, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/03/2022, 11:00

Nhớ chợ Thủ Thừa

ĐỖ MINH TIẾN
Chợ Thủ Thừa tọa lạc ngay khu vực giáp nước của kênh Thủ Thừa nối liền hai dòng sông sinh đôi Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ xa xưa, ghe thuyền từ miền Tây Nam bộ đến Gia Định - Sài Gòn và ngược lại, đều dừng ở ngôi chợ này để mua thêm gạo, mắm, nghỉ ngơi chờ con nước hoặc đợi nhiều ghe thuyền kết thành đoàn cùng đi để tránh nạn Bối Ba Cụm(*). Là chốn dừng chân của nhiều người nên đây cũng là nơi nảy sinh nhiều mối tình giữa trai thương hồ với gái chợ quê. “Bây giờ tui hỏi thiệt mình/Thuyền buôn đã vậy, thuyền tình thì sao?”
Dòng kinh Thủ Thừa. Ảnh: Lê Công Lý.

Chợ Thủ Thừa (thuộc thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nằm bên bờ kênh cùng tên, do ông Mai Tự Thừa lập ra vào những năm đầu thế kỷ 19.

Trong ký ức người dân địa phương, chợ Thủ Thừa là ngôi chợ lớn, sầm uất. Khu nhà lồng chợ được xây dựng năm 1929, rộng hơn 300m2. Chợ lợp mái tôn có bốn cửa trông ra bốn hướng, cửa chính theo hướng Đông Nam có đắp nổi năm xây dựng. Trong nhà lồng chủ yếu bán vải vóc, đồ điện gia dụng và kim hoàn. Vào mùa tựu trường, những đứa trẻ như tôi thường rất vui mừng khi được ba mẹ đưa đến đây mua đồng phục, thường mỗi đứa được một bộ, đứa nào nhà khá giả thì được hai, ba bộ đồ mới.

Xa quê nhiều năm nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ những sạp trái cây màu sắc vui mắt tọa lạc ngay trước mặt chính của nhà lồng chợ. Trái cây được tuyển lựa kỹ càng, giá cao hơn các sạp trong chợ. Ai sành ăn hoặc muốn mua làm mâm quả cưới hỏi đều đến đây. Xen giữa mấy sạp trái cây là sạp bánh bò da lợn của cô mắt kiếng con gái bà Hai Dần. Bánh bò của cô ngon đặc biệt nhờ nước cốt dừa béo ngậy, giá mắc hơn nhiều chỗ khác nhưng vẫn nhiều người mua. Bên trái mặt tiền nhà lồng là quán phở bò Mười Tân, tiệm phở ngon ở chợ Thủ Thừa, nay vẫn còn. Cũng trong khu vực này còn có tiệm vàng Kim Ánh. Đây là tiệm vàng nổi tiếng nhất thị trấn, hầu như ngày nào cũng có người mua kẻ bán và nghe đâu tiệm nay đã sang chủ khác.

Thủ Thừa năm 2000.

Hai bên hông nhà lồng chợ có 2 dãy kios. Dãy bên đường Trưng Trắc bán vải, giày dép và hàng gia dụng. Dãy bên đường Trưng Nhị bán đường, đậu, vàng mã và trầu cau. Trong khu này có một tiệm chè nhỏ của cô chú Mười Sâm, lúc nào cũng đông khách, hầu như ai đi chợ cũng ghé tiệm chè, vừa ăn vừa ngắm người ra vào chợ. Bác Ba tôi bán bánh mì cũng bên mặt đường này. Nhiều người gọi xe bánh mì của bác là “Bánh mì chan dì Hai”, gọi theo thứ của bác trai. Bác có bán bánh mì thịt nhưng nhiều người, nhất là đám học trò tụi tôi, chỉ thích bánh mì chan của bác vì nước sốt chan của bác rất ngon và vì nó rẻ, chỉ 500 đồng nửa ổ thêm đồ chua, dưa leo… Xéo bên kia đường, ngay góc cua Mười Lùn là dì Muối, tôi hay gọi là thím Năm, bán xôi. Thúng xôi của thím có xôi vò, xôi nếp thang đến bánh tiêu, bánh tàng ong, lúc nào cũng nghi ngút khói thơm. Thím gói xôi bằng lá chuối và muỗng làm bằng cọng lá dứa gai cắt khúc.

Khu chợ chính nằm trên đường Trương Công Định cạnh nhà lồng, dài khoảng hơn 300m, giới hạn bởi hai công trình kiến trúc nổi tiếng tại thị trấn là đình Vĩnh Phong và chùa Bà Thiên Hậu.

Đình Vĩnh Phong nằm ngay ngã ba rạch Cây Gáo và kinh Thủ Thừa, thờ tiền hiền Mai Tự Thừa. Đình thường tổ chức lễ giỗ vị chủ chợ Mai Tự Thừa vào ngày 10/10 Âm lịch và lễ Kỳ Yên vào 17, 18 tháng Giêng Âm lịch. Những dịp như vậy đình thường mời đoàn hát bội về diễn cho bà con trong vùng xem. Đám con nít không mê xem tuồng, chỉ ham vào khu vực sau sân khấu xem người ta hóa trang, nhìn ngồ ngộ.

Phía cuối chợ là miếu Bà Thiên Hậu, mà dân địa phương hay gọi là Chùa Bà. Chùa có lớp học tiếng Hoa mang tên Minh Trí, dạy miễn phí cho những người gốc Hoa. Miếu được người Hoa xây vào cuối thế kỷ 19, trước miếu có một khu đất nhỏ dùng làm nơi ngồi nghỉ chân, gọi là công viên Thủ Thừa. Vào ngày Vía Bà 22 - 23 tháng Ba Âm lịch hàng năm, khách thập phương tới viếng và dâng lễ vật cúng Bà rất đông.

Cũng như bao ngôi chợ khác vùng sông nước phương Nam, chợ chính Thủ Thừa có khu bán cá nằm cặp mé sông, bán đủ loại từ cá biển đến cá sông, mà nhiều nhất là cá đồng như lóc, trê, rô, bống, cả tép bạc, cua đồng. Mùa nước nổi, thêm cá linh non, cá heo, rắn, chuột. Chợ cá nằm ngay bến sông nên ghe xuồng, người lên kẻ xuống tấp nập. Hàng ngày chợ còn có nhiều ghe chở chuối từ miền Tây cập bến để giao chuối cho tiểu thương ở chợ. Chợ Thủ Thừa từng là nơi bán sỉ chuối nổi tiếng khắp Long An.

Nhà lồng chợ cũ.
Nhà lồng chợ mới.

Ngoài cá, chợ còn có khu bán hàng bông (rau củ quả), hàng thịt, các loại mắm và nhiều mặt hàng khác. Tôi nhớ sạp mắm của bà Hưng với nhiều loại mắm lóc, mắm trèn hay mắm linh, ngon nhất là dưa mắm. Bà chỉ cân mắm bằng cân dĩa, khi có người mua thì bà để cục cân có các trọng lượng 100, 200, 500gram hoặc 1kg vào một dĩa, sau đó lấy mắm để vào dĩa còn lại, hai dĩa cân bằng là đúng trọng lượng. Cả chợ lúc đó chỉ còn mỗi bà xài loại cân này.

Rải rác trong khu chợ chính là những sạp, tiệm khá đặc biệt. Muốn ăn bánh tét thì đến sạp cô Bé, cô là dân Tân Trụ, ngày nào cũng mang bánh qua chợ Thủ Thừa bán. Bánh tét của cô dẻo thơm, gói chắc tay, nhiều người hay đặt để làm quà biếu. Đồ dùng học tập, sách vở thì có tiệm Thanh Bình hoặc Tám Tĩnh. Vé số thì có tiệm Nam Phát. Muốn sửa đồng hồ thì đến tiệm ông Tư Chắc. Ông Tư sửa đồng hồ đã vài chục năm, được dân địa phương tin tưởng. Con gái ông Tư là cô Bích Chi, vận động viên bóng chuyền trong đội tuyển của Dệt Long An nổi tiếng một thời.

Chợ giáp Tết là những ngày chợ đông đúc và nhộn nhịp nhất, mà đông nhất là mấy sạp bán thịt heo vì nhà nào, dù nghèo khó đến mấy, cũng muốn có nồi thịt kho tàu cúng ông bà ba ngày Tết. Những sạp bánh kẹo, đường đậu bày bán thêm mứt Tết. Nhiều nhà vườn mang vạn thọ nhà trồng hoặc mai chiết cành ra bán cho người mua về chưng Tết. Mấy sạp trái cây thì có thêm “ngũ quả” và nhất là dưa hấu… Chợ đông đúc từ sáng tinh mơ đến đêm. Sạp bánh mì của bác tôi mấy ngày này bán không ngơi tay, khách đi chợ ghé mua ăn lót dạ. Tôi được bác cho đứng nhận và thối tiền cho khác, cũng tất bật như ai!

Sau nhiều lần di dời, chợ Thủ Thừa giờ nằm trên phần đất trước là trường tiểu học thị trấn và quy mô cũng không còn như xưa. Khu nhà lồng của chợ cũ đã ngưng hoạt động từ lâu. Hai con đường Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng vắng bóng những sạp hàng. Hơn 20 năm rồi, mùa nước nổi hàng năm chợ không còn ngập lụt vì đường sá đã được nâng cao. Chợ Tết cũng không còn cảnh nhộn nhịp xưa cũ. Bác tôi, mắt buồn hơi ngấn nước: “Lâu rồi bác Ba không ra chợ bán, thấy nhớ...”.

(*) Bối Ba Cụm: cách nói lóng ám chỉ các băng trộm cướp đường sông một dạo hoành hành ở vùng Ba Cụm, Chợ Đệm, Bình Điền (Ba Cụm thuộc làng Thanh Hà, nay là xã Tân Bửu thuộc huyện Bến Lức tỉnh Long An).

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất