, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 10/04/2022, 11:00

Nhiều nông sản Việt Nam chiếm thị phần lớn ở Nhật Bản

THANH SƠN
(nongnghiep.vn)
Đó là chia sẻ của Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức.
Hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam đang có thị phần lớn ở Nhật Bản. Ảnh: TL.
Hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam đang có thị phần lớn ở Nhật Bản. Ảnh: TL.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam đã chiếm được thị phần lớn tại thị trường Nhật Bản (chiếm hơn 42%)

Các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang quan tâm ngày càng nhiều tới hạt điều Việt Nam. Cứ ra siêu thị, nhìn khu bày bán các loại hạt điều chế biến như rang, sấy … là sẽ thấy ngay có hạt điều Việt Nam trong đó.

Nhiều nhóm hàng, mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng đã chiếm thị phần cao ở Nhật Bản như: chuối sấy chiếm 78,5%; nhóm trái cây vải, nhãn, chôm chôm, chiếm 43%; sầu riêng 46,2%; rau chân vịt 26%; hạt tiêu 25%; quế 17%; dừa chiếm 16,5%; cà phê nhân 14,7% …

Ông Minh cho biết, với dân số 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều về cá, tôm, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê … Nhiều mặt hàng trong số này là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay có khoảng gần 500 nghìn người Việt đang sinh sống, làm việc ở Nhật Bản, nên hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020.

 Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, như cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%... Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải...

Đến nay, một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa... đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận; hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK, chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo.

Cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản, như AEON, Donkihote, Itoyokado…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất