, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/03/2023, 13:00

Nhìn xa hơn, dài hơn về thị trường Trung Quốc

LÊ MINH HOAN
(phunuonline.com.vn)
Lâu nay, nhiều mặt hàng nông thủy sản của nước ta xuất khẩu khá mạnh vào thị trường Trung Quốc với giá trị hàng chục tỉ USD mỗi năm. Việt Nam và Trung Quốc cũng luôn xác định là đối tác thương mại lớn của nhau, có nhiều chương trình thúc đẩy hợp tác.

Gần đây, thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi theo hướng siết chặt kiểm soát, tăng chất lượng và an toàn đối với nông sản. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng thích ứng và có chiến lược dài hạn để xuất khẩu nông sản vào thị trường rộng lớn này. 

Cần từ bỏ tư duy buôn chuyến

Nhìn lại lịch sử thương mại nông sản giữa 2 nước, từ những chiếc ghe đẩy nông sản qua sông Hồng, từ đường mòn, lối mở, chợ cóc… dần dần đã tiến đến xuất nhập khẩu chính ngạch theo chủ trương của lãnh đạo cao nhất của 2 quốc gia. Đó là một chặng đường có đi có lại, bổ sung cho nhau, hỗ trợ cho nhau. Nếu chỉ nói đến buôn bán mà không nhìn rộng ra ở lịch sử bang giao, quan hệ thương mại nông sản lâu đời giữa 2 nước thì chúng ta chưa hiểu hết được giá trị của ngày hôm nay, so với những gì của ngày hôm qua.

Khi nói về giao thương, buôn bán nông sản, chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn để trân quý những đối tác, những bạn hàng đang nhập khẩu hơn 70% sản lượng trái cây của Việt Nam. Thời nhà Thanh (Trung Quốc), có một thương nhân rất thành công là Hồ Tuyết Nham nêu triết lý buôn bán phải có tầm nhìn. Nếu bạn có tầm nhìn trong thôn, bạn chỉ buôn bán được trong thôn; nếu có tầm nhìn trong huyện, chỉ buôn bán được trong huyện; nếu có tầm nhìn toàn thiên hạ thì có thể buôn bán trong toàn thiên hạ. Do đó, hôm nay, chúng ta phải bán ra cả thế giới, trong đó có Trung Quốc. Chúng ta phải xác lập lại tầm nhìn với Trung Quốc. Mỗi doanh nghiệp, mỗi hiệp hội ngành hàng phải có một tâm thế mới và hãy từ bỏ tư duy buôn chuyến trước đây. 

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao sẽ cùng nhau trình Chính phủ về một chiến lược lâu dài trong hợp tác thương mại song phương với Trung Quốc để 2 bên có thể tận dụng mọi cơ hội của nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình giao thương. Cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn coi trọng thị trường Trung Quốc - thị trường không chỉ gần gũi, tiềm năng mà còn có sự tin cậy lẫn nhau để cùng phát triển lâu dài.

Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là những người đại diện cho một quốc gia đi giao thương với một quốc gia khác nên đó không còn là chuyện lợi nhuận thuần túy nữa. Nghĩ theo hướng này, họ sẽ tự nâng tầm của mình, tự hào hơn, trách nhiệm hơn trong mỗi hành trình, mỗi chương trình hợp tác. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng phải cùng nhau hình thành một hệ sinh thái để trao cho nhau sức mạnh, truyền cho nhau năng lượng, truyền cho nhau trách nhiệm trong kinh doanh.

Tự thay đổi để phù hợp với thị trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy 2023 là năm chuẩn hóa lại toàn bộ công tác quản lý nhà nước, chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến cung ứng, logistics, hợp tác với các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc. Bây giờ, chúng ta sẽ không ngẫu hứng nữa, tất cả sẽ phải chuẩn hóa, phải minh bạch để thấy rằng chúng ta đã và đang chuyên nghiệp hóa.

Ngành nông nghiệp đang đứng trước “3 biến” rất lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Khi không thể thay đổi được thị trường thì chúng ta phải tự thay đổi, linh hoạt, phù hợp với thị trường. Về biến chuyển xu thế tiêu dùng, có thể thấy quan điểm “Trung Quốc là thị trường dễ tính” đã thay đổi hoàn toàn; đến nay, mức sống ngày càng cao, các tiêu chuẩn cũng ngày càng cao để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, chúng ta không thể áp dụng cách sản xuất cũ, cách buôn bán cũ đối với một thị trường đã gần như thay đổi toàn bộ.

Những điều đó cho thấy, các hiệp hội cần ngồi lại với nhau, tạm thời chưa tính đến lợi nhuận mà hãy định vị lại tâm thế mới của mình để bước vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới. Đôi khi chúng ta phải chậm lại, ngồi với nhau để cùng nhau đi xa hơn. 

Trên thị trường, không chỉ có Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc mà còn các nước ở Đông Nam Á, ở châu Mỹ Latin… Do đó, ngoài sự cạnh tranh trong nước, còn có sự cạnh tranh quốc tế. Tốt nhất là tất cả cùng ngồi lại, hợp lực lại, đoàn kết lại để cạnh tranh với thế giới.

Chúng ta cần nắm được thông tin về những quốc gia có nông sản tương đồng, về cách sản xuất, đóng gói, vận chuyển… Nắm được tất cả những điều đó, chúng ta mới có được thắng lợi, như một câu nói của người Trung Quốc là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. 

Về vai trò dẫn dắt, kiến tạo, khơi thông thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và nhiều bộ ngành đã cùng vào cuộc, nhưng bây giờ là đến vai trò của doanh nghiệp. Đồng hành cùng kế hoạch của Chính phủ, chúng ta mới có được thành công. 

Thắng lợi một vài chuyến hàng chưa nói lên điều gì, thắng lợi trong 1-2 năm cũng chưa nói lên sự bền vững của một ngành hàng, vì cái đích cuối cùng vẫn còn xa, cần phải có sự hợp lực, xây dựng trong nhiều năm, nhiều chục năm mới có được sự bền vững. “Bán cái chúng ta có hay bán cái thị trường cần”, câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng đôi khi lại rất khó trả lời, khó vì thói quen, khó vì sức ì, khó vì sự bằng lòng sau thành công trong vài chuyến hàng mà tưởng đã tốt rồi, không cần cải thiện nữa. Do đó, chúng ta cần phải xem mọi sự cạnh tranh như sống còn hằng ngày để có được thành công. 

Câu chuyện của tỉ phú Lý Gia Thành dạy con có thể giúp chúng ta những kinh nghiệm. Theo ông, nếu ăn chia với bạn hàng theo đúng năng lực là 7 và 3 thì con hãy nhận 6 phần, để đối tác 4 phần. Đó không phải là thiệt, vì nếu làm như vậy, sẽ có hàng trăm bạn hàng mới tìm đến, lúc đó thì không phải là mất 1 phần mà là được 600 phần. Có thể thấy rằng, khi buôn bán với bạn hàng Trung Quốc, chúng ta có thể học hỏi những kinh nghiệm, những bài học mà họ đã đúc rút ra, chỉ cho nhau để có được thành công trên thế giới. Khi đó, thị trường Trung Quốc không chỉ có quy mô như hiện nay, mà còn lớn gấp 10, gấp 100 lần, đem lại thành công lớn hơn cho ngành nông nghiệp của chúng ta.

LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất