, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 23/11/2022, 11:34

Nhiều rào cản trong xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản

THÙY DUNG
Ngày 22/11, Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp” đã diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quang cảnh Diễn đàn.

Liên kết để tạo ra sản phẩm an toàn

Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thời gian gần đây, việc phát triển nông nghiệp sang hướng bền vững, tuần hoàn không chỉ được đẩy mạnh ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… với những cam kết rất mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, chúng ta cần thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất đến người phân phối và sau đó là người tiêu dùng. Phải xóa được tình trạng người tiêu dùng không biết nguồn gốc thế nào, người nông dân không biết sản phẩm mình được phản hồi ra sao. “Chúng ta có nhiều HTX, có nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn còn đó bài toán liên kết hiệu quả để sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường và giá trị cao” - PGS.TS Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Diễn đàn.

Đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, ông Bùi Phước Hòa cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng - với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực.

Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.

Việc áp dụng tiêu chuẩn cũng mất rất nhiều thời gian, bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, thời gian lập và lưu trữ hồ sơ, thời gian đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin.

Yếu tố văn hóa trong sản xuất cũng khiến quá trình áp dụng tiêu chuẩn gặp khó khăn. Mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đội ngũ nhân sự; nông dân vẫn còn giữ thói quen và tập quan trồng trọt/ canh tác, thu hoạch cũ; chưa tự nguyện tuân thủ các quy định bảo hộ lao động, an ninh/bảo mật; chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc lưu lại bằng chứng tuân thủ quy định…

Theo Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, để giải quyết những khó khăn này, rất cần phải có sự nhất quán về chính sách giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý. Song song đó, tạo môi trường đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tào về tiêu chuẩn.

Bên cạnh công tác nghiên cứu cơ sở, giống, quy trình, chuyển giao khoa học công nghệ, nhà trường và các đơn vị tư vấn có thể tham gia hỗ trợ tư vấn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; tổ chức đào tạo, huấn luyện tiêu chuẩn, quy định, cách làm…

Các nhà phân phối nên tìm hiểu khách hàng để có thể có được định hướng đầu ra, đồng thời cam kết tuân thủ tiêu chuẩn, giữ chữ tín với đối tác. Hơn hết, các đơn vị này cần chia sẻ lợi ích và minh bạch với nhà nông.

Trong khi đó, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.

Đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường

Tại Diễn đàn, TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng lưu ý các quy định của một số thị trường chính đối với nông sản xuất khẩu.

TS. Lê Thanh Hòa cho biết thị trường Trung Quốc hiện mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.

Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, oanh nghiệp cần đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu sang EU...

Vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.

Với các quy định này, TS. Lê Thanh Hòa kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và quan niệm - từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.

Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm (thị trường trong nước và nước ngoài: Hội chợ, Triển lãm và kết nối hệ thống siêu thị).

Ông cũng đề xuất lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu; tăng cường đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến; áp dụng các quy trình sản xuất tốt (VietGap, GlobalGap), hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho ăn tươi và chế biến…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất