 

Viện Củi viên Đức cũng cảnh báo người mua cảnh giác với các nhóm “bán củi giả”, thường đòi đưa tiền trước. Cơ quan thống kê Đức nói giá củi cây và củi viên - làm từ mùn cưa có thể dùng để sưởi ấm trong nhà - đã tăng hơn 85% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Giá bán một tấn củi viên giảm 2,6% hồi tháng 10 nhưng vẫn cao gần 200% so với một năm trước đó. 

Giá bán củi cây tại Anh cũng tăng vì nhu cầu sử dụng cao, theo Nic Snell của công ty Certainly Wood, nơi tự nhận là nguồn cung củi đốt lớn nhất Vương quốc Anh, bán được khoảng 20.000 tấn/năm. 

Tại Đan Mạch, nhu cầu sử dụng củi và lò đun bằng củi đều tăng. Trang web bán hàng DBA ở nước này ghi nhận việc tìm kiếm viên củi trên mạng đã tăng hơn 1.300% trong năm qua.

Còn Chính phủ Đan Mạch và các tổ chức bảo vệ môi trường đã cảnh báo những rủi ro đối với người dân lên kế hoạch dùng củi: lửa có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe trong khi khói từ củi góp phần gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể đến việc gây tác động xấu đến môi trường từ việc chặt đốn thêm nhiều cây.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất