, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/08/2018, 09:32

Nhịp cầu quê

LTS: Là dân Mộc Hóa - Vĩnh Hưng (Long An), nhà văn Trần Bảo Định trong dịp về quê mới đây đã chuyển cho chúng tôi bài viết về những cảm xúc của ông khi đi trên những cây cầu mới mà Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động xây dựng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

1.

Nắng đồng bằng trải hè qua những cánh rừng tràm nở trắng bông. Tôi quay về đất Kiến Tường cũ, đất của những năm tháng nghèo đói, cơ cực và là chiến trường xưa - chiến trường suốt 30 năm, từ ngày Cách mạng Tháng Tám tới khi chiến tranh kết thúc. Một chút nhớ dính lòng, một chút thương đọng dạ mà những ai đã từng qua đất Kiến Tường ngày ấy, chắc chẳng thể nào dửng dưng!

Nói Kiến Tường là nhắc đến tỉnh cũ với tỉnh lỵ Mộc Hóa và 4 quận: Châu Thành, Tuyên Bình, Kiến Bình, Tuyên Nhơn. Nói huyện Mộc Hóa là nói cả tỉnh Kiến Tường trở thành một huyện trực thuộc tỉnh Long An, sau ngày đất nước hòa bình.

Rồi, chiến tranh biên giới Tây Nam, huyện Mộc Hóa lần hồi tách ra, đến nay đã là: thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa. ‘’Vật đổi, sao dời’’, nhưng bao con đường đi cho bước chưn người vẫn chậm chạp ‘’dời đổi’’; cũng vẫn là ‘’sáu tháng đi tay, sáu tháng đi chưn’’. Có nghĩa: sáu tháng mùa nước nổi đi xuồng chèo tay, sáu tháng mùa khô đi bộ bằng chưn; nhứt là vùng bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây, biên giới Campuchia.

Mười năm tôi qua lại và sống ở miền đất nầy, miền đất đặc biệt và rất đặc trưng của Đồng Tháp Mười, người Pháp thường gọi là Plaine des Joncs (Đồng cỏ lác). Tôi hiểu và yêu nó, như yêu nhơn tình thời trai trẻ! 

‘’Nói nào ngay! Chánh quyền tỉnh, huyện đã lo hết sức mình giúp dân, nhưng ‘’lực bất tòng tâm’’, mần không xuể’’!

Dân vùng kháng chiến cũ hiểu điều đó, nên chẳng mấy ai phiền hà. Bởi, họ không những đã chứng kiến mà còn trực tiếp chung tay góp công góp sức ‘’đổ mồ hôi sôi nước mắt’’ mở lộ 49 từ thị xã Tân An (lúc bấy giờ) vào Đồng Tháp Mười, thành lập Ban Chỉ đạo Đồng Tháp Mười, xây dựng 4 Đoàn Kinh tế khai hoang phục hóa, di dân các huyện phía Nam trong tỉnh tới khẩn hoang lập điền...

 Cầu kênh Hưng Điền do chương trình Cầu nông thôn vận động xây dựng tại huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: NTV
Cầu kênh Hưng Điền do chương trình Cầu nông thôn vận động xây dựng tại huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: NTV

2.

Hơn bốn mươi năm trôi qua... Tràm vẫn nở trắng bông!

- Sắp khánh thành cầu rồi, bà con ơi!.

Thím Tám nói quang quác trong nỗi mừng húm, sau khi đi dự họp ở xã Bình Thạnh về.

- Thím nói sao? Xã mình sắp khánh thành cầu?

Giả bộ hỏi thím, chớ thiệt ra tôi đã biết mấy tháng nay. 

- Anh Ba không biết đó thôi! Rồi đây, xã mình cầu bê tông thay ‘’cầu khỉ’’ và tụi nhỏ đi học khỏi sợ té kinh, người già bớt run! 

Chị Hai cầm nửa cái xây chừng rượu mần ngọt xớt. 

- Cầu Cả Gừa - T 1, cầu Đường Bàng - T 1, cầu Đường Bàng - Biên Phòng và cầu Đường Bàng - Kinh 61 đang khởi công. 

Kể vanh vách, chị Hai tổng kết cầu trong xã gọn hơ. 

Tám Xê - chồng thím Tám - thưởng chị Hai bánh tráng cuốn cá lóc nướng trui. Rồi, Tám Xê chậm rãi nói: ‘’Huyện Mộc Hóa mới, sau khi huyện Mộc Hóa cũ tách ra thành lập thị xã Kiến Tường là huyện nghèo, nếu không muốn nói huyện nghèo nhứt tỉnh Long An. Trước tình hình đó, một tạp chí đứng ra huy động những doanh nghiệp có tấm lòng với quê hương, chung tay xây cầu...’’. 

Tám Xê chưa nói dứt câu, chị Hai đâm xuồng bể nói tài lanh: ‘’ Lúc nãy, tui chỉ kể cầu trong xã mình, còn cả huyện thì chưa kể tới. Nếu kể tới, phải là mười một cầu bê tông (1) chớ chẳng chơi’’! 

- Mèng ơi! Dữ tợn vậy, chị Hai!

Thím Tám nói lớn hơn la làng, ai nấy mừng ra mặt.

- Đúng là ‘’Ngày hội cầu’’ trên đất chết thời chiến, đất khó thời bình!

Tôi nói như lời tự sự với chính mình. 

- Hèn chi, tuần nay tui nghe bà con đi chợ huyện nói phong thanh, rằng sắp tới sẽ tổ chức khánh thành đồng loạt 11 công trình cầu. 

Tám Xê thông tin dè dặt. 

Nãy giờ, Tư Cứ kiệm lời, lắng nghe chuyện cầu kỳ bà con bàn tán rôm rả. Anh nghĩ về quê anh, rồi nhẩm tính: ‘’Dải đất phù sa cổ cặp biên giới Việt - Miên, và giới hạn bởi con sông Long Khốt tới Măng Đa - Lò Gạch nối dài kính Cái Cỏ chạy qua Tà Nu, Phố, Tân Lèo, Sông Trăn (Trăng) cho tới giáp Thông Bình (Đồng Tháp). Cánh đồng trải rộng mênh mông với mùa đốt đồng, khói un chiều thành mây lang thang bay về cuối trời’’.  Anh đăm chiêu, lòng hồi tưởng: ‘’Vùng đất nầy, trước kia thuộc quận Tuyên Bình, mỗi năm chỉ cấy trồng được một vụ lúa mùa, năng suất thấp; vả lại còn thường xuyên thất bát. Được cái là, tuy vậy, đất khó sản sinh ra sản vật quý hiếm: ‘’Gạo Huyết Rồng!’’. Hạt gạo thon dài và nhuyễn, màu đỏ thắm máu rồng; cơm dẻo thơm... Có khi, cơm ăn khỏi cần thức ăn vẫn ngon!

Rồi, xứ sở anh đổi mới, khoa học kỹ thuật đến đồng ruộng qua tay người nông dân làm chủ. Mở kinh mương dẫn thủy nhập điền, đưa nước ngọt từ sông Tiền qua ngã kinh Hồng Ngự - Long An (dân quen gọi kinh Trung Ương); sông Sở Thượng, Sở Hạ về ngõ Thông Bình - Phước Xuyên; Tân Thành - Lò Gạch... Và, cho dù quê nghèo của anh đã có: Điện, Đường, Trường, Trạm...Nhưng, còn cầu!?’’. Bao năm trầy trật và bế tắc! 

Nhiều lần anh thủ thỉ với tôi: ‘’Cây cầu nối đôi bờ quá khứ - vị lai, nó nối tình cột nghĩa và nếu như đường không có cầu, sông rạch không có cầu, chưn người không có cầu để bước qua... thì tất cả đều vô nghĩa’’! Tôi hiểu, cả vùng đất: Vĩnh Trị, Thái Trị, Thái Bình ... mong đợi những cây cầu! Và, những mong mỏi đó, phải đợi chờ gần nửa thế kỷ! 

- Đâu một mình huyện Mộc Hóa mới có ‘’Ngày hội cầu’’ mà trên miệt xứ tui, cây cầu kinh KT4 đã xong hồi tháng chín năm rồi, trong tổng số cả thảy hình như là mười một cây cầu (2)!

Tư Cứ hoan hỉ, cái hoan hỉ của người nhìn thấy quê mình mỗi ngày đỏ da thắm thịt. 

- Mèng ơi! Vĩnh Hưng cũng bảnh như Mộc Hóa. 

Thím Tám nhảy cửng lên, không biết vì say rượu hay vì quá mừng. Thím xáng một câu: ‘’Vậy là đều trời!’’. 

Sợ vợ vui quá, quá đà; Tám Xê dợm dìu thím về nhà. Tôi can: ‘’Thì cũng là lối xóm, tình thân có khi hơn cả họ hàng’’. 

- Tui hỏi anh Tư nè! Dưới tui mười một cây cầu, trên anh cũng mười một cây cầu là tại làm sao?

Thím Tám cười liếng thoáng.

- Như vậy, trên dưới cộng lại là hai hai... 

Chị Hai thích thú chen vô.

- Vậy chớ, con số 22 nó nói lên biểu tượng gì?

Tư Cứ hỏi cắc cớ.

Chẳng phải tay vừa, thím Tám ‘’thấu cấy’’ Tư Cứ: ‘’ Anh Tư cưa đôi ly rượu trong tay tui, tui sẽ giải đáp’’. Thấy vợ hăng, Tám Xê hùa theo: ‘’Nếu vợ tui giải đáp sai, anh Tư phạt vợ tui mần chi, tui cũng ưng cái bụng’’. Thím Tám bấm ngón tay cái phân định nửa ly rượu và chỉ một tiếng chép miệng là xong, mọi người vỗ tay rân trời đất. Tư Cứ giải quyết phần còn lại giữa trận cười nghiêng ngả mâm cơm.

- Con số 22, biểu tượng chim bồ câu!

Thím Tám giải đáp.

Mọi người đồng thanh ‘’Ồ!’’ lên và cùng nói: ‘’ Bồ câu tượng trưng hòa bình!’’.

- Vĩnh Hưng, Mộc Hóa mỗi huyện mười một cây cầu; số 11 biểu tượng con chó, mà chó tượng trưng sự trung thành.

Chị Hai nói nửa đùa nửa thiệt, rồi chị nói chắc nịch: ‘’Mất sự trung thành, thì làm gì giữ được hòa bình’’.

Là sự trùng khớp? Và, biết đâu, những con số của những cây cầu hai huyện chung nguồn gốc, báo hiệu một ngày mai xán lạn!

Trẻ em vui chơi trên cây cầu mới do chương trình Cầu nông thôn vận động xây dựng. Ảnh: NTV.
Trẻ em vui chơi trên cây cầu mới do chương trình Cầu nông thôn vận động xây dựng. Ảnh: NTV.
3. 
Xúc động trong niềm hưng phấn mỗi  khi nhìn ánh mắt tuổi thơ, hoặc nghe tiếng cười cụ già đi trên những cây cầu bê tông còn thơm mùi ciment, cốt thép...Một mùi thơm lần đầu trên vùng đất mà xương tàn cốt rụi còn nằm rải rác đâu đó ở lòng rạch bến sông, hay ở những cung đường lầy lội băng qua tọa độ chết! Nếu linh hồn là có thật thì chắc một điều, những linh hồn kia đang mỉm cười, thầm cảm ơn Tạp chí Nông thôn Việt đã và đang bắc nhịp cầu quê!
..............................
(1) Xã Bình Hòa Tây: Cầu kinh Đòn Dong, cầu kinh N1, cầu ngọn Cây Khô Nhỏ. Xã Bình Hòa Đông: Cầu Bàu Rúng. Xã Bình Hòa Trung: cầu kinh Cây Khô Lớn bắc qua kinh Đòn Dong, cầu kinh N2 bắc qua kinh Xuyên Bình Nam, cầu kinh T2 (huyện Mộc Hóa).
(2) Xã Vĩnh Trị: Cầu kinh T4 - 5, cầu kinh T4 - 7, cầu kinh Thanh Niên, cầu kinh Hưng Điền. Xã Thái Trị: Cầu kinh T2, cầu kinh KT4, cầu kinh KT4B, cầu kinh Thái Kỳ, cầu kinh Cùng (nâng cấp sửa chửa). Xã Thái Bình Trung: Cầu kinh Hưng Điền, cầu kinh Rạch Tà Me
 
 
Trần Bảo Định

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất