, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/03/2022, 19:30

Nhớ con ốc đồng

ĐỖ MINH TIẾN
“Hổm rày trên thành phố ổn không con? Dịch giã quá trời, bây nhớ cẩn thận. Bữa nào bây về má đổ bánh xèo với làm nồi ốc đồng để bây ăn cho đã thèm”! Lần nào gọi điện lên má cũng dặn dò bấy nhiêu đó, mười lần như một…

Cứ mỗi lần nghe má nhắc nồi ốc đồng, lòng tôi lại trào lên nỗi nhớ quê, nhớ những ngày thơ bé chơi đùa thỏa thích ngoài đồng. Cả ngày thả diều, câu cá rồi lăn lê bò lết rình bắt dế than, dế lửa hoặc lội ruộng mò cua, bắt ốc… nên đầu tóc quần áo vướng đầy rơm rạ, bùn sình.

Thuở đó quê tôi ốc nhiều vô kể. Ốc lác, ốc bươu, ốc đắng... Chỉ cần đi bắt chút xíu là có cả thau đầy vun. Mỗi lần theo má và cậu ra đồng bắt ốc, tôi lại được má lại tranh thủ chỉ cho cách nhận biết từng loại ốc. Ốc lác đít tròn, trên đầu có sọc. Ốc bươu đen đầu méo, đít nhọn, mài ốc hơi trũng, ốc bươu vàng mài mềm, vỏ mỏng màu nâu vàng. Ốc đắng vỏ màu nâu thẫm, đuôi nhọn, trôn ốc xoắn nhiều vòng… 

Nghe má nói tôi mới biết, ốc đồng chỉ sống ở những mương, đồng sạch, những nơi nước dơ chúng sẽ chết… 

Mượn hình ảnh con ốc, má còn răn dạy tôi lẽ đời: “Sống ở đời nên rộng người, hẹp mình như con ốc đồng này nè. Lỗ rún nó cạn nên nó ít di chuyển, giành giựt mồi với ai, miệng nó hẹp để ăn ít nhường phần cho con khác và cũng để nói ít, nghe nhiều. Con nhớ chưa”? 

Mùa khô, ốc trốn mất dạng nhưng mùa mưa, ốc xuất hiện ngày một nhiều trên ruộng, trong vườn. Ốc bươu, ốc lác hay bám trên những giề rau mác hoặc bụi bông súng dưới ao, dưới mương; ốc đắng thì bám trên các bộp dừa nước, chà cây. 

Người quê tôi xưa ít ăn ốc bươu vàng vì thịt nó lạt. Mò được ốc bươu vàng, đám trẻ hay đem bán cho người nuôi vịt, được vài ngàn một ký. Riêng tôi, mỗi lần bắt ốc bươu vàng đều để dành một ít cho ba làm mồi bắt cá bống dừa hoặc đi câu ếch. Ba tôi đập bỏ vỏ ốc, lấy thịt ra bằm với một chút ớt hiểm. Khi ăn phải mồi có ớt hiểm, con cá bống mắc câu sẽ chép miệng liên tục nên có thể dụ thêm vài con nữa “vào tròng”. 

Câu ếch thì công đoạn có khác đôi chút. Ốc bươu đập vỏ lấy phần thịt, bỏ ruột. Cắt thịt ốc thành miếng cho vừa miệng ếch ăn, trộn thêm vài tép tỏi băm nhỏ rồi đem phơi nắng vài tiếng cho ốc dậy mùi. Trước khi đi câu, ba tôi cho thêm chút dầu chuối vào thịt ốc nữa là xong. Tới nơi câu, chỉ cần móc mồi rồi ngồi đợi, từng chú ếch sẽ lần lượt “sa lưới”. 

Ốc chế biến được nhiều món, từ luộc, nướng đến xào sả ớt, nhồi thịt, nấu cà ri... Riêng tôi thì chỉ khoái món ốc luộc của má. 

Trước khi luộc ốc, má đem ốc ngâm vài tiếng trong nước vo gạo có vài trái ớt hiểm đập giập cho ốc nhả hết nhớt, sạch ruột. Sau đó, má vớt ốc ra rửa lại rồi đổ ốc vào nồi có lót sẵn một lớp lá ổi dưới đáy cùng vài tép sả đập dập. Tinh dầu sả và chất chát của lá ổi làm thịt ốc chắc lại, ngọt hơn và không còn mùi tanh. 

Trong lúc má luộc ốc, tôi chạy ra sau vườn bẻ vài gai bưởi già thay kim để lể ốc. Người ta hay nói ốc ăn với cơm mẻ rất ngon, nhưng má thường làm nước mắm gừng sả cho tụi tôi, chén mắm chua chua mẳn mẳn má làm là ngon nhứt hạng…

“Má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc, hái rau má nhờ. Má ơi đừng đánh con khờ, để con thả lờ bắt cá má ăn”…

Những năm gần đây, con ốc đồng và những loài ốc tự nhiên khác không còn nhiều như xưa. Những sạp ốc bán ven đường tỉnh hay trong chợ chủ yếu là ốc nuôi trong các mương liếp gia đình. Món ốc đồng ngày thơ giờ trở thành đặc sản trong các quán ăn, nhà hàng tại thành phố. Những đứa con xa quê chỉ còn nhận ra con ốc đồng lờ mờ trong câu hát ru của má những ngày xa lắc xa lơ...

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất