, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 24/01/2022, 13:51

Nhịp Sài Gòn đang dần trở lại

QUÁCH THUYÊN NHÃ UYÊN
Những ngày cuối năm Âm lịch, cũng là đầu năm Dương lịch 2022, Sài Gòn vẫn đang tiếp tục “trở mình" sau thời gian “gồng mình" trong đại dịch. Những xúc cảm chưa từng có trong lòng người Sài Gòn những tháng ngày qua như vẫn vẹn nguyên, và mỗi người trên mảnh đất này lại mang thêm một “hành trang" để bước tiếp trên cung đường mới…

“Sài Gòn chưa xa đã nhớ
Đường vui đôi chân sớm trưa
Tình yêu chưa xa đã nhớ
Lời yêu tan trong tiếng mưa…” 
(Quốc Bảo)

“Điểm tựa" tâm linh trở lại

Sau 6 tháng phải làm lễ trực tuyến (online) vì dịch Covid-19, đúng 8 giờ sáng Chúa nhật 28/11/2021, Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà tổ chức thánh lễ trực tiếp với sự tham dự của 600 người. Do số lượng người tham dự lễ bị giới hạn để đảm bảo khoảng cách an toàn, một số khác chờ đến phiên lễ lúc 9 giờ 30 phút dành cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Tiếng chuông nhà thờ và những bài thánh ca mang theo lời nguyện cầu ngân nga mong “bình an dưới thế cho người thiện tâm".

Thánh lễ trực tiếp đầu tiên tại Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà.

Cùng với nhà thờ, các ngôi chùa, hội quán, đạo quán… ở khắp Sài Gòn cũng bắt đầu mở cửa để đón các tín đồ của mình trở lại. Hội quán Ôn Lăng (quận 5) mở cửa đón khách thập phương, dòng người đến thắp hương, lễ Phật, cầu nguyện đều nhẹ nhàng tuân thủ những quy định như quét mã QR để khai báo y tế, rửa tay, đo nhiệt độ…  

Đối với đời sống tâm linh, dù là ai, mang quốc tịch hay màu da nào thì giữa cuộc sống còn nhiều bất định này, vẫn cần một nơi “an trú" và nương tựa cho tâm hồn mình. Buổi lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 vào ngày 19/11/2021 tại Hội trường Thống Nhất cùng với các hoạt động thả hoa đăng, vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố đánh chuông, các tàu, thuyền, sà lan kéo còi tưởng niệm… một lần nữa đã cho thấy niềm tin, sự tưởng nhớ và trân trọng đối với người đã khuất cũng chính là “điểm tựa” cần thiết để mỗi người sống có thể tiếp tục “đứng dậy" sau tất cả.

Người Sài Gòn thả đèn hoa đăng tưởng niệm nạn nhân Covid-19.

“Những trưa ngồi quán vắng…”

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hầu hết các chuỗi siêu thị lớn nhỏ, chợ và các tiệm tạp hóa cũng như mọi hàng quán ăn uống đều phải tạm dừng hoạt động. Khi thành phố dần “hồi sinh", người Sài Gòn mất đi vài nơi chốn đi về thân quen bởi một số quán sá không duy trì được, và vì phải giữ khoảng cách an toàn để tránh dịch bệnh. 

Tuy vậy, một số quán sá vẫn “gượng dậy” đón khách. Quán cà phê vợt Ba Lù nằm trong khu chợ Phùng Hưng (chợ Thủ Đô, Q.5) bắt đầu phục vụ cả bán mang đi và tại quán. Khu chợ buổi trưa vắng vẻ, chỉ còn mấy quán nhỏ bán đồ ăn thức uống. Đôi khách trẻ dừng xe bên quán vắng, thưởng thức ly bạc xỉu trong bầu không khí khô hanh của những ngày cuối năm. Những phút giây bình dị như thế, đôi khi cũng trở nên quý giá!

Quang cảnh chợ Thủ Đô sau những ngày giãn cách xã hội.

Dù không còn đông đúc như thời điểm này của các năm trước, các chợ và tiệm tạp hóa  cũng dè dặt hoạt động trở lại, các tiểu thương vẫn cố gắng duy trì công việc buôn bán của mình, nụ cười vẫn nở trên môi. Cho dù thế nào, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, theo cách này hay cách khác. 

Những tiếng rao quen

Tiếng rao “bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon" từ lâu vốn đã thân quen trên từng góc phố, giống như tiếng xe cộ, tiếng nói cười, như quan cảnh mọi người cầm tờ báo giấy đọc ở quán cà phê cóc vào mỗi sớm mai. 

Vậy đó, nên sau những ngày “không gian như rơi vào cõi thinh không tưởng chừng như thính giác đã hỏng, không nghe một tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường dội vào”, tiếng rao bánh mì đó bỗng trở nên “ấm áp, dễ chịu kỳ cục", bởi “tiếng rao bánh mì là tiếng rao còn sót lại để kết nối, để xác định cuộc sống, sự hiện diện của con người vẫn còn đó trong thành phố hiện đại nhưng đầy im ắng vào những buổi sáng như trong mùa Covid" (Trích trong tác phẩm “Sài Gòn – Những mảnh ghép rời ký ức” của Lê Văn Nghĩa - 2021).

Những ngày giãn cách xã hội ở Sài Gòn đã khép lại, cuộc sống “bình thường mới" đã bắt đầu. Đâu đó, những tiếng rao từ xe bán bánh mì, bắp xào, vịt lộn… vẫn tiếp tục rải rác khắp đường lớn hẻm nhỏ ở Sài Gòn, như một dấu nối thật dài của sự sống đang dần hồi sinh trên thành phố này - nơi mà dù cho náo nhiệt, sinh động hay yên tĩnh, mỏi mệt thì cũng vẫn là chính nó: hồn hậu, chân thành với sức sống bền bỉ lặng thầm qua năm tháng…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất