, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/03/2022, 15:05

Nhiều nông dân phá bỏ vườn thanh long

NGUYỄN TIẾN - NGỌC PHÚC - QUỐC AN
(sggp.org.vn)
Giá cả liên tục giảm sâu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều hộ trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận và ĐBSCL đang nhổ bỏ loại cây từng giúp họ vươn lên làm giàu để tìm hướng đi mới.

Chuyển đổi cây trồng khác

Sau 3 lứa thanh long bán với giá rẻ mạt, anh Nguyễn Thế Anh (ngụ huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) quyết định thuê người nhổ bỏ hơn 3.000 trụ thanh long của gia đình. “Dù đã nhiều lần gắng gượng, nhưng lứa thanh long vừa rồi tôi tiếp tục thất bại. Hàng chục tấn thanh long của gia đình thương lái không mua, chỉ bán được một ít thu về vài triệu đồng. Không còn cách nào khác, tôi bỏ hơn 200 triệu đồng để thuê người tới phá vườn để trồng mít, mãng cầu và dừa”, anh Anh chia sẻ.

Ông Trương Quốc Phương (ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đã có gần 10 năm trồng thanh long với diện tích hơn 10ha. Trung bình mỗi năm, trừ hết chi phí ông thu về khoảng gần 500 triệu đồng/ha. “Hai năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh nên gia đình lỗ tiền phân thuốc, chưa kể chi phí thuê công lên đến 40.000 đồng/giờ. Năm ngoái, tôi đã phá một ít để lên liếp trồng đu đủ. Năm nay, tôi đã phá gần 1ha dự kiến sẽ trồng dừa, vì hiện nay dừa rất có giá, hy vọng sẽ bớt lỗ”, ông Phương nói.

Ông Võ Thành Long, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Công, cho biết, toàn xã có khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp trồng thanh long. Hiện nay, diện tích thanh long giảm 10%, chủ yếu là thanh long mới trồng khoảng 2-3 năm hoặc thanh long đã quá già cỗi. Vì thanh long độ tuổi này cần nhiều phân thuốc nên người dân đốn bỏ để trồng các loại cây ăn trái như đu đủ, bưởi da xanh, dừa, ổi…

Thống kê sơ bộ, thời gian qua có khoảng 1.000ha thanh long ở Long An không tiếp tục canh tác, chiếm khoảng 10% tổng diện tích thanh long của tỉnh; tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành, một số ít ở các huyện Tân Trụ, Cần Đước, Thủ Thừa, TP Tân An…

Tình trạng người dân phá bỏ thanh long cũng diễn ra tại một số địa phương khác tại ĐBSCL như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long nhưng với mức độ ít hơn. Còn tại Bình Thuận, riêng huyện Hàm Thuận Bắc, đến đầu năm 2022 đã có hơn 1.400ha thanh long dừng sản xuất, hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Cần thận trọng

Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho rằng, việc người dân trồng thanh long có hướng chuyển đổi cây trồng là xu thế tất yếu để đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì loại trái cây nào cũng khó khăn, chứ không riêng gì thanh long nên bà con không nên chuyển đổi một cách ồ ạt, mà phải xem loại cây thay thế có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương không, có thị trường tiêu thụ chưa.

Theo ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, thanh long vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện các ngành, các cấp đang tiếp tục phối hợp để tổ chức quản lý sản xuất chặt chẽ theo từng tiêu chuẩn phù hợp, đáp ứng các thị trường xuất khẩu theo yêu cầu, ngay cả thị trường Trung Quốc.

Còn theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, ngoài cây thanh long, địa phương đang xây dựng một số mô hình cây ăn trái và cây dược liệu chất lượng cao mang tính đặc thù, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Từ đó, địa phương sẽ chọn ra những mô hình đạt hiệu quả cả về chất lượng cũng như đầu ra sản phẩm ổn định để giới thiệu đến những bà con có ý định chuyển đổi cây trồng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, những năm gần đây, giá vật tư đầu vào liên tục tăng, trong khi giá mía giảm mạnh, không ít hộ phải chuyển đổi sang cây trồng khác, số ít hộ vẫn gắn bó với cây mía cũng đối mặt nhiều khó khăn.

Cây mía từ diện tích 38.000ha đến nay chỉ còn khoảng 6.500ha. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết, sở đang tham mưu các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản lượng, giảm giá thành sản xuất, mua được cây giống kháng bệnh, có năng suất, chữ đường cao...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất