, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/07/2020, 09:22

Nhìn lại nền nông nghiệp qua lăng kính Covid-19

MAI PHƯƠNG thực hiện

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn rất sâu sắc - với cường độ mãnh liệt và tốc độ rất nhanh - toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường của toàn cầu nói chung và việt nam nói riêng. Vấn đề đặt ra hiện nay là hậu Covid-19 chúng ta phải làm gì để khôi phục nền kinh tế, trước hết là nền kinh tế nông nghiệp. 

PGS.TS Vũ Trọng Khải (chuyên gia độc lập về nông nghiệp - nông thôn, cựu Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý - cơ sở phía Nam của bộ NN&PTNT) đã dành cho Tạp chí Nông thôn Việt một cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện này.

Hình minh họa

Trong cục diện dịch Covid-19 đã được khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, ông có nhận định gì về các cơ hội mà ngành nông nghiệp nước ta có thể nhận được sau đại dịch?

Bất cứ điều gì cũng có hai mặt của nó, dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng lần này xảy ra thì Covid-19 đã giúp bộc lộ các khiếm khuyết của chúng ta trong quản trị về kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước nói chung và trong ngành nông nghiệp nói riêng. Và tôi cho rằng đây chính là một cơ hội lớn mà chúng ta nhận được để nghiêm túc và kịp thời nhìn lại toàn bộ định hướng phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.

Không phải ta chưa từng bàn đến vấn đề định hướng phát triển cho nông nghiệp. Thực tế là chúng ta đã nói khá nhiều về việc tái cấu trúc (restructuring) nền nông nghiệp. Tuy nhiên, lâu nay điều chúng ta từng làm là sắp xếp lại cho hợp lý hơn những yếu tố cấu thành nên hệ thống, cấu trúc của nền nông nghiệp. Mà điều này chỉ có ý nghĩa khi các yếu tố cấu thành nên cấu trúc ấy vẫn còn dư địa để phát triển. Nhưng hiện nay, những yếu tố đó đạt đến giới hạn rồi, thì chúng ta cần tạo ra những yếu tố mới, một cấu trúc mới. Cho nên vấn đề bây giờ không phải là tái cấu trúc nữa, mà chúng ta cần cải tổ, xây dựng lại nền nông nghiệp cho thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hậu dịch Covid-19.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo được nén lại để bung ra”, ông nghĩ chúng ta cần chuẩn bị những gì?

Chúng ta phải giải quyết mối tương quan giữa công nghiệp và nông nghiệp, phải thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị để biến nông dân thành thị dân bền vững. Hiện nay, dân số sống dựa vào nông nghiệp của nước ta là từ 65 - 70%, thế thì chúng ta sẽ không thể có được một nền nông nghiệp hiện đại. Bởi nông nghiệp hiện đại chỉ cần lực lượng lao động nông nghiệp rất thấp - dưới 10% nhưng được ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, đặc biệt là công nghệ robot. Vậy phải làm thế nào để có được tỷ lệ sức lao động nông nghiệp và dân cư sống bằng nông nghiệp thấp như vậy? Chúng ta phải biến nông dân thành thị dân một cách bền vững.

Thực tế đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, đại đa số người làm nông chỉ di chuyển ra các khu đô thị để kiếm sống tạm thời, khi cuộc sống ở nông thôn quá khó khăn. Họ luôn ở trong tâm thế sẵn sàng quay về miếng ruộng mảnh vườn của mình ở quê, xem đó như một tài sản để dành phòng thân, không khai thác thu lợi được thì cũng không bán, không cho thuê. Cho nên, nếu nông dân không trở thành thị dân một cách bền vững, thì ruộng đất không thể trở thành hàng hóa để người ta bán hoặc cho thuê lâu dài. Đó là lý do mà nền nông nghiệp của chúng ta mãi vẫn không có được những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn để áp dụng công nghệ cao, cơ khí hóa và tự động hóa.

Vậy là theo ông, sau dịch bệnh lần này, ngành nông nghiệp cần thay đổi hẳn tư duy sản xuất?

Vừa qua có câu chuyện Bộ Công thương đề xuất ngừng xuất khẩu gạo vì lo nếu dịch Covid-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nhưng chỉ một ngày sau thì Bộ Công thương lại đề nghị Chính phủ dừng thi hành quyết định ngừng xuất khẩu đó để tránh gây thiệt hại không đáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này cho thấy chúng ta luôn bị ám ảnh về thời bao cấp thiếu lương thực phải nhập hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, cho nên luôn nghĩ đến vấn đề an ninh lương thực. Theo tôi, đến thời điểm này, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy đó.

Con người sống là phải đảm bảo nhu cầu cân đối giữa các loại dinh dưỡng theo các lứa tuổi khác nhau, chứ không phải chỉ cần ăn lúa gạo, khoai sắn là được. Vấn đề quan trọng ở chỗ, nếu chúng ta thay đổi quan điểm, nhìn nhận rằng mục tiêu của sản xuất nông nghiệp là an ninh dinh dưỡng chứ không còn là an ninh lương thực, thì sẽ làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mà ta hay nói là đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, và nói rộng ra là gồm cả nông - lâm - thủy sản.

Nói như vậy không có nghĩa là nền nông nghiệp vì mục tiêu an ninh dinh dưỡng mà sản xuất đủ các loại lương thực và thực phẩm rồi tự cấp tự túc. Chúng ta sẽ vẫn phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng theo cách xuất những mặt hàng nông sản mà chúng ta có lợi thế so sánh hơn với các nước khác - nhờ đó có lợi nhuận cao, và nhập những nông sản mà trong nước không có lợi thế sản xuất bằng các nước khác - để đảm bảo an ninh dinh dưỡng. Nói cách khác, chúng ta chỉ sản xuất những gì mang lại giá trị gia tăng cao nhất, chứ không làm bất cứ gì mà đất đai hay điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái của đất nước.

Với quan điểm đó, trên bình diện cả nước, chỉ những nơi “bờ xôi, ruộng mật”, làm lúa ăn chắc thì mới tổ chức sản xuất 2 vụ lúa. Thay vì trồng lúa năng suất thấp để bán với giá 365USD/tấn như hiện nay để mà bóc lột đất đai trong khi thu nhập của người nông dân thì vô cùng thấp, chúng ta nên tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đặc sản với yêu cầu cao về an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. Nếu xuất khẩu thì chủ yếu phải là gạo chất lượng cao, giá cao tới 1.000 USD/tấn trở lên.

Có phải theo ông, vấn đề cần đặt ra là, chúng ta phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, căn cứ vào lợi thế so sánh ở từng vùng miền, vào điều kiện của từng vùng nông nghiệp sinh thái?

Hiện nay ta đang chia đất nước thành 7 vùng nông nghiệp sinh thái thì đã hợp lý, nhưng cần nhớ trong các vùng đó còn có các tiểu vùng khác nhau với các tiều khí hậu khác nhau. Cho nên, ngành nông nghiệp phải xây dựng được chiến lược sản phẩm quốc gia cho từng vùng nông nghiệp sinh thái (chứ không phải theo địa giới hành chính như hiện nay), và phải xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm cho mỗi loại nông sản ở từng vùng sinh thái đó.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ đảm nhiệm vai trò xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và cung cấp công nghệ sản xuất mới cho người nông dân, bao gồm cung ứng giống xác nhận theo tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ, thực hiện các hoạt động khuyến nông, tạm ứng vật tư đầu vào… Lúc này, người nông dân phải là chủ trang trại gia đình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để có thể cung ứng nông sản nguyên liệu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Về phía Nhà nước thì phải đào tạo đội ngũ “thanh niên tri điền” thay cho “lão nông tri điền”, hình thành một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thay thế cho nông dân cha truyền con nối.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến và tiêu thụ nông phẩm ứng dụng công nghệ cao của mỗi vùng sinh thái, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 - 3 năm đầu, với điều kiện doanh nghiệp đảm bảo được vai trò là người lãnh đạo của mọi chuỗi giá trị nông sản.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất